Bài 1. Bệnh ho gà là gì?
Pertussis, còn gọi là “bệnh ho gà” là một loại bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây ra. Nó là một loại bệnh có vắcxin phòng ngừa và thường nhẹ ở trẻ em và người lớn đã được tiêm vắcxin nhưng có thể rất trầm trọng ở trẻ sơ sinh.
Ai là những người có nguy cơ bị bệnh ho gà?
Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh ho gà nhưng trẻ sơ sinh và trẻ em không được tiêm vắcxin có nguy cơ cao phát triển những biến chứng nghiêm trọng do bệnh ho gà.
Những triệu chứng của bệnh ho gà như thế nào?
Có ba giai đoạn của bệnh ho gà. Giai đoạn thứ nhất (kéo dài một tới hai tuần) bắt đầu giống như cảm lạnh, chảy nước mũi, xịt mũi, sốt nhẹ và ho dần dần nặng hơn. Giai đoạn thứ hai bao gồm những cơn ho không kiềm chế được (cơn bộc phát) và tiếng thở rít (ở trẻ sơ sinh) khi hít thở. Trong những cơn ho nặng, người bệnh có thể bị ngạt, nôn ói hoặc mặt tím tái do thiếu không khí. Giữa những cơn ho người bệnh thường vẫn có vẻ khỏe mạnh. Những cơn ho có thể tệ tới mức làm người bệnh không thể ăn uống hoặc thở được. Trong giai đoạn này, trẻ sơ sinh có thể ngừng thở (không thở được) và/ hoặc xanh tím (da tím tái). Giai đoạn ho này có thể kéo dài sáu tuần trở lên. Giai đoạn cuối cùng là khi các triệu chứng dần dần tiến cải thiện qua nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
Các triệu chứng xuất hiện khi nào?
Giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài từ 7 tới 10 ngày nhưng cũng có thể tới 21 ngày.
Bệnh ho gà lây lan như thế nào?
Vi khuẩn gây bệnh ho gà sống ở trong mũi, miệng và cổ họng và bị lan ra không khí khi người bệnh xịt mũi, ho hoặc nói. Những người khác ở cạnh sau đó có thể hít mầm bệnh vào. Trẻ sơ sinh thường bị lây bệnh ho gà từ trẻ lớn hơn hoặc người trưởng thành.
Một người có thể làm lây lan bệnh khi nào và trong bao lâu?
Ho gà lây nhiễm từ giai đoạn những triệu chứng như cảm lạnh cho tới khoảng ba tuần sau khi ở giai đoạn ho.
Chẩn đoán như thế nào?
Cơ sở y tế sẽ chẩn đoán bệnh ho gà bằng cách lấy mẫu bệnh phẩm nước nhầy ở mũi. Sau đó mẫu bệnh phẩm sẽ được xét nghiệm. Khó có thể chẩn đoán bệnh ho gà ở thiếu niên và người trưởng thành nếu không làm xét nghiệm do bệnh này giống như bệnh viêm phế quản ở những nhóm tuổi này.
Điều trị như thế nào?
Không có phương cách điều trị bệnh ho gà. Trẻ sơ sinh sẽ phải được nhập viện và/ hoặc được chăm sóc y tế. Kháng sinh sẽ giúp ngăn ngừa sự lây nhiễm bệnh sang người khác và có thể giảm mức độ trầm trọng của bệnh nếu được sử dụng sớm. Kháng sinh không thể ngăn ngừa phát bệnh ho gà cho những người bị lây nhiễm.
Những người được điều trị bằng kháng sinh vẫn có thể lây truyền bệnh cho tới hết 5 ngày sau điều trị. Những người tiếp xúc với bệnh ho gà nên được dùng kháng sinh để ngăn ngừa lây nhiễm nếu họ phát bệnh thậm chí cả khi họ đã được tiêm vắcxin. Ngoài ra, cần để người bệnh nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
Từng bị nhiễm bệnh giúp người đó miễn dịch phải không?
Không. Người đã bị bệnh ho gà trước đó vẫn có thể phát triển bệnh lại về sau. Không biết được sự miễn nhiễm ho gà kéo dài trong bao lâu.
Trẻ em và những người khác phải được cách ly khỏi nhà trẻ, trường học, công sở và các hoạt động khác nếu họ bị nhiễm ho gà có đúng không?
Đúng. Những người bị ho gà phải được cách ly cho tới 5 ngày sau điều trị kháng sinh. Những bệnh nhân ho gà không dùng kháng sinh phải được cách ly tới 21 ngày sau giai đoạn ho. Những tiếp xúc triệu chứng (tiếp xúc với các ca bệnh ho gà) cũng phải được cách ly tới 5 ngày sau điều trị kháng sinh.
Có thể làm gì để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh ho gà?
Có vắcxin để phòng ngừa bệnh ho gà. Trẻ nhỏ được tiêm vắcxin ho gà cùng liều với bạch hầu và uốn ván (được gọi là DTaP). Năm liều vắcxin được tiêm liên tục bắt đầu từ lúc 2 tháng tuổi để bảo vệ trẻ khỏi bệnh ho gà. Vắcxin có hiệu quả với hầu hết trẻ em, nhưng nó bị suy yếu tác dụng sau nhiều năm. Không được tiêm vắcxin DTaP cho những người từ 7 tuổi trở lên. Luật của bang North Dakota yêu cầu mọi trẻ em ở các cơ sở trường học, nhà trẻ phải được vắcxin phòng ho gà. Vắcxin ho gà cho thiếu niên và người trưởng thành cũng được tiêm cùng liều với bạch hầu và uốn ván (Tdap). Nên cho thiếu niên một liều Tdap ở độ tuổi 11 tới 12 để bảo vệ chúng khỏi bệnh ho gà. Người trưởng thành cũng nên tiêm Tdap. Rửa tay hàng ngày cũng có thể ngăn ngừa sự lây lan của bệnh ho gà.
Thông tin bổ sung:
Thông tin bổ sung có tại www.ndhealth.gov/disease hoặc bằng các gọi tới Cơ quan Y tế North Dakota theo số 800.472.2180. Bệnh này thuộc tình trạng phải được thông báo. Theo quy định của luật North Dakota, phải thông báo mọi ca nhiễm bệnh này ngay lập tức tới Cơ quan Y tế North Dakota.
Nguồn: Viện Nhi Khoa Mỹ. Bệnh ho gà. Trong: Pickering LK, phiên bản Red Book: 2003 Report of the Committee on Infectious Diseases. Phiên bản thứ 26. Elk Grove Village, IL: American Academy of Pediatrics; 2003: 419-429.
Bài 2. Ho gà
Là một trong những bệnh nặng nhất của trẻ con, ho gà là một chứng ho nặng và dai dẳng. Bệnh này rât lây nhiễm, do đó bạn hãy giữ con mình tách biệt những em bé và trẻ con nào chưa được tiêm phòng ho gà.
Những trẻ con đã tiêm phòng có thể mắc một dạng nhẹ của bệnh này. Một số trẻ em bị ho gà phát ra một bệnh nhiẽm trùng thứ phát, như viêm phế quản hay viêm phổi chẳng hạn.
Các triệu chứng
Tuần 1
- Triệu chứng ho và cảm thông thường.
- Sốt nhẹ
Tuần 2
- Ho nặng hơn với những cơn ho kéo dài tới 1 phút lập lại nhiều lần sau cơn ho, bé phải gắng sức mới thở được.
- Nếu bé khoảng trên 18 tháng tuổi, bé có thể học cách cố gắng hít vào với tiếng “cót’ cuối cơn.
- Ói mửa sau cơn ho.
Tuần 3 đến 10
- Bớt ho những có thể ho tệ hơn nếu con bạn bị cảm.
- Con bạn ít có nguy cơ lây nhiễm bệnh sau tuần thứ ba.
Bạn có thể làm gì?
1. Bạn hãy ở cạnh bé trong những cơn ho vì cháy rất có thể bị nguy kịch. Bạn hãy cho bé ngồi vào lòng bạn và bạn giữ bé cho hơi nghiêng về phía trước. Bạn nên có sẵn một cái chậu gần đó để bé có thể khạc nhổ đờm và lỡ sau đó bé có nôn mửa. Bạn hãy rửa kỹ càng cái thau bằng nước sôi để bảo đảm bệnh không lây lan.
2. Trong trường hợp bé hay ho và nôn mửa sau bữa ăn, bạn hãy cho bé ăn làm nhiều bữa nhỏ, chốc chốc lại cho ăn nếu có thể, ngay sau một cơn ho.
3. Hãy cho bé được khuây khỏa, bé sẽ ít lên cơn ho hơn, nếu sự chú ý của bé chệch đi hướng khác; tuy nhiên bạn cũng đừng làm cho bé bị kích thích quá hay mệt quá, vì như vậy có thể dẫn tới một cơn ho.
4. Bạn hãy ngủ cùng phòng với bé để có thể gần bé, nếu bé lên cơn ho ban đêm.
5. Đừng để cho bất cứ ai hút thuốc gần bé và cũng đừng cho bé uống bất cứ thứ thuốc ho nào.
Dấu hiệu cần cấp cứu
Nếu bé tím tái đi trong một cơn ho
Kêu bác sĩ
Hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn nghi bé bị ho gà
Bác sĩ có thể làm gì?
Bác sĩ có thể kê toa một thứ thuốc để cắt cơn ho và một thuốc kháng sinh. Mặc dù thuốc kháng sinh chẳng chữa khỏi chứng ho của bé, thuốc này làm cho chứng ho đỡ nặng hơn và là cho bé đỡ lây nhiễm sang ngừi khác. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có một em bé có nguy cơ bị lây ho gà từ một đứa bé (anh hay chị hoặc em) đã từng bị ho gà rồi. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh chỉ thực sự có hiểu quả nếu cho ngay lúc mới mắc bệnh.
Cách chăm sóc một em bé
Bệnh ho gà nguy hiểm đối với các em bé bởi lẽ các em bé có thể không có khả năng hít thở vào một cách thích nghi, sau cơn ho. Bé sẽ được chăm sóc cẩn thận và có thể cần nhập viện. Có thể bé sẽ gặp khí khăn trong các cữ bú, nếu bé nôn mửa nhiều, bởi vậy, bạn hãy bỏ đừng theo giờ giấc cho bú thường lệ mà hãy cho bé bú một cữ, ngay khi đã ổn định sau một cơn ho hoặc sau khi nôn mửa.
Các cơn ho
Khi bé của bạn lên một cơn ho, bạn hãy đặt bé nằm sấp, với chân giường hơi nâng cao hoặc cho bé nằm ngang đùi bạn mặt úp sấp xuống. Bạn hãy ở bên bé cho đếnkhi bé hết cơn ho và thở bình thường troe lại. Bạn hãy ôm ấp để dỗ dành an ủi bé sau một cơn ho hay ói mửa.
Theo Cẩm Nang Chăm Sóc Bà Mẹ và Em
Copy từ http://www.chamsocbe.com
Bài 3. Dược thảo điều trị ho gà
Ho gà là một loại bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Hemophilus pertussis gây ra, hay gặp ở mùa đông xuân. Y học cổ truyền dân tộc gọi tên bệnh là bách nhật khói (ho cơn 100 ngày, do tà khí (vi khuẩn) qua mũi miệng vào đường hô hấp, phế khí không thông, nghịch lên gây ho. Bệnh kéo dài ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và sinh ra các biến chứng.
Bệnh ho gà thường gặp ở trẻ em. Lúc đầu trẻ hơi sốt, hơi đỏ mắt, ho khan, ho dai dẳng, sau ho từng cơn dài, rũ rượi, thở rít vào như gà gáy, ho ra dãi trong hơi dính, hoặc có khi nôn ra sữa và thức ăn.
Một số dược thảo trong thành phần các bài thuốc trị ho gà
Bách bộ: Có tác dụng trị ho, ức chế trung tâm hô hấp, ức chế phản xạ ho. Ngày dùng 4-12g, dạng thuốc sắc, cao, viên hoặc bột.
Bán hạ nam (củ chóc) chế: Có tác dụng chống ho, chống co thắt cơ trơn, giản đau. Dùng trị ho, hen suyễn. Ngày dùng 3-10g, sắc nước uống.
Vỏ rễ dâu: Được dùng chữa ho có đờm, hen, ho ra máu, trẻ em ho gà. Ngày dùng 4-12g, sắc nước uống.
Gừng: Có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, chống co thắt cơ trơn, giảm đau, giảm ho, hạ sốt, kháng histamin. Được dùng chữa ho, viêm phế quản. Ngày dùng 4-12g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.
Hẹ: Có tác dụng kháng khuẩn, lá và thân hành hẹ được dùng chữa ho trẻ em, hen suyễn, họng sưng đau. Ngày dùng 12-25g lá và thân hành tươi, giã nát, vắt lấy nước uống.
Hoàng cầm: Có tác dụng kháng khuẩn, kháng histamin, giảm đau. Được dùng làm thuốc chữa ho, hạ sốt, ngày uống 6-15g dạng thuốc sắc hoặc bột.
Ma hoàng: Chứa hoạt chất ephedrin có tác dụng gây giãn cơ phế quản mạnh. Trong y học cổ truyền, ma hoàng được dùng trị ho trong ho gà, hen phế quản.
Ngũ vị tử: Được dùng trị ho tức ngực, suyễn, viêm phế quản, hen phế quản. Ngày uống 5-15g quả và hạt dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm và bột.
Cỏ nhọ nồi: Có tác dụng kháng khuẩn, kháng histamin, chống viêm, cầm máu. Được dùng điều trị ho, ho ra máu, hen, viêm họng. Ngày dùng 20g cây khô, dạng thuốc sắc, hoặc 30-50g cây tươi, giã vắt lấy nước uống.
Tía tô: Có tác dụng kháng khuẩn, chống co thắt cơ trơn, chống dị ứng. Được dùng chữa ho, hen suyễn; ngày dùng 5-12g lá, sắc nước uống.
Các bài thuốc trị ho gà
Giai đoạn đầu: Do cảm nhiễm, phế hàn.
Triệu chứng: Chảy nước mũi, ngạt mũi, ho liên tục, ngày nhẹ, đêm nặng.
Bài 1: Lá chanh, lá táo, cỏ trói gà, trần bì, mỗi vị 4-8g. Sắc nước uống, ngày một thang.
Bài 2: Lá táo, lá chanh, mỗi vị 300g, lá dâu 200g. Tất cả phơi khô, tán thành bột mịn, luyện với mật ong làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 40-60 viên chia hai lần.
Bài 3: Lá tía tô 12g, cam thảo dây 10g; lá hẹ, lá xương sông, mỗi vị 8g, vỏ quýt 6g, gừng 2g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 4: Hạnh nhân (nhân hạt mơ) 12g, bách bộ 8g; trần bì 6g; ma hoàng, cam thảo, mỗi vị 4g. Nếu có sốt, thêm: tang bạch bì 12g, hoàng cầm 8g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 5: Bạch thược 8g; ma hoàng, quế chi, cam thảo, bán hạ chế, ngũ vị tử, mỗi vị 4g; can khương, tế tân, mỗi vị 2g. Sắc uống ngày một thang.
Giai đoạn ho cơn: Do đờm nhiệt, phế nhiệt.
Triệu chứng: Sau khi mắc bệnh khoảng một tuần, ho càng ngày càng nặng, ho cơn, sau khi ho có tiếng rít, nôn ra đờm dãi, thức ăn. Nếu ho nhiều có thể ra máu, xuất huyết giác mạc, chảy máu cam, mi mắt nề.
Bài 1: Bách bộ, cỏ mần trầu, rễ chanh, cỏ nhọ nồi, rau má, mỗi vị 250g; lá mơ, cam thảo dây, mỗi vị 150g, trần bì 100g, gừng 50g, đường kính 1.500g. Cho vào 6 lít nước, sắc còn lại 1 lít. Liều dùng: mỗi lần uống 2 thìa cà phê; 6 tháng đến 1 năm tuổi: ngày uống 2-3 lần; trên 1-2 tuổi: ngày 4 lần; trên 2-4 tuổi: ngày 6 lần; trên 4-7 tuổi: ngày 7 lần.
Bài 2: Thạch cao 20g; hạnh nhân (nhân hạt mơ, chần nước sôi, sao vàng), hoàng cầm, mỗi vị 12g, ma hoàng 6g; bách bộ chế, cam thảo, mỗi vị 4g. Nếu xuất huyết, thêm: rễ cỏ tranh 12g, chi tử sao đen 6g. Nếu đờm nhiều, thêm: bán hạ chế, hạt củ cải, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 3: Tang bạch bì, mạch môn, ngưu tất, mỗi vị 10g, xuyên tâm liên 5g. Sắc uống ngày một thang.
Giai đoạn hồi phục:
Triệu chứng: Cơn ho giảm nhẹ dần, số lần ho ít hơn, tiếng rít giảm dần đến hết, cơn ho yếu, thở ngắn, dễ ra mồ hôi, khát nước.
Bài 1: Thiên môn, bách bộ, mỗi vị 16g; vỏ rễ dâu, sa sâm, mạch môn, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 2: Thiên hoa phấn (rễ qua lâu) 16g; sa sâm, mạch môn, mỗi vị 12g; tử uyển, bách bộ, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 3: Bách bộ, mạch môn, sa sâm, mỗi vị 8g, cát cánh 6g; kinh giới, cam thảo, tử uyển, mỗi vị 4g, trần bì 2g. Sắc uống ngày một thang.
GS. Đoàn Thị Nhu
Nguồn: http://suckhoedoisong.vn
Bài 4. Ho gà - Bệnh dễ lây trong mùa đông xuân
(Dân trí) - “Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính, hay xảy ra nhất trong mùa đông xuân và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp, hay để lại những biến chứng nặng dẫn đến viêm não”, BS Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết.
Ho gà là do một loại trực khuẩn gây ra. Trong tiết trời mùa xuân không nóng, không lạnh, lại thêm không khí ẩm ướt là những điều kiện thuận lợi để loại trực khuẩn này phát triển, sinh sôi nảy nở.
Triệu chứng
Trong việc chẩn đoán ho gà ở trẻ em, có những trường hợp biểu hiện rõ ràng rất dễ nhận biết, nhưng cũng có trường hợp chẩn đoán lại rất khó khăn, nhất là ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ dưới 6 tháng (những trẻ chưa được tiêm phòng) càng khó chẩn đoán hơn. Tuy nhiên, cha mẹ có thể căn cứ vào một số triệu chứng sau để nhận biết cơn ho của trẻ:
Ở giai đoạn đầu, bệnh thường biểu hiện bằng ho nhẹ. Sau 7-10 ngày, ho sẽ nặng dần theo từng cơn và kéo dài cả vài tháng nếu không điều trị. Trong thời kỳ này trẻ có những cơn ho kéo dài, ho rũ rượi không ngừng đến nôn ẹo, khiến người bệnh bị chảy nước mắt, nước mũi. Sau cơn ho làm trẻ đỏ bừng mặt hay tím tái cả người do bị suy hô hấp, bệnh nhân có thể chết vì bị ngẹt thở. Cuối mỗi cơn ho thường có tiếng rít, xuất hiện nhiều đờm dãi.
Đặc biệt trẻ sơ sinh bị ho gà thường rất nặng nề. Nhiều bệnh nhi ho nhiều đến mức chảy cả máu mắt. Phần lớn trẻ ho gà bị chết là do suy hô hấp, không đủ ôxy. Ngoài ra, ho gà có thể gây các biến chứng viêm phổi, xuất huyết kết mạc, thiếu ôxy não, biến chứng viêm não... nếu không được điều trị kịp thời.
Cần điều trị sớm
Bệnh không để lại biến chứng nếu được điều trị kịp thời và trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng gì đặc biệt ở đường hô hấp sau này. Hơn nữa, nếu điều trị sớm trong 7 ngày đầu sẽ giảm tần số cơn ho và giảm nguy cơ lây lan.
Với trẻ lớn bị ho gà và không có biến chứng, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu trong 10-14 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Còn với trẻ dưới 6 tháng tuổi thường phải nằm điều trị nội trú trong bệnh viện. Cần lưu ý, những bệnh nhân ho gà cần được điều trị cách ly, tránh tiếp xúc với nhiều người để giảm nguy cơ lây bệnh.
Trong thời gian điều trị, nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn các thức ăn dễ tiêu như cháo, sữa. Tuy nhiên cần lưu ý, khi trẻ uống nước, bú, ăn cháo... không nên cho trẻ ăn quá nhanh tránh bị sặc.
Ngoài ra, với những người không mắc ho gà (dù ở lứa tuổi nào, đã hay chưa chủng ngừa vắc – xin) nhưng phải tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân ho gà sẽ được chỉ định điều trị dự phòng bằng kháng sinh. Tuy nhiên, cũng cần hạn chế tiếp xúc tối đa với bệnh nhất, nhất là trong 7 ngày đầu bệnh khởi phát.
Phòng bệnh
Ho gà có thể phòng ngừa rất hiệu quả bằng cách tiêm chủng. Cho trẻ tiêm đủ 3 mũi theo đúng lịch tiêm sẽ có khả năng phòng bệnh rất lớn, đến 90%. Còn nếu chưa chủng ngừa đủ 3 mũi thì khả năng ngừa bệnh yếu hơn hoặc nếu trẻ có mắc bệnh thì sẽ nhẹ hơn những trẻ không tiêm chủng.
Ho gà là bệnh rất dễ lây lan, thậm chí lây thành dịch. Bệnh lây qua đường hô hấp, truyền từ người sang người qua những hạt nước bọt nhỏ văng ra khi bệnh nhân ho hoặc qua dịch mũi. Do vậy khi thấy trẻ bị ho gà, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ khám và điều trị ngay. Không nên có quan niệm ho gà phải kéo dài đủ 3 tháng 10 ngày sẽ tự hết mà không phải điều trị. Được điều trị càng sớm, trẻ càng ít có nguy cơ bị biến chứng.
Hồng Hải
No comments:
Post a Comment