May 24, 2011

Lời khuyên cho các bà mẹ sắp sinh con (10 bài)

Bài 1. Những dấu hiệu sắp sinh ở thai phụ



Nếu thai đã đủ 38 - 40 tuần và thấy xuất hiện một số triệu chứng như: tử cung co thắt; âm đạo chảy ra chất màu máu; mót tiểu tiện; phá nước ối... thì bà bầu nên vào bệnh viện để chờ sinh. Tuy nhiên, ở mỗi người sẽ có những biểu hiện rất khác nhau.

1.Âm đạo chảy nước và chất màu máu

Trước khi sinh khoảng 24 giờ, âm đạo của thai phụ thường chảy ra chất màu hồng của máu hoặc đột nhiên âm đạo chảy ra nhiều nước màu vàng. Thấy máu đỏ là do màng trong tử cung cuối kỳ mang thai tiết ra tố chất tuyến tiền liệt và nhau thai tiết ra hoóc môn sinh dục nữ, hoóc môn progestogen gây ra. Cùng với tử cung trưởng thành, mở rộng, chất nhầy trong cổ tử cung chảy ra, màng thai ở gần cửa trong cổ tử cung tách ra khỏi thành tử cung, dẫn đến các mạch máu nhỏ vỡ ra, trong chất nhầy cổ tử cung có lẫn ít máu, màu cà phê, màu phấn hồng hoặc màu đỏ tươi, hiện tượng này gọi là thấy máu đỏ. Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến thông báo thai phụ sắp sinh. Lúc này, khoang cửa tử cung và bên ngoài tương thông với nhau, vì thế âm đạo của thai phụ rất dễ bị nhiểm khuẩn từ ngoài vào.Thai phụ cần giữ vệ sinh thật tốt, tránh nhiễm khuẩn.

2. Tiểu tiện tăng lên, tử cung co thắt nhiều lần

Đối với người sinh con lần đầu, trước khi sinh khoảng 2 tuần, do đầu thai nhi chúi xuống dưới để ra ngoài đã tạo nên sự bức bách bàng quang, vì thế số lần tiểu tiện tăng lên và đi lại khó khăn hơn. Triệu chứng đau bụng từng cơn xuất hiện và tử cung co thắt, cường độ tăng dần lên. Đến lúc này, thai phụ sẽ cảm thấy đau dữ dội và chỉ muốn tiểu tiện. Thai phụ nên nhập viện thăm khám.

3. Đau eo lưng và chân trương phù

Đầu thai nhi ép xuống và ép thần kinh hệ dẫn đến chân của thai phụ không được thoải mái, gây trương phù, đại tuỷ bị co, eo đau... Các triệu chứng này cũng báo hiệu hiện tượng sắp sinh ở thai phụ.

4. Đau từng cơn đều đặn phần bụng

- Nếu thai nhi đã đủ tháng mà bà bầu thường có cảm giác đau tức phần bụng dưới hoặc đau mỏi phần lưng.

- Nếu thời gian đau liên tiếp nhưng không đều thì chỉ cần nghỉ ngơi sẽ giảm hoặc hết. Đó là biểu hiện đau đẻ giả. Nếu phần bụng đau từng cơn đều đặn, sau khi nằm nghỉ vẫn không hết, mà đau hết cơn này đến cơn khác, thời gian cách nhau dần dần rút ngắn, thời gian đau càng ngày càng dài và dần dần tăng lên thì đây mới chính là báo trước sắp đẻ thật.

5. Vỡ nước ối sớm

Vỡ nước ối sớm là chỉ màng thai rách trước khi chuyển dạ, tức là màng thai rách sớm dẫn đến nước ối chảy ra. Trước khi sinh, âm đạo chảy ra lượng nước rất nhiều, như đi tiểu tiện mà không thể khống chế, tức là vỡ nước ối sớm. Hiện tượng này rất nguy hiểm đến tính mạng của thai nhi, vì thế thai phụ cần vào nhập viện sớm.

Ngoài ra, nếu thai phụ thấy vị trí thai không đúng, cụ thể là thai ngược, hoặc đột nhiên thai phụ thấy đau đầu, đau ngực, khó chịu, âm đạo không đau mà chảy máu nhiều, xương chậu hẹp, có tiền lệ thai chết ngạt, mắc bệnh tim gan... đều nên vào bệnh viện sớm để chờ sinh con, phòng bất trắc có thể xảy ra.

Bài 2. Sinh đẻ bắt đầu như thế nào?



Sinh đẻ không phải lúc nào cũng bắt đầu một cách rõ ràng, chính xác và giống như bản in. Nếu bạn đang mang thai lần đầu tiên, có khi nào bạn tự hỏi không biết khi nào thì mình cần đến nhà hộ sinh. Về mặt lý thuyết, việc bắt đầu sinh đẻ thường ghi nhận bằng sự tống chất nhầy ra ngoài và sự xuất hiện các cơn co bóp tử cung gây đau.

1. Sự tống chất nhầy ra ngoài

Nó được đặc trưng bằng việc thải các chất tiết nhớt, chất này bít cổ tử cung trong lúc mang thai. Vì vậy khi chất nhầy tống ra, thai phụ thường nghĩ đến việc phải đến nhà hộ sinh ngay. Nó là dấu hiệu cho thấy cổ tử cung bắt đầu thay đổi. Tuy nhiên, điều đánh dấu thời điểm bắt đầu sinh đẻ, đó là sự xuất hiện các cơn co bóp gây đau của tử cung.

2. Sự xuất hiện những cơn co bóp tử cung gây đau

Các cơn co bóp có thể xuất hiện trong những tháng cuối cùng và nhất là trong những tuần lễ cuối cùng của thai kỳ. Bạn có thể cảm nhận những co bóp đó bằng cách đặt tay lên bụng: Bạn cảm thấy bụng thỉnh thoảng cứng lại. Những cơn co bóp này không theo nhipj điệu chính xác, không mang tính chu kỳ, chúng hỗn loạn và nói chung không đau đớn. Chúng không biểu hiện bước đầu của việc sinh đẻ.

Bạn cũng có một vài cơn đau, có khi như là một cảm giác đè nặng, có khi như cảm giác xương căng ra. Các cơn đau này tương ứng với việc đầu đứa trẻ tiến vào khung chậu hoặc với những thay đổi của khung chậu. Nhưng các cơn đau này không có những co bóp đi kèm.

Những co bóp không đau, nhưng cơn đau không có co bóp không báo trước việc sinh đẻ. Sự kết hợp co bóp và đau đớn càng lúc càng mạnh và đều thì đó là dấu hiệu của việc sinh đẻ.

Những co bóp đầu tiên thường được cảm nhận trong bụng, nhưng chúng cũng có thể được cảm nhận được ở ngang thắt lưng.

Ban đầu các co bóp ít mãnh liệt, nhưng không phải lúc nào cũng dễ nhận thấy, chúng giống như một cú kẹp đơn giản hoặc cơn đau lúc hành kinh. Những cú kẹp này dè dặt đến nỗi bạn không chắc là chúng có phải là những cơn co bóp hay không, chỉ có cách đơn giản là bạn đặt tay lên bụng nếu thấy bụng cứng lại có nghĩa là tử cung đang co bóp.

Những đặc tính của co bóp tử cung đó là:

- Các co bóp đều đặn, chúng trở lại theo một nhịp điệu chính xác, hơn nữa bạn có thể ghi lại thời điểm diễn ra giữa hai lần co bóp.

- Các lần co bóp càng lúc càng gần lại.

- Càng lúc càng kéo dài.

- Chúng càng lúc càng dữ dội, đau đớn.

Bạn sẽ cảm giác như chúng dâng lên như một cơn sóng, chúng xâm chiếm bạn, lan rộng như một làn sóng xuất phát ở giữa lưng, và chia thành hai nhánh bao vùng hang và gặp nhau lại trong bụng vừa siết chặt cơ thể như một giây nịt.

Khi bạn cảm thấy những co bóp yếu ớt lúc ban đầu, những cú kẹp đã báo động cho bạn cuối cùng trở thành những co bóp rất nhịp nhàng, càng lúc càng gần, càng dài ra, càng mãnh liệt, càng đau đớn, bạn nên biết rằng chúng đang chuẩn bị cho đứa con ra đời.

3. Tình trạng ra nước ối

Một vài phụ nữ nghĩ rằng dấu hiệu đầu tiên của việc sinh đẻ là ra nước ối. Thực tế, tình trạng này có thể diễn ra vào những thời điểm khác nhau.

Đôi khi, rất khó để biết màng ối đã rách hay chưa. Càng gần ngày sinh, tử cung càng chèn ép nặng lên bàng quang. Vì thế, một cơn co Braxton Hick (chuyển dạ giả) hoặc hắt hơi có thể gây són tiểu. Điều này có thể bị nhầm lẫn với rò rỉ nước ối.

Nếu là rò ối thì khi nằm xuống, bạn vẫn có cảm giác dòng nước thoát ra từ vùng kín. Bạn có thể tự kiểm tra xem màu sắc và tính chất của chất lỏng rò rỉ từ âm đạo. Nước ối bình thường có màu mây trắng hoặc màu hổ phách. Nếu chất lỏng rò rỉ có một trong số đặc điểm sau, bạn cũng nên đi khám sớm:

- Có màu tối sẫm (hoặc hơi xanh): do meconium (phân của bé trong bụng mẹ) có thể lẫn vào đó.

- Có mùi hôi: có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tử cung.

- Đẫm máu: vài vệt máu nhỏ có thể không nguy hại nhưng chất rò rỉ toàn máu có thể do vấn đề ở nhau thai.

Nếu nghi ngờ bị vỡ ối, hãy:

- Đi khám ngay để chắc chắn, bạn không bị vỡ ối sớm hoặc nếu có, cũng được xử trí kịp thời.

- Tránh để bất cứ thứ gì vào âm đạo, không quan hệ vợ chồng và không thụt rửa quá mức.

4. Cần làm gì khi chắc chắn việc sinh đẻ đã bắt đầu?

Khi bạn tin chắc việc sinh đẻ đã bắt đầu bạn nên kịp thời đến bệnh viện chờ sinh. Trước khi lên bàn đẻ bạn nên đi vệ sinh. Điều đó giúp bạn khỏi co quắp lại để nín nhịn vài giờ sau đó. Khi trẻ tựa vào đại tràng bạn thường rất thèm đi tiểu, những bài tập thư giãn và việc luyện hít thở sâu cũng sẽ giúp bạn giảm bớt những khó chịu này.

Bài 3. Hành trình chào đời của bé



Cao điểm của tiến trình chuyển dạ đã tới và em bé của bạn sắp sửa ra đời. Thật là hào hứng khi bạn có thể sờ thấy đầu em bé lần đầu khi bé mới chồi ra, và chẳng mấy chốc sau đó là tiếng khóc oe oe của bé khi chào đời.

1. Chặng đường thứ nhất

Đầu của bé di chuyển tới gần cửa âm đạo hơn cho đến khi có thể nhìn thấy chỗ phình ra đè vào đáy xương chậu. Chẳng bao lâu đầu em bé sẽ lộ ra, cứ mỗi cơn co thắt lại tiến về phía trước và có lẽ hơi trượt ngược trở lại khi cơn co thắt biến dần. Điều này hoàn toàn bình thường.

2. Chặng đường thứ hai

Khi cái đầu đội lên (trông thấy đỉnh đầu), lúc này người đỡ đẻ sẽ yêu cầu bạn dừng rặn vì nếu cái đầu vọt ra quá nhanh, bạn có thể bị rách da. Vì thế bạn hãy thư giãn và thở hổn hển trong vài giây. Nếu có nguy cơ rách da nghiêm trọng hoặc em bé mệt người ta sẽ dùng thủ thuật cắt âm hộ cho bạn. Khi đầu em bé nong rộng cửa âm đạo, bạn sẽ cảm thấy như bị châm chích, nhưng cảm giác này chỉ thoáng qua trong chốc lát và chẳng bao lâu sau thì thấy tê vì các mô đã bị kéo căng quá mức.

3. Chặng đường thứ ba

Cái đầu bé đã chui ra được, mặt bé úp xuống. Bác sỹ đỡ đẻ cho bạn sẽ phải kiểm tra xem dây rốn có cuốn quanh cổ bé không. Nếu có dây rốn cuốn quanh cổ thì bác sĩ hộ sinh sẽ phải lồng nó trượt qua đầu em bé khi cái thân được đỡ ra. Rồi em bé xoay đầu sang một bên thẳng hàng với vai. Bác sĩ sẽ lau sạch mắt, mũi, miệng cho bé, nếu cần thì bác sỹ sẽ hút những chất lỏng nằm trong đường hô hấp trên của bé.

4. Chặng đường cuối cùng

Thân bé trượt ra ngoài trong vòng hai lần co thắt tiếp theo. Thường thì bác sĩ hộ sinh sẽ sốc nách nhấc bổng bé lên đặt lên bụng mẹ còn nguyên cả dây rốn đang dính liền để bé được tận hưởng hơi ấm đầu tiên từ mẹ. Thoạt tiên bé có thể trong xanh, trên da bé có thể bao phủ lớp màng mỏng hoặc vết máu dài. Thông thường khi ra khỏi bụng mẹ bé sẽ cất tiếng khóc vì lúc này phổi và hệ hô hấp của bé bắt đầu đi vào hoạt động ngoài không khí, bé không còn sống phụ thuộc vào hơi thở của mẹ nữa, nếu bé không khóc các bác sỹ sẽ làm cho bé khóc. Tiếp theo là bé được cắt dây rốn, chấm dứt cuộc hành trình 9 tháng trong bụng mẹ và bắt đầu một cuộc sống mới.

Trên đây là cuộc hành trình của bé trước khi cất tiếng khóc chào đời đối với những bé sinh thường. Thật khó khăn vất vả nhưng cũng không gì hạnh phúc bằng phải không bạn. Bạn hãy ghi nhớ cuộc hành trình này của bé để có cách thức tốt nhất hỗ trợ bé trong cuộc hành trình của bé nhé bạn!

Bài 4. Các tư thế giúp bà bầu chuyển dạ thành công



Có rất nhiều tư thế mà bạn có thể áp dụng để giảm sự khó chịu trong giai đoạn đầu tiên của quá trình sinh nở. Một số phụ nữ thích đứng thẳng và đi lại xung quanh để thời điểm chuyển dạ đến nhanh hơn. Khi chuyển dạ, bạn có thể chuyển sang tư thế ngồi xổm hay quỳ gối, dùng nệm, ghế tựa hoặc dựa vào chồng.

1. Tư thế đứng

Đứng dựa vào tường hoặc chồng. Lúc sắp sinh, trọng lượng của bào thai sẽ khiến bạn đau và mỏi lưng, và tư thế này có thể giúp bạn cảm nhận được sự thoải mái; giúp những cơn co bóp dạ con sẽ hiệu quả hơn vì trọng lực sẽ đẩy đầu thai nhi chúc xuống cổ tử cung. Lúc này, bạn hãy đung đưa hông theo vòng tròn và thở nhịp nhàng.

2. Tư thế ngồi

Nếu bạn cảm thấy ngồi sẽ dễ chịu hơn, hãy ngồi ngả người về phía trước, hai chân giang rộng lên tấm nệm hoặc gối vắt trên thành ghế. Hoặc có thể ngồi dựa vào chồng và nhờ anh ấy xoa lưng cho bạn. Tư thế ngồi thẳng khi sinh là tư thế tự nhiên nhất cho sản phụ, không chỉ nó làm cho họ dễ chịu mà còn vì lý do cơ học: Lúc đó, tử cung sẽ co bóp theo hướng xuống dưới, trùng với hướng đẩy của các cơ bụng khi sản phụ rặn, và trọng lực sẽ giúp thai nhi xổ ra.

Tư thế sinh ngồi thẳng hiệu quả hơn tư thế nằm ngửa, vì trọng lực sẽ giúp thai nhi lọt lòng mẹ dễ dàng hơn.

3. Tư thế quỳ

Khi những cơn co bóp mạnh hơn, thay vì đứng, bạn sẽ cảm thấy đỡ mệt hơn nếu chống hai tay và quỳ gối xuống. Tư thế này sẽ làm nhẹ bớt cảm giác đau lưng. Hai chân quỳ cách xa nhau, nhô thẳng hông về phía sau. Giữ cho lưng thẳng chứ không được võng xuống. Giữa những cơn co bóp để cánh tay đỡ mỏi bạn có thể đặt cả cánh tay xuống đất hoặc ngồi lên gót chân.

4. Tư thế nằm

Lúc chuyển dạ bạn sẽ thấy thoải mái nhất nếu ở tư thế nằm. Thay vì nằm áp lưng xuống giường, bạn có thể nằm nghiêng sang một bên, kê gối dưới đầu và đùi. Hai chân đặt cách xa nhau.

Nếu sản phụ sinh ở tư thế nằm ngửa, tử cung sẽ co bóp để đẩy thai nhi theo hướng âm đạo, tức là chếch lên trên, khi đó trọng lực lại trở thành tác nhân cản trở và sản phụ phải dùng thêm sức chống lại nó. Điều này chẳng những kéo dài thời gian chuyển dạ mà còn có thể đưa đến nhiều tai biến.

Những bất lợi khi sinh con ở tư thế nằm ngửa:

- Huyết áp hạ, làm giảm lượng máu và dướng khí nuôi thai nhi.

- Đau nhiều hơn.

- Có nhiều khả năng phải cắt tầng sinh môn.

- Có nhiều khả năng phải dùng forceps để giúp sinh.

- Gây cản trở quá trình bong nhau tự nhiên.

- Dễ gây đau thắt lưng.

Bài 5. Một vài mẹo nhỏ giúp bà bầu lúc chuyển dạ



Không có tư thế nào phụ hợp với tất cả mọi người, do đó tư thế nào đem lại cho bạn sự dễ chịu thì nên áp dụng. Chúng ta cứ thử nhiều tư thế để tìm ra cách phù hợp với mình, nhưng nhớ là luôn giữ thẳng người khi đi lại, khi đứng, ngồi hay quỳ. Như vậy sẽ đỡ đau hơn và rút ngắn được thời gian chuyển dạ.

1. Giai đoạn đầu của chuyển dạ

Giai đoạn này dài nhất của quá trình sinh nở. Nó thường kéo dài từ 6 - 10 tiếng, tính từ khi mới bắt đầu chuyển dạ. Trong giai đoạn này, sự co thắt dần lên về cường độ để cổ tử cung của bạn mở ra từ từ cho bé di chuyển vào đường sinh.

Vượt qua cơn đau lúc chuyển dạ: Không có tư thế nào phụ hợp với tất cả mọi người, do đó tư thế nào đem lại cho bạn sự dễ chịu thì nên áp dụng. Chúng ta cứ thử nhiều tư thế để tìm ra cách phù hợp với mình, nhưng nhớ là luôn giữ thẳng người khi đi lại, khi đứng, ngồi hay quỳ. Như vậy sẽ đỡ đau hơn và rút ngắn được thời gian chuyển dạ.

Tư thế ngồi: Bà bầu nên cố gắng giữ sức trong lúc chuyển dạ. Cúi người ra trước để tạo áp lực lên cổ tử cung và để giảm gánh nặng lên vùng lưng dưới. Nếu cần chỗ dựa trong lúc co thắt thì hãy ngồi quay mặt về phía lưng ghế và kê thêm gối để nghỉ giữa các cơn co thắt.

Tư thế quỳ: Quỳ và chồm người về phía trước với hai tay duỗi thẳng sẽ giảm bớt áp lực lên cổ tử cung. Tư thế này sẽ làm chậm lại sự co thắt, nhưng lại rất hữu ích khi các cơn co thắt diễn ra càng lúc càng liên tục và gần nhau hơn. Ngoài ra, tư thế này còn giúp giảm bớt gánh nặng cho lưng vốn phải chịu nhiều áp lực trong thai kỳ.

Tư thế đứng: Đứng và đi lại giữa các cơn co thắt lúc mới bắt đầu chuyển dạ sẽ tạo áp lực cho cổ tử cung, làm nó mau giãn nở hơn. Dựa vào tường hoặc dựa vào người chồng để giữ thăng bằng giữa các cơn co thắt. Chồng bạn cũng có thể xoa bóp lưng để giảm đau cho bạn.

Ngoài ra, bạn cũng cần:

- Thở đều đặn và thư giãn.

- Không nên nín thở trong lúc đang co thắt mà hãy thở ra khi thả lỏng vai và hàm. Không nên gồng mình khi cơn co thắt lên đến đỉnh điểm, vì như vậy sẽ càng đau hơn.

- Hãy suy nghĩ theo hướng tích cực khi diễn ra cơn co thắt. Tự nhủ rằng, mỗi lần co thắt sẽ giúp bé nhanh chào đời hơn.

- Hãy nghe sự mách bảo của chính cơ thể mình và chọn những tư thế mà bạn thấy thoải mái nhất.

- Nếu thấy đau lưng thì nên chườm lưng bằng chai hoặc túi nước nóng.

- Hãy nhờ chồng xoa bóp và có thể dùng thêm tinh dầu để massage.

2. Giai đoạn chuyển tiếp và bé chào đời

Đây là giai đoạn khi tử cung đã giãn nở hoàn toàn (khoảng 10cm) và kết thúc khi bé đã lọt lòng. Giai đoạn này kéo dài khoảng 30 phút đến 1 giờ, nhưng đôi khi chỉ 10 phút hoặc kéo dài đến 2 tiếng. Thông thường, các bác sĩ sẽ can thiệp khi giai đoạn này kéo dài quá 2 tiếng đồng hồ.
Trong khoảng thời gian này, bạn thường cảm thấy nóng bức, đổ mồ hôi hoặc lạnh run, đôi khi đan xen cả hai trạng thái này. Ngoài ra, bạn còn cảm thấy buồn nôn, ói mửa. Lúc này, người thân có thể chườm lạnh hoặc ấm cho thai phụ.

- Hãy rặn theo hướng dẫn của nữ hộ sinh, không nên cố rặn, vì nếu cố rặn khi cổ tử cung chưa giãn nở sẽ làm cho cổ tử cung bị sưng. Như vậy càng khó đẩy bé ra ngoài và bị bầm tím gây đau.

- Nên quỳ xuống và đẩy mông lên để giảm bớt áp lực của bào thai lên cổ tử cung, nhờ đó bạn cũng đỡ có cảm giác muốn rặn hơn và giúp giữ lại sức để tiếp tục đối phó với giai đoạn gay go hơn.

Để đẩy bé ra dễ dàng, bạn nên thở sâu khi cơn co thắt đang diễn ra và khi sự co thắt lên đến đỉnh điểm. Hãy cố rặn trong 5 giây (nín thở khi không cần thiết có thể làm bạn kiệt sức và làm giảm lượng ôxy đến bé). Nếu cơn co thắt vẫn còn đang lên cao thì hãy thở vài lần thật sâu, sau đó tiếp tục rặn. Bạn sẽ có cảm giác bị thúc đẩy phải rặn từ 3 - 5 lần mỗi khi cơn co thắt xuất hiện. Sau mỗi cơn co, đầu bé ngày càng lộ ra rõ hơn và sau đó lại thụt vào một chút giữa các cơn co thắt. Bạn có thể sẽ phải rạch âm đạo - vết cắt nhỏ ở đáy chậu ngay phần da giữa âm đạo và trực tràng để tránh rách cơ.

Khi bé sắp lọt lòng, đầu của bé sẽ lộ ra ở cửa âm đạo và không còn bị thụt vào nữa. Bạn sẽ được ra hiệu ngừng rặn khi đầu bé từ từ được đẩy ra. Chất nhầy ở miệng và mũi bé được hút sạch, sau đó bạn sẽ rặn thêm lần nữa để vai và phần còn lại của bé được đẩy ra hoàn toàn. Nếu bé vẫn chưa thở thì bác sĩ phải hút chất nhầy lần nữa hoặc phải cho bé trợ thở bằng ôxy. Nếu mọi chuyện ổn thoả, bé sẽ được cắt dây rốn và cuối cùng là nhau thai được tống ra ngoài. Lúc này, bác sĩ sẽ kiểm tra xem còn sót lại mảnh nào bên trong không, vì nếu còn xót sẽ gây xuất huyết và nhiễm trùng. Cuối cùng, vùng đáy chậu được khâu lại, nếu trước đó bị rách hoặc bị rạch cho bé lọt ra.

Bài 6. Để cuộc đẻ của bạn dễ dàng hơn



Các bà bầu thường lo lắng khi sắp đến ngày vượt cạn và làm thế nào để sinh bé an toàn? Mình có bị đau nhiều không? Việc sinh đẻ thật đáng sợ và quá sức... Hãy nhớ rằng, việc sinh đẻ là điều hoàn toàn tự nhiên và bạn có thể dễ dàng vượt qua nó nếu làm theo những chỉ dẫn dưới đây.

1. Cần có tâm trạng tốt

Quan niệm trước đây cho rằng, khó sinh hay chảy máu quá nhiều khi sinh đều có nguyên nhân từ những yếu tố như đường sinh sản khác thường, ngôi thai không chuẩn, thai nhi dị thường, nước ối quá nhiều, nhau thai khác thường… Nhưng hiện nay, các nhà y học phát hiện ra rằng, mọi tâm trạng không tốt của phụ nữ mang thai cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến khó sinh.

Rất nhiều thai phụ do sinh lần đầu nên thiếu hiểu biết đối với việc sinh đẻ, cho rằng: sinh đẻ phát sinh cơn đau dữ dội, cũng có người lo lắng quá về vấn đề sức khoẻ và giới tính của thai nhi… Do đó, khi sinh thường có những tâm trạng không tốt như căng thẳng, lo lắng, bất an, hoảng sợ, u uất, nôn nóng… Những tâm trạng không tốt này có thể gây ức chế việc co rút cổ tử cung, thông qua hệ thống của thần kinh trung ương, dẫn đến cổ tử cung co bóp không có lực, cổ tử cung không mở…

Những tâm trạng không tốt trong quá trình sinh còn có thể gây ra quá trình bài tiết hormon ở vùng dưới đồi và tuyến yên có những thay đổi khác thường cũng là nguyên nhân làm yếu sức co bóp của tử cung, làm cho quá trình sinh kéo dài hay tăng lượng xuất huyết sau khi sinh. Ngoài ra, tinh thần quá căng thẳng của thai phụ sẽ làm cho vỏ não mệt mỏi, ảnh hưởng đến quá trình co bóp của tử cung. Lâm sàng phát hiện, đối với việc khó sinh hay xuất huyết quá nhiều sau khi sinh do những tâm trạng không tốt, nếu không xử lí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ và thai nhi.

Để tránh phát sinh những tâm trạng nêu trên, thai phụ nên nắm những kiến thức cần thiết trước khi sinh, xoá bỏ những lo lắng không cần thiết, cố gắng kiểm soát tâm trạng của bản thân. Các chuyên gia y học nhấn mạnh rằng, sản phụ khi chuyển dạ không sợ hãi, không lo lắng, duy trì được tâm trạng vui vẻ, thoải mái sẽ rất có lợi cho việc chào đời thuận lợi của thai nhi và quá trình hồi phục tử cung sau sinh.

2. Hạn chế sự la hét khi chuyển dạ

Khi một số sản phụ trong phòng sinh chuyển dạ, không thể chịu đựng được cơn đau do quá trình co bóp tử cung thì la to, hét lớn. Các thai phụ mong lấy việc la hét để giảm nhẹ cơn đau. Việc la hét liên tục này sẽ làm cho cơ thể và tinh thần thai phụ ở vào trạng thái căng thẳng cao độ trong thời gian dài và chỉ có hại chứ không có lợi đối với việc sinh đẻ.

- Một số sản phụ khi sinh thông qua việc la hét quá mức, hy vọng thu hút được sự quan tâm và yêu thương của chồng. Từ đó, nhận được càng nhiều sự đồng tình và lo lắng của người nhà.

- Sản phụ la hét chỉ làm tiêu hao năng lượng sức lực, cũng ảnh hưởng đến việc dùng lực bình thường khi sinh, gây kéo dài quá trình sinh.

- Sản phụ khi la hét, khóc thường nuốt một lượng không khí lớn, dẫn đến ruột bị đầy hơi. Việc la hét sẽ ảnh hưởng chức năng của dạ dày và ruột đến nỗi không thể ăn uống bình thường, kèm theo nôn mửa, khó tiểu tiện. Điều này ảnh hưởng đến tính nhịp nhàng của quá trình co bóp cổ tử cung.

- Khóc lóc liên tục dễ làm cho tử cung co bóp thiếu lực, cổ tử cung không thể mở rộng, gây nên hiện tượng đình trệ trong quá trình sinh sản. Có thể thai nhi sẽ bị xoay chuyển, dẫn đến khó sinh.

- La hét, khóc là thái độ không tốt, để lại ấn tượng xấu đối với người khác. Nó làm người khác căng thẳng, không biết phải xử trí như thế nào, khó phối hợp với những điều phục vụ vần thiết mà nhân viên khoa sản đưa ra.

- La hét quá độ làm cản trở công việc bình thường của nhân viên y tế, ảnh hưởng đến các sản phụ khác đang chờ sinh làm cho họ căng thẳng tinh thần.

- La hét không làm giảm nhẹ cơn đau, ngược lại sẽ làm tinh thần căng thẳng, tăng sự nhạy cảm đối với cơn đau, tiêu hao sức lực, làm cho cảm giác đau đớn tăng chứ không giảm.

Thai phụ khi chuyển dạ, trước hết phải chuẩn bị tinh thần chịu đựng cơn đau do co bóp tử cung, nên tự điều chỉnh tâm lí, tinh thần thư giãn, không nên sợ đau. Bởi vì lo sợ không làm giảm nhẹ cơn đau, ngược lại càng sợ đau thì càng đau. Các thai phụ nên tăng cường phối hợp giữa thả lỏng cơ thể và điều tiết hô hấp. Sản phụ phối hợp tốt với sự chỉ dẫn của bác sĩ mới đảm bảo tiến triển thuận lợi trong quá trình sinh đẻ.

3. Khi sinh nên có chồng bên cạnh

Nghiên cứu cho thấy, sự có mặt của người chồng bên cạnh khi sinh sẽ giúp người vợ những việc như sau:

- Có thể rút ngắn quá trình sinh đẻ, làm cho việc sinh đẻ của người vợ thuận lợi hơn. Người chồng có thể dựa theo những chỉ dẫn của nhân viên trợ sản để động viên giúp đỡ người vợ tập những bài thể dục trước khi sinh. Các động tác cụ thể mà sản phụ cần phải phối hợp chặt chẽ khi sinh. Khi người chồng đảm nhận việc chỉ dẫn này sẽ giúp người vợ thực hiện sinh đẻ tốt mà không rụt rè, đồng thời có thể thực hiện thành thục.

- Người chồng bên cạnh vợ khi chuyển dạ có thể giảm bớt tỷ lệ phát chứng co giật một cách rõ rệt. Vì chứng co giật là bệnh thường phát trong thời kì chuyển dạ của thai phụ. Biểu hiện chủ yếu là căng thẳng thần kinh, huyết áp tăng cao, phù nghiêm trọng. Nguyên nhân phát bệnh chủ yếu đó là do thai phụ lo lắng, hoảng sợ về mặt tư tưởng, quá căng thẳng về mặt tinh thần. Nếu có chồng bên cạnh sản phụ sẽ cảm thấy yên tâm, tin tưởng và tập trung hơn cho cuộc vượt cạn của mình.

- Người chồng có thể làm người phụ tá tốt nhất cho nhân viên trợ sản. Khi vợ sinh, người chồng ở bên cạnh, giúp sản phụ lau mồ hôi, chăm sóc, an ủi, khuyên nhủ, có lợi trong việc phòng tránh những cơn la hét và những động tác mù quáng cho thai phụ. Việc này sẽ giúp thai phụ tránh tiêu hao thể lực một cách vô ích, tránh dẫn đến co bóp tử cung.

- Người chồng bên cạnh khi chuyển dạ sẽ làm tăng thêm tình cảm vợ chồng, làm cho người chồng càng thương vợ hơn và người vợ tin tưởng chồng hơn.

Những người đàn ông sắp được làm cha, nên xoá bỏ những thành kiến, học một số kiến thức vệ sinh có liên quan đến việc hộ lí thai phụ để giúp người vợ chuyển dạ thuận lợi hơn.

Bài 7. Hiện tượng đau đẻ



Tìm hiểu đôi chút về quá trình đau đẻ là một việc rất quan trọng. Nhờ đó, bạn sẽ nhận biết được khi nào mình đau đẻ và biết phải làm gì khi cơn đau đẻ bắt đầu.

1. Nguyên nhân đau đẻ

Rất tiếc là chúng tôi lại không có câu trả lời xác đáng cho vấn đề này, vì nguyên nhân gây ra những cơn đau đẻ hiện vẫn chưa được các nhà nghiên cứu tìm ra. Có rất nhiều lý thuyết giải thích nguyên nhân dẫn đến đau đẻ. Một trong số đó cho rằng, các loại hoóc môn do cả bà mẹ và thai nhi sản xuất ra đã “châm ngòi” cho hiện tượng này. Một lý thuyết khác lại cho rằng, chính cơ thể của bào thai đã sinh ra loại hoóc môn làm tử cung co thắt.

2. Qúa trình đau đẻ

Đau đẻ là quá trình mở dần cổ tử cung (giãn và nở). Đau đẻ xuất hiện do cơ ở tử cung co thắt để đẩy thai nhi ra ngoài. Khi thai nhi đã được đẩy ra, cổ tử cung sẽ giãn.

Nhiều lúc bạn sẽ cảm thấy tử cung thắt lại, co bóp hoặc bị ép mạnh, nhưng đó không thực sự là đau đẻ cho tới khi diễn ra một số thay đổi ở cổ tử cung.

3. Những dấu hiệu trước khi đau đẻ

- Nước đầu ối: Nhiều phụ nữ có kinh nghiệm với “nước đầu ối”, việc tiết ra một thứ chất nhầy màu hồng nhạt/đỏ từ âm đạo. Chất nhờn này bảo vệ dạ con khỏi nhiễm trùng trong thời gian mang thai và sự xuất hiện của nó là một dấu hiệu cho thấy rằng, cơn đau đẻ sẽ có thể bắt đầu trong một vài giờ/ngày sắp tới.

- Đau lưng dưới: Cần phải đi vệ sinh và chứng chuột rút giống như thời kỳ tiền kinh nguyệt là những dấu hiệu của việc đau đẻ sớm.

- Nước ối vỡ: Điều này có thể xảy ra với một dòng chảy, phụ thuộc vào lượng chất lưu màng ối của bạn. Chất lưu đó hoàn toàn sạch với màu vàng nhẹ và có thể bị nhuốm máu đầu tiên. Sử dụng băng vệ sinh, nếu dung dịch vẫn tiếp tục chảy, nhưng nếu có nhiều chất lưu bạn có thể cần đến một băng thấm lớn. Bạn nên liên lạc với bệnh viện trong trường hợp dịch ngừng chảy, bởi vì lúc đó có thể bắt đầu bị nhiễm trùng.

- Các cơn co bóp bắt đầu: Nó có thể diễn ra trong hàng giờ, thậm chí là hàng ngày đối với các cơn co bóp để tạo nên và gây áp lực cho cổ tử cung mở ra (giãn ra).

4. Ba giai đoạn của quá trình đau đẻ

Giai đoạn 1: Giai đoạn một bắt đầu với những cơn co thắt tử cung dài, liên tục với cường độ mạnh làm mở cổ tử cung. Giai đoạn 1 kết thúc khi cổ tử cung đủ mở (thường khoảng 10 cm) để đầu thai nhi có thể chui lọt.

Giai đoạn 2: Giai đoạn của quá trình này bắt đầu khi cổ tử cung mở hoàn chỉnh 10 cm và kết thúc khi đứa trẻ chào đời.

Giai đoạn 3: Giai đoạn này bắt đầu ngay sau khi đứa trẻ chào đời và kết thúc khi nhau thai và màng ối được đẩy ra ngoài cơ thể mẹ.

Một số bác sĩ cho rằng, quá trình này gồm 4 giai đoạn, giai đoạn thứ 4 là khoảng thời gian sau khi nhau thai đã được đẩy ra ngoài, tử cung co bóp trở lại. Sự co bóp của tử cung là rất quan trọng trong việc khống chế chảy máu sau khi sinh và sau khi nhau thai đã được đẩy ra ngoài.

5. Quá trình đau đẻ kéo dài bao lâu?

Thời gian đau đẻ qua 2 giai đoạn 1 và 2 của quá trình đau đẻ, từ khi cổ tử cung mở rộng đến khi hoàn tất việc sinh nở là khoảng từ 14 - 15 tiếng, có thể kéo dài hơn ở những trường hợp sinh con lần đầu. Thời gian đau đẻ của nhiều phụ nữ có thể ngắn hơn, không phải trường hợp nào cũng là 14 đến 15 tiếng.

Các bà mẹ từng sinh nở một hoặc hai lần thường đau đẻ nhanh hơn, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Thời gian đau đẻ trung bình thường giảm đi vài tiếng đồng hồ ở những lần sinh thứ 2 và thứ 3.

Cũng có những phụ nữ chỉ mất khoảng từ 1 đến 2 tiếng để đau đẻ và sinh con, nhưng lại có những phụ nữ phải mất 18, 20, 24 tiếng hoặc lâu hơn nữa.

Chúng tôi không thể đoán trước được khoảng thời gian đau đẻ của từng phụ nữ, bạn có thể hỏi bác sĩ của bạn, nhưng chắc rằng câu trả lời nhận được cũng chỉ là một sự phỏng đoán.

Bài 8. Cắt tầng sinh môn khi sinh



Trong cơ thể, vùng đáy chậu hay tầng sinh môn là bộ phận ít được biết đến nhưng rất quan trọng trong lúc sinh đẻ và nhạy cảm trong quan hệ tình dục. Thai phụ khi sinh, những nếp nhăn niêm mạc ở lớp trong âm đạo mở ra hoàn toàn, lớp cơ ở giữa rất căng để cho thai nhi dễ ra khỏi tử cung, thông qua âm đạo. Nhưng trên thực tế, khi đầu thai chuẩn bị ra ngoài, nếu không có sự giúp đỡ của bác sĩ trợ sản bảo vệ tầng sinh môn thì thai phụ rất dễ bị rách tầng sinh môn khi sinh.

1. Vì sao phải cắt tầng sinh môn?

Về thẩm mỹ: Trong quá trình rặn đẻ, nếu tầng sinh môn không đủ giãn để bé chui ra thì sẽ bị rách. Vết rách sẽ ngoằn ngoèo và rất xấu so với vết cắt can thiệp là 1 đường thẳng. Vết rách dù được khâu kỹ vẫn có thể để lại sẹo xấu, ảnh hưởng tới vấn đề thẩm mỹ và lần sinh sau có thể bị rách nứt ngay vết sẹo cũ.

Về sức khỏe: Vết rách có thể ảnh hưởng tới nút thớ trung tâm đáy chậu, làm tầng sinh môn bị nhão về sau. Khi đó, tầng sinh môn mất khả năng co hồi lại như bình thường, dẫn đến nguy cơ sa tử cung, âm đạo, trực tràng, bàng quang.
Thời điểm cắt là lúc sản phụ đang có cơn gò tử cung, tức là đang đau rặn, nên cái đau do vết cắt sẽ bị lấp đi trong cái đau của cơn gò. Thực chất, cắt tầng sinh môn là để bảo vệ cho sản phụ chứ không phải làm cho nữ hộ sinh hoặc bác sĩ đỡ đẻ dễ hơn như vài sản phụ lầm tưởng.

2. Những trường hợp nào cần cắt tầng sinh môn?

- Tính đàn hồi của tầng sinh môn kém, miệng âm đạo nhỏ hẹp hoặc tầng sinh môn bị sưng phù… có thể khiến cho thai nhi sinh ra khó khăn, nguy cơ bị rách tầng sinh môn nghiêm trọng.

- Thai nhi khá lớn, vị trí đầu thai không chuẩn, đầu thai nhi bị kẹp ở tầng sinh môn.

- Những sản phụ trên 35 tuổi, thường mắc phải những bệnh nguy hiểm cao trong thời kì mang thai như tim, hội chứng cao huyết áp khi mang thai… Để giảm bớt sự tiêu hao thể lực của sản phụ, rút ngắn quá trình sinh sản, giảm bớt những nguy hiểm của việc sinh đẻ đối với người mẹ và trẻ, khi đầu của thai nhi hạ đến tầng sinh môn nên tiến hành mổ cắt tầng sinh môn.

- Miệng tử cung đã mở hết, đầu thai khá thấp, nhưng thai nhi có hiện tượng thiếu oxy, nhịp tim của thai nhi không đều, có những biến đổi khác thường, nước ối có tình trạng vẩn đục hoặc có phân của thai nhi.

Cắt tầng sinh môn không phải là triệt để, nhưng tốt hơn là để bị rách tầng sinh môn

Phẫu thuật cắt tầng sinh môn là một vết thương thực thụ, dễ khâu và có thể liền sẹo trong vòng 5 - 7 ngày. Trong khi đó, nếu bạn để tầng sinh môn bị rách, các vết rách sẽ theo hình răng cưa và có thể sẽ rách rất rộng, chạm đến cơ thắt của hậu môn.

3. Cắt tầng sinh môn như thế nào?

Khi cái đầu của bé lấp ló ở âm đạo và âm đạo căng giãn tới mức tối đa, bạn sẽ được gây tê tại chỗ ở vùng sàn khung chậu. Khi cơn co thắt lên tới đỉnh cao, một đường cắt nhỏ sẽ được rạch từ đáy âm đạo và thường hơi chếch sang một bên. Có những trường hợp không đủ thời gian để chích thuốc tê, nhưng bạn cũng không cảm thấy đau do các mô căng đã bị tê tự nhiên.

Sau đó, sẽ mất một ít thời gian để bạn được khâu lại các lớp da và cơ bắp (hoặc âm hộ nếu bị rách). Lúc này, có thể bạn sẽ cần thuốc tê nếu thấy đau. Thông thường, lớp niêm mạc và cơ được khâu bằng chỉ tự tiêu sau 3 tuần, còn lớp da được khâu bằng chỉ nilon (cắt chỉ sau 5 - 7 ngày). Việc tháo chỉ sẽ không gây đau cho bạn.

4. Chú ý giữ vệ sinh sau khi cắt tấng sinh môn

Tầng sinh môn phía trước gần âm đạo và phía sau gần hậu môn nên có rất nhiều vi khuẩn. Trong quá trình sinh, nếu màng thai vỡ sớm, quá trình sinh kéo dài và tầng sinh môn bị viêm, phù… sẽ làm cho việc lành miệng vết mổ ở tầng sinh môn chậm chạp.

Do đó, sau khi mổ cắt tầng sinh môn, phải duy trì vệ sinh tại chỗ, mỗi lần sau khi đi vệ sinh xong nên dùng nước rửa ngay để tránh nhiễm trùng vết thương. Bạn có thể tự rửa bằng nước đun sôi với xà phòng thơm hoặc xà phòng trung tính rồi lau khô hằng ngày. Bạn cũng có thể dùng máy sấy tóc để làm khô nhanh vết khâu. Cần lưu ý là bạn nên mặc đồ lót thoáng.

5. Những tác hại có thật của việc cắt tầng sinh môn

- Cắt tầng sinh môn gây mất máu tương đương, thậm chí nhiều hơn so với một ca mổ chỉ định.

- Vết cắt tầng sinh môn đau lâu và khó lành hơn so với vết rách tự nhiên.

- Sự toàn vẹn của cơ đáy chậu bị ảnh hưởng do các cơ không được xếp lại đúng chỗ.

- Gây rò âm đạo - hậu môn, dẫn đến đại tiểu tiện không tự chủ.

- Sản phụ đã qua cắt tầng sinh môn sẽ bị đau đớn, khó khăn khi giao hợp cho tới ít nhất 3 tháng sau sinh.

- Đau đớn kéo dài còn ảnh hưởng đến tâm lý người mẹ và việc cho con bú sau này.

6. Tránh cắt tầng sinh môn như thế nào?

Một số bệnh viện thường dùng thủ thuật này, vì vậy bạn nên trao đổi với bác sĩ về nguyện vọng tránh cắt tầng sinh môn nếu có thể. Để tránh khỏi phải qua những thủ thuật này hoặc bị rách âm hộ, bạn hãy:

- Sinh con ở tư thế thẳng đứng, tránh nằm ngửa. Các tư thế như ngồi xổm, quỳ, hay nửa nằm nửa ngồi (có người đỡ) sẽ giúp cho bé xổ ra dễ dàng hơn.

- Học cách thư giãn các cơ sản khung chậu: Thả lỏng cơ đáy chậu, cách phình lớp mô âm đạo và đáy chậu, cách hít thở khi có các cơn gò tử cung. Những bài tập này rất đơn giản và bạn có thể tự tập tại nhà nhưng tốt nhất bạn nên đăng ký theo học một lớp tiền sản một vài tháng trước khi sinh.

Bài 9. Hiện tượng sót nhau thai sau sinh



Thông thường, sau khi 30 phút bé chào đời, nhau thai sẽ được đẩy hết ra ngoài và kết thúc quá trình sinh đẻ đấy vất vả của người mẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, một phần nhau thai không được đẩy hết ra ngoài mà vẫn còn sót lại trong tử cung, gây nên tình trạng nguy hiểm cho người mẹ. Hiện tượng này rất ít xảy ra.

1. Triệu chứng sót nhau thai

Chảy máu là dấu hiệu sớm nhất, đau âm ỉ hoặc từng cơn ở vùng bụng dưới; nhiễm khuẩn xuất hiện ngày thứ 3 và 4 sau khi sinh hoặc nạo thai.

2. Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất thường của nhau thai. Người ta cho rằng, nhau thai có thể dính vào một vết sẹo do lần mổ đẻ trước để lại, hoặc một vết rạch nào đó ở tử cung. Nhau thai cũng có thể dính vào chỗ đã từng bị nạo thai, hoặc chỗ bị viêm nhiễm ở tử cung.

3. Cách xử trí

Sau khi sinh, sản phụ thường bị chảy máu rất nhiều và có thể cần phải tiến hành phẫu thuật để làm ngưng chảy máu. Ngoài ra, còn phải nạo hút nhau ra ngoài, dùng kháng sinh kháng viêm và làm co tử cung. Trường hợp nặng (nhiễm khuẩn, chảy máu nặng) có thể phải mổ cắt tử cung.

Động tác kiểm soát buồng tử cung có thể được nhân viên y tế thực hiện bằng tay có đeo găng, bằng dụng cụ hay siêu âm.... Sau khi sinh, tử cung, cổ tử cung, âm đạo nở rất rộng (tới 10 cm) nên việc dùng tay kiểm soát buồng tử cung rất dễ dàng.

Phụ nữ có thai nên bổ sung sắt từ quý thứ 2 của thai kỳ, tức tháng thứ 4 trở đi sẽ hạn chế được hiện tượng sót nhau thai.

Bài 10. Cách thở và thư giãn khi chuyển dạ



Khi chuyển dạ việc thở và thư giãn có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng kết hợp giữa thở và thư giãn như thế nào cho đúng và phát huy được tác dụng cho giai đoạn chuyển dạ cũng là một việc rất đáng quan tâm.

Khi cơn co bóp đến gần

Khi bạn thấy những dự báo của các cơn co bóp đang chuẩn bị xảy ra bạn hãy hít thở thật sâu theo lối thở hoàn toàn. Sau đó thở nông với những lần hít vào thở ra nhanh, nhẹ và nhịp nhàng. Bạn cần thở nhẹ trong khi co bóp để tránh cho cơ hoành không tựa vào tử cung ngăn cản tử cung co bóp mạnh. Bởi vì cơ hoành là cơ nằm giữa lồng ngực và bụng. khi thở nó co lại và hạ xuống. Do đó, thở càng sâu, cơ hoành càng hạ xuống. Khi thở nông và nhẹ, cơ hoành chỉ động đậy sơ sơ.

Đôi khi trong lúc chuyển dạ, trong cánh tay và trong cẳng chân xảy ra những hiện tượng kiến bò có kèm theo những cơn co cơ và cảm giác khó chịu toàn thân. Tất cả tình trạng này sẽ biến mất nhanh khi tiêm canxi vào tĩnh mạch.

Trong suốt thời gian chuyển dạ, nhất là cuối giai đoạn giãn nở, nếu đầu đứa trẻ đã tiến vào, có thể bạn cảm thấy nhu cầu “rặn” giữa những cơn co bóp.Vào giai đoạn này bằng cách rặn, bạn sẽ không giúp cho việc chuyển dạ, bạn chỉ làm cho nó gây đau đớn hơn mà thôi. Hơn nữa điều đó không có ích lợi gì chỉ làm phí thời gian và công sức của bạn. Rặn khi cổ tử cung chưa được giãn nở đầy đủ sẽ cản trở việc giãn nở và kéo dài thời gian sinh đẻ. Ngoài ra những cố gắng rặn quá sớm ngày có nguy cơ làm cho bạn mệt mỏi và mất sức vào lúc bạn cần tham gia tích cực vào việc sinh đẻ và phung phí toàn bộ cơ năng của bạn. Bác sỹ hộ sinh sẽ thông báo cho bạn khi nào bạn có thể rặn được.

Khi hết cơn co bóp

Khi bạn cảm thấy cơn co bóp chấm dứt, bạn hãy hít thở hoàn toàn trở lại, thật sâu, thật chậm, nhưng trong một tiếng thở dài, sâu.

Sau đó bạn thở lại bình thường, thư giãn càng nhiều càng tốt, điều đó sẽ giúp bạn làm chủ hoàn toàn cơ co bóp tiếp theo. Và nếu mỗi cơn co bóp bạn lại bắt đầu lại chu kỳ: thở sâu, thở nông, thở hoàn toàn.

Thư giãn tâm trí

Dù ở thời điểm này, bạn rất đau nhưng tập kiên nhẫn thư giãn tâm trí. Cũng như khi ngồi thiền, bạn cố gắng để cho tâm trí mình thật sự trống rỗng, lắng dịu và đừng nghĩ ngợi bất cứ điều gì. Hãy thở chậm và đều, động tác thở ra nhẹ như đang thở dài, không nên thở quá mạnh. Nếu không thể tập được theo cách này, bạn có thể tập trung vào những gì bạn thường cảm thấy thú vị trong cuộc sống và cố gắng đừng đuổi theo bất kỳ ý nghĩ nào đó bất chợt nảy ra.

Copy từ mangthai.vn, 22/4/2011

No comments: