May 26, 2011

Bệnh chuột rút

Bài 1. Để phòng tránh bệnh “chuột rút”



"Chuột - vọp" không trừ ai

Trong văn y Tây, Đông gọi chứng đau đột ngột này là "co rút cơ bắp", hoặc chứng đau "thời tiết", thường do lạnh nhiều hơn. Song, trong dân gian đúc rút thành ba loại chuột rút cho dễ phân biệt và phòng trị.

1. Ở bắp chân. Hiện tượng thường thấy nhất của chuột rút (CR) chính là ở đây, giữa điểm nổi sau bắp cẳng chân huyệt Thừa sơn, nằm giữa huyệt ủy trung đóng trong khớp phía xương chày và xương đùi với làn ngang chỗ lồi cao hai mắt cá chân. Bị co rút, bắp cơ nổi thường ép sát vào xương chày rất đau kèm theo co quắp lại cả cung bàn chân. Lúc này càng thay đổi tư thế của chân càng đau, đành phải nhẹ nhàng lựa thế để tay tiếp cận bấm mạnh huyệt Thừa sơn và gắng duỗi thẳng cả khớp gối, cổ chân. Day huyệt vài phút, đồng thời bấm mạnh huyệt Công tôn, vừa bấm, vừa gập bàn chân ngược về phía cẳng chân.

Chúng tôi đã một lần hút chết ở nhà khách Công đoàn Bãi Cháy (Quảng Ninh). Sáng sớm ra biển tắm, bơi chỉ còn cách con tầu 3 - 400 mét thì bị chuột rút. Đành nghiến răng chịu đau, cố ở tư thế đứng cho nổi đầu để thở, qua giây lát đau khủng khiếp ban đầu rồi khẽ khàng cử động chân đau. Trường hợp thứ hai, hai ông bà Đồng và Thu ở khu A5, nguyên giảng viên Đại học TDTT Từ Sơn Bắc Ninh hè năm 1997 dự lớp Dưỡng sinh bằng Năng lượng sinh học tại CLB NCT Thanh Xuân Bắc kêu đêm thường bị chuột rút vài lần, mất ngủ cả đêm. Chúng tôi giới thiệu cách phòng: Trước giờ ngủ xoa vuốt hai chân, cuối cùng, ốp hai bàn tay vuốt từ mông háng xuống bàn chân, tới cổ chân trong đầu quán tưởng: "Thông xả tà khí ra bàn chân". Hôm sau hai cụ khoe làm thế mỗi một lần mà hết chuột rút.

Trong sách "Điểm phản xạ nơi bàn chân", hai bác sĩ Mỹ M.Các-tơ và E.Ing-ham cho biết: Sự đánh thức các cơ bắp trong người là rất cần thiết khi đang mệt mỏi hoặc trong trạng thái không vận động, bị lạnh... mà bất chợt phải cử động đột ngột thì các hệ mạch máu nhỏ, thần kinh không kịp được cung cấp đủ các dạng "chất đốt" cần thiết để kích hoạt "cỗ máy" cơ bắp vận hành. Do vậy, để phòng chuột rút, cả cho trường thọ, nhuận sắc, cường lực, kiện não, tốt nhất là thường xuyên tác động vào điểm phản xạ của tuyến yên, nằm giữa phần thịt dưới bụng ngón chân cái 1 - 2 phút. Tuyến này là tướng chỉ huy sẽ thức tỉnh cả "7 chú lùn" hóc-môn nội tiết kích hoạt, điều chỉnh, cân bằng vận động để trao đổi chất.

Lịch sử chạy ma-ra-tông quốc tế từng ghi nhận một nữ vận động viên Trung Quốc trên đường đua bị chuột rút, tưởng bỏ cuộc. Không, chị ngã quỵ, bình tĩnh chịu đau, một tay gỡ chiếc kim cài số áo trên ngực, châm vào chỗ đau (huyệt Thừa sơn) vừa gượng đứng dậy chạy tiếp. Một kì tích, nhưng ý nghĩa ở đây là chuột rút không trừ ai. Kể cả vận động viên thể thao...

2. Nơi bàn tay. Chứng đau này nhẹ thôi, nhưng bị lần đầu dễ… phát hoảng vì bỗng dưng thấy bàn tay co cứng tóp lại, các ngón duỗi thẳng bị ép về một bên. Chủ nhân tự nắn, duỗi, chỉ lát sau co duỗi bình thường. Nguyên nhân trực tiếp là ngồi viết lâu, đánh máy chữ, vi tính, đánh dương cầm, tay điều khiển các máy, thiết bị rung động đều như máy cưa, máy khoan, đào bê tông…, hoặc các thao tác phải đưa tay lên cao thời gian lâu v.v... Thường gặp nhẹ nhất là tê bì hai đầu ngón tay giữa và ngón đeo nhẫn ở bàn tay ít cử động.

Thí nghiệm với người thường có mặt ngoài trời lạnh rất hiệu quả là ở trong nhà, ngâm tay (hoặc chân) vào chậu nước ấm mười phút, ra trời lạnh, lại vào nhà ngâm nước ấm. Luyện dăm ba lần/ ngày, sau 54 lần, nhiệt độ đo được ở đầu ngón tay ngoài trời lạnh tăng tới 7 độ. Do vậy, thói quen ngâm chân, ngâm cả tay, trong nước ấm (có thêm chút muối, gừng tươi) là rất tốt. Nên xoa bàn tay ngày vài lần, day các đầu ngón tay, nơi có các đầu mút của 6 huyệt vị nội tạng thuộc Kinh phế, Đại trường, Tâm bào, Tam tiêu, Tâm, Tiểu trường để kích hoạt tuần hoàn, thần kinh, nội tiết, bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng thì loại bỏ được chứng tề bì, chuột rút.

3. Cử động trái chiều đột ngột. Quý vị từng bị "chuột rút" cả ở bụng dưới, thường gặp phía bên trái, bên dưới đại tràng xuống, hoặc nữ ở dưới rốn, vùng khung chậu bên phải….chưa? Vậy là "chú chuột tinh ma" luôn "trực chờ rút" gân cơ ta ở mọi nơi "xung yếu" trong cơ thể. Chống chuột, tốt nhất, cần tri thức để tập luyện phòng ngừa.

Phòng chống bằng ăn uống

Nghiên cứu của cơ quan dinh dưỡng Mỹ USDA cho thấy: Nếu cơ thể ta bị mất đi 2/3 lượng chất sắt thì sẽ giảm gần gấp đôi lượng sắt cần có cho nhiệt lượng mỗi ngày. Mà thiếu sắt (Fe) - nhu cầu cần thiết nhất trong dinh dưỡng, sẽ bị thiếu máu gây hoa mắt, chóng mặt, luôn mệt mỏi, tê bì ngón tay, da khô, hồi hộp, lo sợ vô cớ, ngủ gật, vô cảm, co rút cơ bắp - đừng vội "kết tội" chỉ thiếu can-xi, và đó là báo hiệu của bệnh tim mạch... Sắt có nhiều trong các loại rau cải màu xanh đậm, cá, gà, vịt, thịt đỏ (bỏ mỡ)...

Những người nghiện thuốc lá, cà-phê, trà đặc, tưởng rằng mấy thứ này làm "ấm người"? Sự thực, các chất ni-cô-tin, cà-phê-in làm co hẹp mạch máu, máu giảm tốc độ lưu thông, đến các đầu ngón tứ chi chậm và ít sẽ dễ tê bì, co rút…Ngược lại, chất cồn trong bia rượu có thể làm căng trương mạch máu, máu tuần hoàn tốt đấy, nhưng nhanh "thông xả" hết năng lượng ra tay chân. Vậy thì đường còn xa, ở ngoài trời lâu sẽ thật nguy hiểm, nếu định chống rét bằng rượu bia. Ta đã gặp người chết cóng bên đường là vì vậy!

Trịnh Tố Long

Bài 2. Phòng ngừa chuột rút



Đột nhiên bị đánh thức bởi cơn đau dữ dội ở bắp chân, ngón chân hay cơ bắp hai bên vai. Đó là hiện tượng thường xuyên xảy ra đối với người trung niên và người cao tuổi. Y học gọi đó là hiện tượng chuột rút về đêm.

Khi chuột rút xảy ra thường có đặc điểm chân đau không cử động được, chỗ đau có một cục do cơ bị co lại. Ở người già, do đặc điểm của lứa tuổi là khó ngủ và ngủ ít, nên khi gặp chuột rút thì những cơn đau do hiện tượng này gây ra thường khiến họ mất ngủ cả đêm, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Không chỉ người già mới bị chuột rút, mà ngay cả đối với thanh niên, thậm chí là trẻ em cũng có thể gặp phải hiện tượng này. Theo các bác sĩ, đa phần các trường hợp bị chuột rút là lành tính, tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, nếu thường xuyên gặp hiện tượng này và kèm theo đó là một số triệu chứng như uống nhiều nước, đi tiểu nhiều lần, cơ thể mệt mỏi, sợ lạnh, tăng cân, da xanh xao nhợt nhạt, đau chân khi đi bộ đoạn ngắn... thì rất có thể đó là dấu hiệu tiềm ẩn của một bệnh nào đó.

Cách cắt dứt cơn đau:

- Cố gắng đứng dậy đi hoặc lắc lư chân.

- Kéo căng cơ bắp chân, ngồi thẳng chân và cố gắng gập bàn chân về phía đầu gối.

- Xoa bóp, chườm lạnh bằng túi đá hoặc tắm bằng nước ấm.

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân dẫn đến chuột rút, sẽ có biện pháp thích hợp để chữa trị. Ngoài một số biện pháp trên, đối với người già, do đặc điểm lứa tuổi, sẽ có phương pháp phòng ngừa và điều trị chuột rút phù hợp với đặc điểm tâm lý và sức khỏe.

Để phòng ngừa chuột rút cần thực hiện:

- Uống đủ nước trong ngày.

- Giới hạn hoặc tránh uống nhiều rượu, bia và cà phê.

- Ăn uống cân bằng, bảo đảm đầy đủ canxi, kali, manhe.

- Tập xe đạp tại chỗ hoặc tập kéo căng cơ bắp chân vài phút trước khi ngủ.

- Nếu bạn đang dùng thuốc để chữa bệnh và bị chuột rút, hãy thông báo với bác sĩ điều trị để tìm nguyên nhân.

- Khi thực hiện các hướng dẫn trên mà chuột rút vẫn xảy ra, cần đi khám ngay để điều trị chứng bệnh này.

Tác giả : Lại Thuỷ

Bài 3. Chuột rút, nên dùng thuốc gì



Chuột rút là sự co cơ không cố ý (tự nhiên hay do lệch tư thế) rất đau đớn, đôi khi chỉ thoáng qua vài giây nhưng có khi kéo dài đến nửa tiếng thậm chí một tiếng.

Lúc đó khối cơ cứng, ngắn lại và đòi hỏi tiêu thụ rất nhiều oxy và glucose.

Bình thường hầu như không gây tác hại gì. Song có khi nguy hiểm nếu xảy ra lúc đang bơi, đi xe, đang vận hành máy móc vì lúc đó sẽ không làm chủ được vận động. 

Có nhiều nguyên nhân gây ra chuột rút (chuột rút) và cách khắc phục theo từng nguyên nhân:

Do thiếu canxi, magie và kali: Nguyên nhân này thường gặp ở người có thai, cho con bú, hay ở trẻ trưởng thành (do trong khẩu phần ăn không đủ các chất này).

Với nguyên nhân đó chỉ cần bổ sung các chất trên là được.

Lưu ý: nên bổ sung từng thứ một. Chẳng hạn nếu thiếu cả canxi và magie thì bổ sung magie trước rồi bổ sung canxi sau vì canxi làm giảm sự hấp thụ magie.

Ngoài ra chuột rút còn do ứ đọng axit lactic (do vận động quá mức, cung cấp thiếu nước hay do dùng thuốc làm cho chuyển hóa bị rối loạn).

Do sự lão hóa hệ thần kinh, hệ cơ hay hệ mạch: Nguyên nhân này thường xảy ra với những người lớn tuổi.

Ở người lớn tuổi, nguyên nhân này lại đi kèm với nguyên nhân trên (vì sự hấp thu các chất trên giảm sút).

Cách khắc phục là vừa bổ sung canxi, magie và kali vừa bổ sung các chất có lợi cho hệ thần kinh cơ và hệ tuần hoàn.

Thường dùng nhất là vitamin B1 uống, liều cao hay vitamin B6 (phối hợp sẵn trong viên magie - B6).

Do hoạt động thái quá của hệ thần kinh cơ bắp: Một số hoạt động kiềm chế hệ thần kinh trung ương bị mất (do quá mệt mỏi hay lạm dụng thông tin phản hồi của cơ bắp).

Chẳng hạn như tập luyện căng thẳng lâu trong một tư thế, trong một điều kiện bắt buộc khác với bình thường (như lạnh đột ngột).

Điều này hay xảy ra với vận động viên và cách phòng chữa chuột rút ở họ cũng có khác:

- Cần có thời gian làm duỗi cơ 5-10 phút trước lúc khởi động, mang trang bị đúng (như dùng loại giày thích hợp), dùng đủ nước (thiếu nước sẽ gây tích lũy axit lactic), khi bơi lội hay bị chuột rút ở ngón chân (nên khởi động cho ấm, vào nước từ từ bằng vận động chậm).

- Khi bị chuột rút thì ngừng ngay hoạt động, nếu được có thể kéo duỗi cơ từ 15-20 giây cho đến khi cơ giãn hoàn toàn.

- Sau khi bị chuột rút nên nghỉ luyện tập khoảng một giờ để cơ bắp và hệ thần kinh trung ương đủ hồi phục.

Xoa dầu, làm nóng vùng chuột rút trong vài phút để làm giãn cơ.

Đương nhiên vận động viên cũng cần có chế độ ăn hay dùng thuốc bổ sung đủ canxi, magie, vitamin như các trường hợp nêu trên và nhu cầu của vận động viên bao giờ cũng cao hơn.

Một thuốc nữa thường dùng trong chuột rút là loại làm bền và giãn mạch.

Chúng làm cho máu lưu thông, cung cấp đủ các chất cho hệ cơ và thần kinh.

Thường có thể dùng cyclo - 3 fort (gồm cao Ruscus alculeatus + hesperdin methyl chacol và vitamin C) hay các loại khác như benzequerein. Thuốc khó dùng, cần có chỉ dẫn của thầy thuốc.
Người bị chuột rút cũng không nên lạm dụng chất kích thích như cà phê.

Y học cổ truyền cho chuột rút là do hàn (lạnh thì co) thuộc phong (gây co cứng) do ẩm (khí huyết ứ trệ).

Thường dùng bài thuốc thư cân hoạt huyết bao gồm tới 12 vị (phòng phong, kinh giới, độc hoạt, đương quy, tục đoạn, thanh bì, hồng hoa, chỉ xác, ngũ gia bì, đỗ trọng, ngưu tất) gia giảm từng vị từ 6-12g.
Sắc uống, mỗi đợt năm ngày. Xét kỹ thì các thuốc trên có cơ chế phòng ngừa chuột rút giống như tân dược.

Bổ sung thức ăn hay dùng thuốc với liều đầy đủ, duy trì cho đến lúc tình trạng bị chuột rút không còn hoặc rất hiếm xảy ra.

Theo SK&ĐS

No comments: