May 24, 2011

Vận động của trẻ dưới 1 tuổi (7 bài)

Bài 1. Vận động cơ thể ở trẻ 0 - 6 tháng tuổi


Trong 6 tháng đầu đời này, cơ thể của bé còn rất non nớt nhưng nó sẽ nhanh chóng cứng cáp và đạt được nhiều bước tiến mới trong sự phát triển các vận động.

Bé 0 – 1 tháng tuổi

Lúc này, cử động của bé bị hạn chế bởi cơ bắp bé chưa đủ mạnh, thế nhưng ngay từ ngày đầu tiên bé đã bắt đầu thử vận dụng cơ bắp của mình và bé:

- Có thể cử động nhẹ và chỉnh sửa tư thế - khi nằm sấp, bé nâng bàn chân lên một ít và cố gập gối.

- Cố xoay đầu khi nằm ngửa và cố ngóc đầu khi nằm sấp. Đây là việc quá sức đối với bé trong những tuần đầu, bởi vì đầu của bé quá nặng trong khi cơ cổ và cơ lưng chưa đủ mạnh – đầu của bé xấp xỉ ¼ chiều dài toàn cơ thể.

- Thường xuyên ngọ nguậy và dợm bước đi khi được bế đứng.

- Luôn co quắp chân lại khi nằm ngửa như tư thế trong bụng mẹ.

- Dựng đầu thẳng dậy khi được bế tựa vào vai.

Duỗi tay chân của bé thẳng ra từng chút một để giúp bé duỗi thẳng cơ thể. Hãy thử xoa bóp bé, vì cách này giúp bé tăng cường nhận thức về cơ thể của mình.

Bé từ 1 – 2 tháng tuổi

- Mỗi khi nằm sấp, bé thường cố gắng ngóc đầu và có thể nâng đầu lên một góc 450 từ 1 đến 2 giây – đây chính là dấu hiệu cho thấy, cơ cổ bé đang mạnh dần lên.

- Có thể gượng đầu theo cơ thể trong chốc lát.

- Có thể gượng đầu thẳng đứng trong vài giây vào cuối tháng thứ 2, khi được bế đứng.

- Hoàn toàn không còn co rúm người như tư thế thai nhi và đôi chân của bé có thể chịu được sức nặng toàn bộ cơ thể trong 1 giây.

Cơ cổ của bé đã cứng cáp hơn, do đó việc tập trung vào các trò chơi sẽ giúp bé học cách điều khiển đầu theo ý muốn. Đỡ đầu bé khi bé ngồi và khi bế bé lên vai.

Bé từ 2 – 3 tháng tuổi

Lúc này, bé thật sự đang học cách điều khiển cơ thể của mình, cụ thể là:

- Cơ cổ của bé mạnh hơn trước và bé ít bị ngã đầu về phía sau mỗi khi được kéo dậy - những lúc được bế ngồi hay đứng, bé giữ vững đầu được lâu hơn, tuy lưng còn cong.

- Bé có thể ngóc đầu khi nằm sấp và biết cách nâng ngực bằng cánh tay, cổ tay và bàn tay.

- Bé bắt đầu tập co gối khi nằm ngửa.

- Bé thích thú với những khả năng điều khiển cơ thể mà bé vừa có được, do đó khi nằm, bé luôn vung chân, múa tay, vì thế đừng bao giờ để bé nằm một mình trên bàn hay giường không có song chắn.

Bé từ 3 – 4 tháng tuổi

Bé muốn được đỡ dậy hoặc đặt ở tư thế ngồi để bé tiện quan sát và tham gia vào các diễn biến xung quanh. Giờ đây, bé đã có thể:

- Ngồi thẳng lưng chứ không còn cong lưng như trước.

- Điều khiển cử động đầu tương đối khá, mặc dù bé vẫn cần sự hỗ trợ của bạn, vì đầu bé còn hơi chao đảo mỗi khi chuyển hướng nhìn.

- Nâng ngực lên khỏi mặt đệm khi nằm sấp bằng cách chống thẳng hai tay - ở tư thế này, bé cố gắng nhìn thẳng ra trước, dù chưa thuần thục lắm.

Bé muốn ngồi dậy, do đó hãy đỡ bé dậy càng nhiều càng tốt. Khuyến khích bé cử động đầu nhiều hơn, bằng cách cho bé nằm sấp để bé dùng tay tự nâng đầu và phần thân trên lên khỏi mặt nệm.

Bé từ 4 – 5 tháng tuổi

Cơ bắp của bé đang phát triển một cách nhanh chóng. Bé đã biết điều khiển đầu của mình nên bé có thể:

- Xoay đầu qua lại dễ dàng, không còn chao đảo.

- Gượng đầu theo cơ thể khi được kéo ngồi dậy – đây là một cột mốc phát triển quan trọng chuẩn bị cho bé biết lật và ngồi.

- Giữ vững đầu khi ngồi, kể cả khi cơ thể bị lắc nhẹ.

- Nâng ngực khỏi mặt đất bằng 2 tay khi nằm sấp và nhìn về trước một cách vững vàng.

Giờ đây, phần trên cơ thể bé đã mạnh và linh hoạt hơn, khả năng điều khiển đầu cũng hoàn chỉnh, bạn có thể cho bé chơi trò xích đu trên đầu gối của bạn. Bé cũng bắt đầu biết lật, do đó hãy bày cho bé những trò chơi dưới sàn nhà và lăn tròn người.

Bé từ 5 – 6 tháng tuổi

Sức mạnh và mức độ vận động của bé ngày càng tăng, có nghĩa là bé:

- Thực hiện tốt động tác hít đất – bé có thể tự nâng đầu, ngực và bụng khỏi mặt đất chỉ bằng hai tay hơi chụm vào nhau và ở tư thế này, bé có thể ngẩng đầu nhìn về phía trước, bé còn cố gắng dùng một tay để nâng người.

- Có thể tự ngồi trong vài giây bằng cách chống hai tay giữa hai chân.

- Có thể ngồi tựa vào gối trên ghế trong vài phút.

- Biết nâng đầu lên để sẵn sàng khi bạn sắp đỡ bé ngồi dậy.

- Có thể lật từ sấp sang ngửa.

- Muốn tự đứng khi được bế đứng dù đầu gối chưa vững – bé liên tục gập duỗi chân bằng động tác như nhún nhẩy.

Bài 2. Vận động cơ thể của bé từ 6-12 tháng



Cơ thể non nớt của bé giờ đã hoàn toàn cứng cáp rồi, và càng về cuối năm bé càng đạt thêm nhiều thành tựu mới trong việc phát triển các vận động cơ thể.

Bé từ 6 – 7 tháng tuổi

- Bé có thể nhấc một tay khỏi sàn nhà trong tư thế hít đất và chịu toàn bộ sức nặng cơ thể trên tay còn lại.

- Có thể ngồi một cách vững vàng mà không cần tựa.

- Đủ sức ngóc đầu để quan sát xung quanh khi đang nằm ngửa.

- Biết lật từ ngửa sang sấp (ngược lại thì khó hơn).

- Có thể dùng sức cơ để duỗi thẳng chân mà không còn run rẩy vì thế bé có thể đứng vững khi được bạn nâng đỡ.

- Biết nhún nhẩy bằng cách gập duỗi cổ chân, đầu gối và hông.

Bây giờ bé đã biết lật từ ngửa sang sấp, hãy bày những trò chơi dưới sàn nhà. Đừng sợ rằng vô bổ - bé đang phát triển óc khôi hài và điều đó cũng tốt cho cả bạn. Khi nằm sấp, bé có thể chống đỡ bằng 1 tay, do đó hãy đưa bé món gì đó để bé với lấy bằng tay kia nhằm giúp bé hoàn thiện khả năng giữ thăng bằng và tăng cường sức mạnh cơ bắp hơn nữa.

Bé từ 7 – 8 tháng tuổi

Sự tự lập và quyết đoán của bé chắc hẳn sẽ là động cơ thúc đẩy nhiều thứ, kể cả mong muốn tóm lấy một vật gì ngoài tầm tay. Do đó mà bé:

- Sẽ cố gắng di chuyển đến món đồ chơi cách xa tầm tay - để làm được việc này, bé buộc phải lúc lắc cơ thể tới lui để tạo đà vươn đến món đồ.

- Học được bài học quan trọng về động tác “xuất phát” này - rằng khi đôi tay không thể với tới một vật thì ta dùng cả cơ thể.

- Thích đứng trên đầu gối bạn - chân bé đã đủ sức nâng toàn bộ cơ thể một cách dễ dàng cùng với đầu gối và hông.

Bé từ 8 – 9 tháng tuổi

Bé bắt đầu nhận thấy, biết ngồi là chưa đủ - bé rất muốn vươn người đứng dậy. Cơ bắp của bé đã phát triển đến mức bé:

- Có thể ngồi khá lâu - đến 10 phút mới mệt.

- Có thể chồm tới trước mà không ngã, dù bé chưa thể nghiêng sang bên hay xoay hông.

- Kiên quyết lấy cho được món đồ mà bé muốn - bé sẽ thử dùng nhiều cách để với tới, tuy dễ mất thăng bằng.

- Có thể lăn tròn để ngồi dậy và di chuyển bằng cách này.

- Có thể cố gắng tập bò khi bạn đặt bé nằm sấp và gọi bé tiến về phía bạn; đừng lấy làm lạ khi bé bò thụt lùi - não của bé chưa biết điều khiển chính xác cơ bắp để bò tới hay bò lui nhưng chỉ sau vài tuần bé sẽ biết điều khiển để cơ thể bò về phía trước chứ không bò thụt lùi nữa.

- Có thể vịn thành giường hay ghế để tự đứng lên, nhưng bé sẽ đổ xuống, vì chưa biết giữ thăng bằng hoặc chưa biết phối hợp cơ để chuyển sang tư thế ngồi.

Bé rất muốn đẩy người tới trước. Hãy dời đồ chơi ra xa để bé phải nhích tới để lấy, hoặc ngồi cách xa bé và đưa tay ra gọi bé đến. Bây giờ bé đã ngồi rất vững, hãy ngồi xuống sàn cùng chơi với bé. Khuyến khích bé đứng lên, bằng cách để bàn ghế vừa tầm vịn của bé hoặc bế đứng bé.


Bé từ 9 – 10 tháng tuổi

Bây giờ bé đã thật sự linh hoạt và bé:

- Có thể vịn đứng dậy một cách dễ dàng, tự tin và chắc chắn.

- Bò hay lết bằng mông, dùng tay đẩy tới trước, tuy bụng vẫn còn chạm đất khi bò.

- Có thể bỏ qua giai đoạn bò hay lết, nhưng tự tin và dùng hai tay, hai gối khi ngồi.

- Ham thích khả năng di chuyển của mình - bé sẽ lăn qua lăn lại, ngồi dậy, vịn đứng dậy, rồi lại ngồi xuống.

- Gần như biết chuyển từ tư thế đứng sang ngồi một cách vững chãi.

Bây giờ bé đang tập giữ thăng bằng bởi vì bé:

- Bắt đầu xoay hông để cố gắng vặn người, nhưng còn hơi gượng.

- Có thể chuyển từ tư thế nằm sấp sang ngồi và ngược lại.

- Đã biết ngồi vững.

Bé bò giỏi đến nỗi, nếu bò như bé thì bạn sẽ mệt đứt hơi đấy! Hãy làm một đường hầm và chơi trò bò đua cùng bé trong phòng hoặc ngoài bãi cỏ.

Bé từ 10 – 11 tháng tuổi

Hầu như lúc nào bé cũng cố gắng để đứng thẳng và bé:

- Tập luyện nhiều động tác đi một cách ngập ngừng, do đó khi bé đứng vịn bàn ghế hay có người đỡ, bé sẽ nhấc chân lên như bước đi và giậm chân xuống vài lần.

- Biết bò thành thạo, bụng không còn kéo lê dưới đất.

- Có thể nghiêng sang một bên trong lúc ngồi mà vẫn vững vàng.

- Có thể vặn người ra sau để nhặt đồ mà vẫn giữ được thăng bằng.

- Sẽ đi vòng quanh bàn ghế để đến nơi mà bé muốn, vào khoảng cuối tháng này.

Bây giờ bé đã quen với việc vịn bàn ghế và đi quanh phòng, vì vậy hãy hỗ trợ bé bằng trò rải đồ chơi theo hàng dài, vượt chướng ngại vật, hoặc cầm tay bé để bé tập đi. Hãy mạnh dạn lên!

Bé từ 11 – 12 tháng tuổi

Bé có thể biết đi khi tròn 1 tuổi, nhưng cũng đừng lo nếu đến 18 tháng mà bé vẫn chưa đi được, nhất là khi bé đã biết bò. Trong tháng này, bé:

- Có thể chế ra kiểu bò mới trong đó 2 chân duỗi thẳng như gấu – bé đã sắp biết đi.

- Có thể đứng không cần đỡ trong 1 phút khi bạn bỏ tay ra.

- Có thể bước chập chững đến bạn, khi nghe bạn gọi tên và khuyến khích bé không vịn bàn ghế - bé có thể vượt qua các khoảng trống, nếu bạn đặt bàn ghế cách nhau 1 khoảng và nhờ đó bé tự tin dần.

- Sẽ đi được chỉ cần bạn nắm 1 tay của bé để giúp bé tự tin hơn.

- Đẩy được chiếc xe nôi đi vài bước.

Hãy giúp bé đứng một mình, bằng cách giữ tay bé để bé đứng thẳng, rồi từ từ buông tay bé ra. Tuy nhiên, bạn cần ở sát bên bé để có thể giữ bé kịp thời ngay khi bé ngã! Cho bé đẩy xe nôi và vịn một tay tập đi. Dời bàn ghế mà bé hay vịn ra xa một chút. Chẳng bao lâu bé sẽ biết đi một mình.

Bài 3. Trình tự phát triển các động tác vận động ở trẻ 0 - 1 tuổi



Ở những trẻ em bình thường, các động tác vận động của cơ thể sẽ trải qua một quá trình từ sơ khai cho đến khi phát triển một cách hoàn thiện theo từng bước dưới đây.

Lúc mới ra đời

Các động tác của bé chủ yếu chỉ là những phản xạ đơn giản mang tính bản năng. Ví dụ như khi bạn đưa ngón tay cho bé, bé sẽ nắm chặt lấy; khi bạn vuốt nhẹ lòng bàn chân bé, bàn chân đó tự khum lại; hay khi bạn khẽ chạm ngón tay vào má bé, môi bé sẽ di động để tìm tay bạn, giống như tìm đến bầu vú mẹ.

Một tháng

Các động tác của bé chưa nhịp nhàng mà chỉ đơn thuần là chân tay giẫy, đạp. Tuy nhiên, bé đã bắt đầu có phản ứng với âm thanh, ánh sáng. Chẳng hạn, khi nghe tiếng nói hoặc tiếng động to, bé có thể giật mình hoặc khóc thét lên. Mỗi khi ngủ dậy, bé có các động tác như rướn người hoặc cố nâng đầu lên.

Hai tháng

Thị giác của bé đã được tăng cường. Bé biết nhìn vào mặt người khác để mỉm cười. Khi nằm sấp bé sẽ cố nâng đầu hoặc nâng ngực cao hơn.

Ba tháng

Bé đã biết tỳ vào khuỷu tay để nâng đầu lên cho dễ hoặc để lật lại cho thân mình nằm sấp xuống. Hoặc đang nằm nghiêng, bé có khả năng tìm cách tự lật sang nằm ngửa. Các động tác của bé không hoàn toàn là phản xạ vô thức như trước mà bé có ý thức hơn, đặc biệt là khi nắm vật gì đó trong tay. Bé cũng có thể phân biệt được tiếng của mẹ với tiếng của những người khác.

Bốn tháng

Bé có thể nửa nằm nửa ngồi trong lòng bạn. Tuy nhiên, lưng bé phải dựa vào bụng của bạn và bạn vẫn phải đỡ bé để bé dễ dàng quay đầu sang hai bên. Bé có thể tỳ lên khuỷu tay và chân tay giãy đạp để vươn tới những đồ vật mà bé muốn lấy. Đây cũng là giai đoạn bé có thể xoay lật người trên giường, tự chơi nghịch với các ngón tay ngón chân của bé và biết cười khi nghe tiếng hoan hô.

Năm tháng

Bé có thể lẫy thành thạo như bơi trên cạn. Bé nghiêng bên nọ, đảo bên kia, khi nằm sấp, lúc nằm ngửa. Khi được người lớn giữ cho đứng thẳng, bé sẽ dậm dậm chân trên sàn. Bé biết cho đồ chơi vào mồm, đổi từ tay nọ sang tay kia để cầm. Khi được cho bú, bé có thể đưa tay sờ vào ngực mẹ hoặc sờ bình sữa.

Sáu tháng

Bé có thể duỗi thẳng tay để cất người lên, thích lật ngang khi nằm, lúc bên này, lúc bên kia. Bé thích nghịch ngợm chân của mình. Khi bạn để bé ngồi mà không đỡ, bé đổ người về phía trước và lấy tay đỡ, không ngã sang bên. Nếu bé nào phát triển sớm là có thể tự ngồi được.

Bảy tháng

Bé thật sự tự ngồi được, tự lật từ tư thế nằm ngửa sang nằm sấp. Khi bạn đặt bé đứng thẳng, bé nhún nhún bàn chân như muốn nhảy, còn lúc nằm ngửa thì chính mấy ngón chân là thứ hay được bé cho vào mồm. Bé có thể chuyển đồ chơi từ tay này sang tay khác và có phản xạ buông rơi đồ vật. Và trong tháng này, bé bắt đầu tập bò.

Tám tháng

Răng bé bắt đầu nhú nên bé thích cho bánh qui hay vỏ bánh mì vào miệng để nhấm. Bé thường xuyên lật người, thay đổi từ ngồi sang bò lại từ bò sang ngồi và có thể vịn vào bàn hoặc lan can để đứng.

Chín tháng

Tự bò đi khắp nơi một cách thành thạo. Những đồ vật nhỏ được bé giữ bằng hai ngón tay là ngón trỏ và ngón cái. Bé biết ôm bình sữa để bú, cầm bánh hoặc trái cây để ăn.

Mười tháng

Nếu có chỗ vịn chắc, bé sẽ tìm cách đứng lên và tự đứng được một lát. Bé có thể tự ngồi dậy từ tư thế nằm sấp. Chân tay luôn ngọ nguậy, biết bắt trước người lớn và có thể ôm quả bóng bằng hai tay.

Mười một tháng

Nếu có người lớn đỡ thì bé có thể đi được. Khi được dắt cả hai tay, bé sẽ bước đi được một vài bước. Đôi lúc bé nhấc một chân lên khi đang đứng mà không bị ngã, một dấu hiệu của việc chuẩn bị biết đi. Bé biết giơ hai tay ra cho người khác nhìn thấy đồ chơi của mình.

Mười hai tháng

Nếu được dắt, bé sẽ vững tin bước đi, một số bé đã có thể tự đi chập chững. Bé cũng biết bám một tay vào chỗ vịn chắc, còn tay kia thì nhấc đồ vật lên. Việc chuyển từ ngồi sang bò hoặc ngược lại trở nên quá đơn giản với bé.

Tròn hai tuổi

Bé đã có thể hoạt động, di chuyển hoàn toàn độc lập. Tới nhà trẻ, bé sẽ được cô dạy múa, hát và chơi các trò chơi vận động để phát triển thể chất.

Tròn 3 tuổi

Bé đã có thể tự đi lên xuống cầu thang, đi xe đồ chơi, có thể mặc, cởi quần áo, tất và bắt đầu ăn cơm bằng đũa nhưng động tác của bé còn rất vụng về. Lúc này, bé đã biết nhảy hoặc tập thể dục với các động tác đơn giản.

Bài 4. Sự tăng trưởng và sức khoẻ của trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi


Trong 3 tháng này, dáng vẻ bề ngoài của bé thay đổi nhiều nhất ở khuôn mặt. Bạn dễ dàng nhận thấy điều này khi thấy bé mọc răng sữa.

Bé bắt đầu mọc răng từ khi nào?

Từ 6 tháng ruổi, bé bắt đầu mọc răng sữa. Trong vòng vài ngày hoặc vài tuần trước khi mọc răng, bé thường chảy nước dãi nhiều, đồng thời thích nhai bất cứ vật gì bé với được, kể cả bú tay. Răng của bé đã được hình thành đầy đủ từ trước khi mọc. Cùng với xương hàm, những mầm răng ở dưới cũng đã xuất hiện rồi. Bạn có thể thấy hình dạng lờ mờ của răng ở bề mặt nướu răng trong một thời gian ngắn trước khi răng nhô hẳn ra ngoài (mọc răng).

Răng đầu tiên xuất hiện là răng cửa hàm dưới, không lâu sau đó sẽ mọc cái kế tiếp. Từ khoảng 6 tháng rưỡi, bé tiếp tục mọc cái răng cửa ở hàm trên. Bây giờ bé đã có 4 cái răng, song không bao lâu sẽ mọc thêm răng. Lúc 7 tháng tuổi, bé tiếp tục mọc cái răng của bên ở hàm dưới. Sau đó 1 tháng, bé sẽ mọc răng cửa bên hàm trên. Lúc gần 8 tháng tuổi, có thể bé đã có 8 chiếc răng.

Những vấn đề thường gặp khi bé mọc răng

Lúc mọc răng, mỗi bé có một cách phản ứng riêng không bé nào giống bé nào cả. Một số bé bị đau nướu rất nhiều, trong khi nhiều bé lại vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng. Sau đây là một số triệu trứng lúc bé mọc răng:

- Chảy nước dãi nhiều

- Má bị đỏ

- Đau và bị kích nhiều

- Khóc nhiều hơn bình thường

Nếu bé quấy khóc nhiều bạn có thể đưa bé đi khám bác sĩ để có cách giúp bé giảm đau khi mọc răng. Hiện nay người ta vẫn còn đang tranh cãi liệu mọc răng có gây tiêu lỏng hoặc bị nổi rôm sảy hay không. Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng mọc răng không hề gây cho bé bị sốt cao, ho, co giật hay bất cứ một triệu trứng nghiêm trọng nào khác. Nếu xuất hiện các triệu trứng này cần nhanh chóng đưa bé đi khám bác sĩ bởi các triệu trứng này không phải là do mọc răng.

Tầm quan trọng của răng sữa

Lúc bé được khoảng 6 tuổi thì răng sữa của bé bắt đầu thay, bé chuyển sang giai đoạn thay răng. Tuy chỉ có tồn tại vài năm, song răng sữa rất quan trọng đối với sức khoẻ răng miệng của bé. Răng sữa giúp định hình cấu trúc xương hàm, đây là một quá trình phát triển thiết yếu đối với việc nhai và nói của bé. Răng sữa còn có tác dụng hướng dẫn răng vĩnh viễn mọc đúng chỗ nữa. Chính vì vậy bạn cần lưu ý giúp bé chăm sóc răng miệng một cách tốt nhất, ngay từ khi mới mọc răng sữa.

Dưới đây là thứ tự thông thường mọc răng của bé

6 tháng tuổi: răng cửa giữa hàm dưới

6 tháng rưỡi: Răng cửa giữa hàm trên

7 tháng: răng cửa bên hàm dưới

8 tháng: răng cửa bên hàm trên

10 tháng: răng hàm thứ 1 hàm dưới

14 tháng: răng hàm thứ 1 hàm trên

16 tháng: răng nanh hàm dưới

18 tháng: răng nanh hàm trên

24 tháng: răng hàm thứ 2 hàm dưới

30 tháng: răng hàm thứ 2 hàm trên

Chải răng cho bé đúng cách

Nên dùng riêng bàn trải đánh răng cho bé. Bạn cần trải răng cho bé hai lần mỗi ngày (buổi sáng và buổi tối) khi bé đã mọc răng sữa. Đầ tiên hãy bế bé vào lòng, và chải từ phía sau của răng. Khi bé đủ lớn, đã tự đứng vững, bạn giúp bé trải răng từ phía trước. Đến khi bé có thể tự chải răng, hãy để bé tự chải nhưng bạn vẫn phải tiếp tục giúp bé chải răng đúng cách và theo dõi bé cho đến khi biết chắc rằng bé có thể tự chải răng được.

Để giúp bé có hàm răng chắc và khoẻ

Không bao giờ là quá muộn để giúp bé chăm sóc răng và có một hàm răng chắc khoẻ. Đảm bảo rằng chế độ ăn của bé luôn chứa đủ canxi, vitamin, và các khoáng chất cần thiết khác.

Cơ thể của bé có thể cần bổ sung thêm flourit dạng thuốc giọt, nhưng điều này còn tuỳ thuộc vào vùng mà bạn đang sinh sống. Bạn cần tìm hiểu xem nguồn nước mình đang sử dụng có pha Flourit chưa. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nha khoa.

Khi bé đã biết sử dụng tách hoặc bình có vòi để uống nước, hãy luôn cho bé uống nước bằng các vật dụng này.

Bài 5. Bé yêu của bạn tròn 1 tuổi



Lúc 12 tháng, tốc độ tăng trưởng của bé đã chậm lại so với trước đây. Tuy nhiên, dáng vẻ bên ngoài có nhiều thay đổi, do bé đã bắt đầu mọc răng và tập đi.

Mọc răng

Răng của bé có thể mọc không đúng như thời gian cố định, song chúng thường mọc theo thứ tự đã định sẵn. Sau đây là các mốc thời gian mà bạn cần xác định rõ:

- Lúc 6 - 14 tháng: Răng cửa, hàm dưới, hàm trên mọc lần lượt mỗi bên.

- Lúc 16 tháng: Răng nanh hàm dưới, mọc lần lượt mỗi bên.

- Lúc 18 tháng: Răng nanh hàm trên, mọc lần lượt mỗi bên.

Vì vậy, vào lúc được khoảng 18 tháng tuổi, bé đã có khoảng 16 chiếc răng và khi cười đã thấy rõ hàm răng đầy đặn.

Vào thời gian này, bé còn phải mọc thêm 4 răng sữa nữa. Và các răng này có thể gây đau nhiều, do phải mọc xuyên qua phần nướu răng. Một số bé bị đau nướu lúc mọc răng. Bạn có thể nghĩ rằng, răng càng to sẽ càng gây đau, song thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Đối với bé luôn hoạt động, thì sẽ ít cảm thấy khó chịu lúc mọc răng, thậm chí đó là chiếc răng hàm. Khi đó, điểm duy nhất để nhận ra bé mọc răng là: má hơi đỏ và thường chảy nước miếng liên tục.

Vóc dáng cơ thể

Sự thay đổi về tốc độ tăng trưởng của bé thường trùng hợp với sự thay đổi về vóc dáng. Lượng mỡ trong cơ thể bé tiếp tục giảm cho đến khi bé đến một tuổi, chính điều này khiến cho cơ thể bé trở nên thon thả và trông có vẻ “gọn” hơn.

Bàn chân và chân

Trước 1 tuổi, hai chân của bé trông rất bụ bẫm. Nhưng, khi bước sang giai đoạn tập đi, chúng có vẻ khẳng khiu, thậm chí còn hơi cong nữa. Tuy nhiên, bạn cũng không nên lo lắng nhiều về vấn đề này. Hai chân của bé vẫn còn hơi cong nhẹ cho đến khi được khoảng 12 – 15 tháng tuổi. Điều này rất thường gặp và hoàn toàn bình thường.

Khi bé bắt đầu tập đi, khoảng 13 – 14 tháng, hai bàn chân bé thường đặt phẳng sát lên sàn nhà, do lúc này lòng bàn chân bé còn tích tụ nhiều mỡ. Toàn bộ lòng bàn chân bé vẫn còn áp sát sàn nhà. Vì khi được khoảng 3 tuổi trở đi, tình trạng này của bé sẽ tự điều chỉnh lại dần dần.

Đôi khi hai bàn chân bé thường chụm vào nhau lúc tập đi. Trong thực tế, cả đầu gối và hai bàn chân bé còn hướng vào nhau cho đến khi bé được khoảng 12 – 18 tháng tuổi. Điều này là do toàn bộ xương đùi bị xoay hướng vào trong ở độ tuổi đó. Tình trạng này sẽ tự động được điều chỉnh vào lúc bé khoảng 5 – 6 tuổi. Tuy nhiên, nếu lúc này trẻ vẫn không tự điều chỉnh được, bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ, vì đôi khi bé có vấn đề về khớp háng hoặc một bệnh lý khác cần phải điều trị kịp thời.

Đôi giày cho bé: Khi bắt đầu biết đi, bé cần đi giày để bảo vệ đôi chân. Trước khoảng thời gian bé biết đi, tốt nhất bạn nên cho bé đi chân trần trong nhà để bé có thể tiếp xúc và cảm nhận được ma sát của sàn nhà. Nếu trời quá lạnh, bạn không nên cho bé để chân trần mà cần mang bít tất dài, hoặc tất chống trượt. Nếu tất trơn trượt sẽ khiến cho bé chậm biết đứng và chậm biết đi.

Lúc bé biết đi được khoảng 1 tháng và có vẻ đã đứng vững, chính là lúc bé sẵn sàng mang đôi giày thật vừa vặn.

- Khi chọn mua giày cho bé, bạn không cần phải đo vừa vặn cả bàn chân của bé, nhưng nhất định giày cần được gài chặt.

- Nên chọn loại giày mềm, có độ đàn hồi tốt, có chỗ đeo chắc chắn.

- Nên mua cho bé mỗi lần một đôi giày thôi, vì chân bé sẽ lớn nhanh và không dùng kịp.

- Sau khi đã mua đôi giày đầu tiên khoảng 6 – 8 tuần, bạn nên đo lại chân của bé để mua thêm giày mới cho bé.

Hệ thần kinh

Bộ não bé phát triển nhanh chóng, khi được khoảng 12 tháng, trọng lượng não bé đạt khoảng 2/3 so với trọng lượng não của người lớn. Tuy nhiên, vào giai đoạn này, não bé vẫn còn diễn ra rất nhiều giai đoạn phát triển khác nữa, chẳng hạn việc thiết lập đường liên kết giữa các tế bào não và cải tiến tốc độ truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh.

Các chỉ số, cân nặng, chiều cao, vòng đầu của bé

Lúc 12 tháng:

Cân nặng trung bình: 9,7 kg

Chiều cao: Khoảng 74 cm

Chu vi vòng đầu: Khoảng 45,8 cm

Lúc 18 tháng:

Cân nặng trung bình: 11,1 kg

Chiều cao: Khoảng 80 cm

Chu vi vòng đầu: Khoảng 47 cm

Bạn cần lưu ý rằng, các số liệu trên chỉ là giá trị trung bình. Vì vậy, các số đo này có thể thay đổi trong phạm vi rất rộng với điều kiện bé vẫn hoạt động bình thường.

Bài 6. Bé biết ngồi như thế nào?


Học cách ngồi sẽ giúp cho bé có một cái nhìn thật mới mẻ với thế giới xung quanh. Sau khi ngồi vững và cơ ở cổ bé đủ khỏe để giữ thẳng cơ thể, bé sẽ tìm ra được nơi để đặt chân của mình và không bị ngã, đó chỉ là vấn đề về thời gian cho đến khi bé đã biết chuyển từ ngồi sang bò, đứng và đi.

Thời điểm bắt đầu

Hầu hết các bé bắt đầu học cách tự ngồi gần như cùng một thời điểm, khi mà bé đã có khả năng quản lý cơ thể hơn và biết điều khiển cho đầu của mình nâng lên. Các cơ bé sử dụng phát triển dần dần ngay từ lúc được sinh ra, qua thời gian, những cơ đó đã đủ cứng cáp khoảng từ 4 – 7 tháng tuổi. Đến 8 tháng tuổi, khoảng 90% bé có thể ngồi tốt mà không cần đến sự hỗ trợ nào.

Bé học ngồi như thế nào?

Khi bạn có thể đỡ bé ở vị trí ngồi thì lúc này bé chưa thể tự ngồi được cho đến khi nào bé có khả năng kiểm soát được chiếc đầu của mình. Bắt đầu từ 4 tháng tuổi, cơ cổ của bé được tăng cường nhanh chóng, lúc này bé sẽ học được cách nâng cao và ngẩng đầu khi bé đang nằm sấp.

Tiếp theo bé sẽ tìm cách để chống đỡ cơ thể mình bằng cánh tay và giữ cho ngực nâng lên khỏi mặt sàn. Dần dần, bé có thể ngồi trong giây lát mà không cần hỗ trợ, mặc dù lúc này bạn nên luôn ở bên cạnh để trong nom bé phòng khi bé bị ngã. Bạn có thể đặt xung quanh bé những tấm đệm lót mỏng, hoặc chăn mùa thu mỏng.

Chẳng bao lâu sau bé sẽ tìm cách để duy trì được sự cân bằng của mình với tư thế ngồi hướng về phía trước được chống bằng một tay hoặc cả hai, và khi được 7 tháng bé có thể ngồi tự do mà không cần được hỗ trợ (hai bé không cần chống đỡ nữa mà dùng vào việc khám khá mọi thứ trong tầm với của mình), và bé sẽ học được cách làm thế nào để có thể ngồi ở vị trí mong muốn. Vào lúc này, thậm chí bé còn có thể thay đổi từ vị trí đang là nằm sang ngồi trên bụng mẹ bằng cách đẩy hai cánh tay mình lên. Khi được 8 tháng tuổi, bé có thể ngồi vững mà không cần hỗ trợ.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Chỉ một thời gian ngắn không lâu sau đó, bé đã có thể di chuyển về phía trước từ vị trí ngồi của mình bằng hai tay và hai đầu gối. Lúc này, bé gần như sẵn sàng để bò, một kỹ năng có ở hầu hết các bé được 1 năm tuổi. Bé có thể bò từ phía trước hoặc lùi lại bằng hai tay và hai đầu gối từ 6 – 7 tháng tuổi. Với bản tính tò mò, bé sẽ rất thích nghịch ngợm những thứ trong tầm với của bé, đặc biệt là chiếc điện thoại di động của bạn, vì vậy, bây giờ chính là lúc bạn tìm cách phòng tránh việc bé có thể làm hỏng bất cứ đồ đạc nào trong nhà.

Vai trò của bạn

Bạn có thể giúp bé sẵn sàng với việc học ngồi bằng cách khuyến khích bé chơi úp mặt xuống sàn và sau đó khiến bé ngẩng đầu và nhìn lên. Việc nâng đầu và phần ngực bé lên khi thấy đồ chơi hoặc thấy khuôn mặt của bạn sẽ giúp tăng cường cơ cổ và phát triển sự kiểm soát đầu, rất cần thiết cho việc bé ngồi lên được. Sử dụng đồ chơi phát sáng hoặc phát ra tiếng động là một cách rất hay để bé nghe và xác định được đúng phương hướng tầm nhìn. Khi bé đã có thể ngồi vững, hãy đặt đồ chơi và các các vật hấp dẫn khác ngoài tầm với của bé, chúng sẽ gây sự chú ý với bé, dần dần bé sẽ học được cách giữ cân bằng cơ thể khi với cánh tay của mình về phía trước.

Cũng như mọi lúc khác, đặc biệt khi mà bé đang học cách để ngồi hoặc muốn thể hiện kỹ năng mới nào đó, hãy chắc chắn rằng bạn luôn ở bên cạnh bé để đề phòng bé ngã.

Vấn đề cần quan tâm

Bạn hãy lưu ý, nếu bé không thể giữ thẳng đầu mình khi được 6 tháng tuổi và chưa bắt đầu việc học cách nâng mình lên bằng cánh tay, bạn có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Bé phát triển các kỹ năng khác nhau, và có thể sẽ có các kỹ năng nhanh hơn những bé khác, nhưng khả năng kiếm soát đầu là rất cần thiết để có thể tự ngồi được và ngồi là chìa khóa để giúp bé bò, tập đứng và đi sau này của bé. Hãy nhớ rằng, với bé sinh non vẫn có thể đạt được những mốc quan trọng so với những trẻ sinh đủ tháng khác.

Dịch (Theo Babycenter)

Bài 7. Chập chững biết đi


Có nhiều khả năng bé sẽ tập đi từ khi bé được 1 tuổi. Song, mốc thời gian này có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: mọc răng, ốm... Đối với bé đang tập đi, khả năng di chuyển mới là vấn đề quan trọng, chứ không phải là cách thức di chuyển. Vì vậy, bạn không nên thúc giục bé tập đi, khi bé chưa thực sự muốn. Bé sẽ sẵn sàng tập đi khi thấy cần thiết.

Những bước đi đầu đời của bé

Từ tháng 12 trở đi, một số bé có thể đi được khi có người dìu một tay. Nhưng bạn không nên duy trì tư thế dìu như thế quá lâu, nếu bé không thích, vì có thể gây trật khớp vai của bé. Ngược lại, một số bé lại thích như thế ngay cả khi đã có thể tự đi.

Vào một ngày nào đó, bé có thể tự đứng lên trong vài giây, rồi nhấc chân bước hai, ba bước ngập ngừng. Bé bước đi trong tư thế hai tay đưa lên cao, gấp khuỷu lại để giữ thăng bằng. Có thể trong vài ngày kế tiếp, bé chưa dám đi lại theo kiểu này, song bé sẽ sớm tập đi thêm nhiều lần nữa. Mới đầu, bé di chuyển rất ngập ngừng, hai chân thường dang rộng ra. Bé bước những bước đi bất kỳ. Có khi bé cố gắng lao về phía bạn một cách đầy phấn khích, nhưng rốt cuộc là bị ngã.

Từng bước vững vàng hơn

Lúc được gần 15 tháng, bé đi vững hơn, bạn không cần phải dìu tay bé để giữ tư thế đứng thẳng cho bé nữa. Tuy nhiên, bé vẫn còn phải dạng hai chân rộng ra và đặt lòng bàn chân bẹt xuống đất, hai yếu tố này giúp bé giữ thăng bằng tốt hơn.

Khi đi được vài bước, bé sẽ tập đi khắp nơi, có khi còn bị ngã lộn nhào. Lúc được 18 tháng, tư thế đứng của bé đã chắc chắn hơn, nên bé hiếm khi bị ngã. Lúc này, bé có thể bắt đầu tập chạy.

Leo cầu thang

Hầu hết các bé đều rất thích leo cầu thang. Từ lúc được khoảng 15 tháng, bé cố leo cầu thang bằng cả hai tay và hai chân, rồi đi xuống bằng cách ngồi xuống theo từng nấc thang hoặc trượt xuống bằng bụng. Bé hầu như không ý thức về sự nguy hiểm trong trường hợp này.

Lúc gần 18 tháng, bé có thể đi xuống cầu thang gần giống như người lớn, nhưng bé thường đặt hai chân trên mỗi bậc thang. Đôi khi, bé bò lên cầu thang, giống như kiểu bò của gấu.

Các cách đi khác nhau

Lúc mới tập đi, chắc chắn bé chưa thể đi vững được. Tuy nhiên, nếu sau vài tháng mà bé vẫn chưa đi vững, bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ.

Một số bé tập đi theo kiểu nhón gót. Nhưng nếu bé đi với lòng bàn chân đặt phẳng sát sàn nhà thì vẫn không sao. Tuy nhiên, nếu bé đi nhón gót, bạn cũng nên đưa bé đi khám bác sĩ, bởi tư thế đi này có thể là do gân gót của bé quá chặt.

Chậm biết đi

Thời điểm bé biết đi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có liên quan đến tiền sử gia đình, cá tính, mức độ tự tin và sức khỏe chung của bé. Bé trai, tuy có óc phiêu lưu, say mê khám phá mọi thứ, nhưng lại thường chậm biết đi hơn so với bé gái.

Lúc được 9 tháng, chỉ có khoảng 3% trẻ biết đi. Hầu hết trẻ đều biết đi muộn hơn thời gian này. Đến 18 tháng, có đến 97% trẻ biết đi, cho nên nếu bé của bạn vẫn chưa biết đi vào thời gian này thì bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ.

Chậm biết đi thường không phải là do các bệnh lý của khớp háng (chẳng hạn trật khớp háng bẩm sinh hay còn gọi là loạn sản phát triển khớp háng). Vì đa số những trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh vẫn biết đi bình thường, đúng thời gian như những trẻ khác. Tuy nhiên, trật khớp háng bẩn sinh có thể gây chứng thọt (đi cà thọt), nhất là khi bệnh lý chỉ ảnh hưởng đến một bên. Các triệu chứng khác của trật khớp háng bẩm sinh bao gồm:

- Bé gặp khó khăn khi bò.

- Kéo lê một chân.

- Đau khi đi.

- Thường ngã về một bên.

- Khi bé đi, có thể nghe tiếng lộc cộc.

- Chân ngắn chân dài

Nguồn của tất cả các bài: mangthai.vn, 13/5/2011

No comments: