May 26, 2011

Một số câu hỏi về cao huyết áp

Vì sao các bác sĩ lại khuyên người bị bệnh tăng huyết áp ăn nhạt?

Trả lời: Bạn để ý những người nội trợ khi làm tiết canh thường cho chút muối vào bát tiết canh để chóng đông, do muối ăn chứa na-tri có tác dụng làm đông máu.

Nói theo ngôn ngữ y học thì muối ăn, công thức hoá học là NaCl làm tăng độ nhớt của máu. Đấy chính là nguyên nhân làm tăng huyết áp vì vậy bác sĩ khuyên NCT nên ăn nhạt. Ngược lại, hợp chất có ka-li trong thức ăn có tác dụng giảm độ nhớt của máu, làm cho máu loãng ra, giảm huyết áp. Vì vậy, bạn nên chọn thức ăn chứa nhiều ka-li như các loại rau, đậu (đậu tương, đậu xanh, đậu đen..., ngô, khoai tây, rau giền, nấm...)

Chỉ số huyết áp bao nhiêu thì bị coi là nguy hiểm và cần điều trị?

Trả lời: Để điều trị tăng huyết áp, bác sĩ phải đo huyết áp và theo dõi. Nếu chỉ số dưới 160/95 thì bác sĩ chưa cần phải can thiệp. Nếu huyết áp vượt trên 160/95 nhưng áp suất tâm trương không quá 95 thì vẫn chưa cần can thiệp. Nếu huyết áp vượt trên 160/95 và áp suất tâm trương dao động trong khoảng 95-105 thì bác sĩ phải theo dõi sát sao diễn biến để điều trị kịp thời. Nếu áp suất tâm trương nằm trong khoảng 105-120 thì sẽ phải điều trị.

Vì sao có khi người bệnh thấy những vệt đen trước mắt?

Trả lời: Đấy là dấu hiệu cho biết áp suất trong mạch máu đang giao động mạnh. Nếu những vệt đen xuất hiện khi đứng dậy thì áp suất bị giảm, đôi khi làm bệnh nhân ngất hoặc bất tỉnh. Những vệt đen xuất hiện vào các trường hợp khác nhau là dấu hiệu áp suất mạch máu đang tăng. Bạn nên nhớ các trường hợp như thế và báo cho bác sĩ biết khi đi khám.

Người bệnh thấy như có tiếng nổ trong tai có ý nghĩa gì?

Trả lời: Tiếng nổ trong tai là dấu hiệu cho biết xuất hiện rối loạn tuần hoàn não. Nhiều khi hiện tượng vệt đen trước mắt và tiếng ồn trong tai cùng xuất hiện đồng thời. Nếu thấy có tiếng nổ trong tai thì nhất định phải đến gặp bác sĩ nhờ khám và có kết luận điều trị, không được để chậm.

BS. Lê Nam
Theo nguoicaotuoi.org.vn

Bệnh tăng huyết áp



Thế nào là tăng huyết áp?

Hằng ngày, kể cả khi chúng ta ngủ, trái tim không ngừng co bóp đưa máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể.

Máu được trái tim đẩy vào lòng mạch máu giống như bơm đẩy nước vào đường ống. Khi máu chảy vào trong lòng mạch máu, sức ép của máu lên thành mạch tạo ra áp suất mà ta gọi là huyết áp. Tuỳ theo hoạt động của cơ thể, huyết áp lên cao hoặc xuống thấp. Huyết áp được chỉ thị bằng 2 số, chẳng hạn: 140/90. Con số trên (140) gọi là áp suất tâm thu, để chỉ huyết áp khi tim co bóp đẩy máu vào mạch khi tim dãn. Ở người khoẻ mạnh bình thường con số huyết áp là 120/80. Huyết áp từ 140/90 trở lên được xem là tăng huyết áp (đi ít nhất 2 lần vào 2 thời điểm khác nhau). Các nghiên cứu y học cho thấy huyết áp càng cao càng nguy hiểm, vì sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận hoặc chết cơ tim cấp tính. Tuy nhiên, nếu đo thấy huyết áp tăng nhẹ, trên 140/90 thì không nên lo lắng, vì lúc đó chưa gọi là bệnh, đa số trường hợp nói trên chưa cần điều trị, chỉ cần theo dõi sát và hỏi ý kiến bác sĩ để điều chỉnh lối sống cho phù hợp.

Tăng huyết áp có hại gì?

Huyết áp tăng làm cho tim phải làm việc nhiều mới đủ máu đi nuôi cơ thể, do đó tim bị mệt và yếu dần. Tim yếu đến mức nào đấy thì bơm không đủ máu nuôi cơ thể, nhất là khi người ta vận động và con người làm việc chóng mệt, thấy chóng mặt, khó thở... Áp suất trong lòng mạch cao làm thành mạch tổn thương và các chất cô-let-xtê-rôn và tiểu cầu có trong máu sẽ bám vào để “làm lành” vết thương. Các chất bám vào nhiều làm thành mạch thu hẹp lại, lúc đó máu muốn qua mạch cần có áp suất cao hơn nữa. Cái vòng luẩn quẩn này làm huyết áp càng tăng. Đến một lúc nào đó do lòng mạch quá nhỏ, máu không đủ để nuôi tim nên một phần tim sẽ chết và gây ra hiện tượng chết cơ tim cấp tính (hê-ac-at-tax). Nếu máu không đủ nuôi mắt, thận... thì sẽ gây ra bệnh giảm thị lực, suy thận...

Điều trị tăng huyết áp

Tăng huyết áp được coi là căn bệnh “giết người thầm lặng” vì người bệnh không thấy rõ triệu chứng. Có nhiều người chỉ thấy nhức đầu, chóng mặt, thỉnh thoảng thảng thốt, bị làm sao ấy... Tuy nhiên, tăng huyết áp là bệnh dễ phát hiện, bác sĩ chỉ cần đo huyết áp 2 lần vào 2 thời điểm khác nhau là có thể sơ bộ kết luận. Tất nhiên, để có hướng điều trị đúng thì bác sĩ phải cho xét nghiệm để tìm hiểu xem người bệnh có bị tổn thương thận, tim... hay không, lượng cô-let-xtê-rôn là bao nhiêu để điều trị đúng.

Người bệnh cũng nên biết các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp để tự điều chỉnh và giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác. Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp là: khối lượng máu, độ nhớt của máu và độ dai thành mạch. Khối lượng máu càng lớn, độ nhớt của máu càng cao thì huyết áp càng tăng. Thành mạch càng dai thì huyết áp càng giảm. Vì vậy, để giảm huyết áp thì phải làm cho khối lượng máu giảm, máu phải loãng và thành mạch phải dai. Bác sĩ sẽ giúp người bệnh thì phải chọn loại thức ăn và điều chỉnh sinh hoạt có tác dụng theo hướng nói trên. Vì lẽ đó bệnh nhân phải ăn ít chất béo, ăn nhạt và năng động.

Khi đi khám, người bệnh nên kể cho bác sĩ biết mình đã dùng thuốc gì, kể cả những thuốc không liên quan đến tăng huyết áp. Vì có những thuốc như thuốc chữa sổ mũi, thuốc tránh thai... có tác dụng làm tăng huyết áp. Cũng nên kể những bệnh của mình, vì có một số thuốc ngoài việc chữa tăng huyết áp còn có tác dụng chữa bệnh khác, vì thế nên chữa luôn một lần cho tiện. Và điều kiện cần nhớ kĩ là bệnh huyết áp cao phải chữa suốt đời, đừng bao giờ nản chí và chủ quan.

BS. Nguyễn Dư

No comments: