May 26, 2011

Bệnh đău lưng (2 bài)

Bệnh đau thắt lưng ở người cao tuổi



Những người ở trong độ tuổi 45 trở lên thường đau thắt lưng, cũng có một số người dưới 20 tuổi mắc phải bệnh này.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh đau lưng: bẩm sinh, va chạm thần kinh, bị thương, bị ngã, bị vật nặng đụng vào lưng, nhiễm trùng, sau giải phẫu, xương sống thoái hóa, sưng khớp, hệ tuần hoàn bị nghẽn, đứng lâu, ngồi cong lưng và một nguyên nhân ít người nghĩ đến là sự căng thẳng.

Các phương pháp điều trị:

Khi bị đau lưng, người bị đau lưng hay nghĩ ngay đến bác sĩ về chỉnh xương, nắn gân (chiropractor) để làm “therapy” nghĩa là “vật lý trị liệu”. Thường thì các bác sĩ ít khi tự tay làm vật lí trị liệu hoặc cho uống thuốc giảm đau. Còn thầy thuốc Đông y cho đốt ngải cứu chườm lưng...

Gần đây, một phương pháp đơn giản và có thể chữa tận gốc căn bệnh là: Tập vận động thắt lưng (back exercises). Phương pháp này được các bác sĩ Tây y phổ biến trên mạng (http://www.annals.org) trừ những người bị chấn thương và mới giải phẫu.

Tập vận động thắt lưng, phối hợp với khí công

1. Vặn thắt lưng: Đứng thẳng, hai tay buông xuôi theo thân người, từ từ xoay qua bên phải, hai tay “vặn” theo cho đến hết cỡ. Khi bắt đầu xoay, hít chầm chậm qua mũi, khi ngưng lại thì nén hơi, đếm 1,2,3. Từ từ xoay trở lại phía bên trái, cũng “vặn” tay theo và hít vào. Nhớ làm thật chậm, càng chậm càng tốt, để hít ô-xy vào thật nhiều. Tập 10 lần một bên.

2. Xoay bụng: Hai tay chống hông. Lắc thắt lưng theo một vòng, nghĩa là đẩy thắt lưng tới trước rồi tiếp tục lắc về phía bên trái theo vòng tròn, khi đến phía đằng sau, thì đẩy thắt lưng về phía sau, lại kéo qua bên phải rồi đẩy tới trước đằng sau cho đủ một vòng. Trong khi xoay, cũng hít sâu, thở ra thật chậm.

3. Làm giãn xương: Đứng thẳng người, hai chân dang ra vừa phải, hai bàn tay ngửa lên trời, để chồng lên nhau trước bụng. Sau đó, chầm chậm đưa hai tay lên trời, nhưng trong khi đưa, từ từ úp hai lòng bàn tay vào trong phía bụng, rồi lộn ngược lên từ từ sao cho hai lòng bàn tay lật ngửa lên trời khi hai bàn tay ở trên đầu. Lưu ý, khi bắt đầu hít vào thật chậm, khi đẩy lên cao thì thở ra.

Những điều “cấm”, không được làm: Không được ngồi cong lưng. Không chạy mạnh. Không cúi gập người về đằng trước. Không làm các động tác vẹo người lâu. Không cúi xuống, nhấc đồ vật nặng.

Ngô Hữu Đoàn (Theo In-tơ-nét)

Hãy thư giãn khi đau lưng



Có thể nói đau lưng là bạn đồng hành của con người. Bệnh này không loại trừ ai, kể cả vận động viên, người dẫn chương trình, nhà quản trị hay sinh viên. Những người bị đau lưng cảm thấy khó chịu, nhói đau ở lưng. Nguyên nhân thường là co thắt mạn tính cơ lưng.

Bất kì cảm giác đau nào cũng có thể là tín hiệu về sự trục trặc trong cơ thể. Cơn đau lưng thường xuất hiện bất ngờ, làm tê liệt các ý thức, gây lo lắng. Đau nhiều hay ít lệ thuộc không phải vào mức độ huỷ hoại, mà vào cường độ co thắt cơ - nguồn gây đau. Nói tóm lại là tuỳ thuộc vào số lượng cơ tham gia vào quá trình, trạng thái giới hạn cảm giác đau.

Con người khác với những sinh vật khác ở chỗ “tự nguyện giam cầm” mình trong những tư thế để cơ thể căng thẳng lâu một cách không thăng bằng. Chẳng hạn, đó là thế ngủ trên tấm đệm mềm, chủ yếu làm việc bằng tay phải khi viết hay chân phải khi lái xe... Con người hiện đại ngày càng mất thói quen giữ cho cơ thể thăng bằng.

Điều tồi tệ nhất khi đau nhói ở lưng chúng ta thường uống thật nhiều thuốc giảm đau, chườm nóng và nằm rên rỉ trong tâm trạng tuyệt vọng. Nếu đi khám với những chẩn đoán đại loại như hỏng sụn, hư cột sống, viêm rễ thắt lưng cùng, đau thắt lưng, thoát vị đĩa gian đốt sống... thì cũng không nên coi đó là bản án, mà cần hành động hợp lí.

Các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh rằng não và thân cũng tạo ra vòng luẩn quẩn những cơn đau mạn tính ở lưng. Tất cả đều bắt nguồn từ sự căng thẳng cơ do quá tải hoặc đau lưng. Các công trình nghiên cứu đã cho thấy rằng rối loạn cảm xúc đúng là gây co thắt các cơ lưng và hậu quả là làm đau thêm.

Vòng luẩn quẩn khép lại nhanh chóng: Cơn đau gây stress, làm căng các cơ lưng khiến con người ta sợ vận động bình thường, đến lượt mình điều đó lại làm các cơ lưng bị dồn nén hơn và yếu đi. Chu kì này có thể kéo dài một vài ngày, một vài tuần lễ, thậm chí không kéo dài.

Ngoài ra con người ta cũng bị cốt hoá xương sụn giữa các đốt sống gây hỏng sụn, chúng ta không hề thấy sự cốt hoá, nhưng khi khớp xương sụn mỏng đi và ít đàn hồi hơn khi đó cơ thể ảnh hưởng đến rễ con thần kinh. Các dây thần kinh vận động và cảm giác xuất phát qua các lỗ giữa đốt sống, phát đi các tín hiệu cho các cơ, da và các cơ quan nội tạng. Nếu thần kinh cơ bị chèn ép, những cơ này bị quá tải so với những cơ khác và gây đau. Đó là cách cơ thể gửi những tín hiệu đó. Tín hiệu cảnh báo chúng ta về những hậu quả nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn khi bị bệnh vùng đốt sống cổ có thể gây đau đầu, chóng mặt, ù tai, rối loạn thì giác. Khi bị bệnh vùng lồng ngực, đau ở vùng tim, khó thở, khi bị bệnh vùng thắt lưng, rối loạn các cơ quan tiêu hoá, thận, giảm hưng phấn tình dục.

Trong kho tàng những phương tiện điều trị có:

Xoa bóp: đây là công cụ tự nhiên và thường có hiệu quả nhất. Tay người do não điều khiển là một trong những công cụ chữa bệnh hiệu quả nhất, không máy móc nào so sánh nổi và việc học thuần thục nghệ thuật xoa bóp phải mất hàng năm trời.

Vật lí trị liệu châm cứu, những bài thể dục chữa bệnh: Hai công cụ này đều tác động trực tiếp đến cơ thể người, thường là tác động bằng lực tới các cơ, dây chằng, xương, khớp sống nhằm giải toả co thắt cục bộ, giải thoát các rễ thần kinh và phục hồi lưu thông máu.

Nhưng điều chủ yếu nhất là phòng ngừa. Phòng bệnh tốt nhất cho cột sống là thế ngồi thẳng, luyện cơ, nằm đệm chỉnh hình cứng và kịp thời khắc phục những cơn đau ở lưng, tránh rối loạn cảm xúc bằng cách thư giãn.n

BS. Thu Hương
(Theo Zdorevie, MiGnews)

No comments: