Jun 15, 2011

Hãy cứ để con khóc!




Vì sao ngã không đau, bé yêu vẫn khóc?


Chủ nhật trước, mẹ đưa Bin đến nhà chị bạn chơi. Đang chơi đùa cùng Nam – con chị bạn – Bin bị ngã, khóc ầm lên. Cả nhà cuống quít, xúm lại, lo lắng nhìn vào tay Bin chỉ vết thương: chẳng thấy gì cả. Nam ngơ ngác: “Em ấy chỉ ngã nhẹ thôi, có đau đâu, sao khóc to vậy?”

Khi hai bà mẹ làm bếp, nói chuyện với mẹ Bin, chị bạn hiểu ngay ra sự việc. Thì ra, thấy con nghịch ngợm, hay chạy nhảy, mẹ Bin không ngớt nhắc con: “Coi chừng kẻo ngã con”, làm cho cậu bé đôi khi chưa ngã đã khóc. Bin bị ngã, xây xước một tí, mẹ đã chạy đến ngay, suýt xoa : “Chắc là con đau lắm”. Thế là, Bin… đau thật, oà lên khóc, làm mẹ dỗ dành mãi.


“Thế em biết làm thế nào, con ngã em lo, em thương lắm!”- mẹ Bin phân trần. “Nếu con chỉ bị ngã nhẹ thôi, không có gì nguy hiểm, em cứ để con khóc đi, khóc chán, cháu sẽ tự đứng dậy, tiếp tục chơi. Cần phải để cho con thấy rằng, khóc cũng không bớt đau, và ngã thế cũng..bình thường thôi, lẽ ra…không cần phải khóc”- chị bạn trả lời.
Càng nghĩ, mẹ Bin càng thấy chị bạn nói đúng, dường như Bin hơi tí là khóc, hay nũng nịu là do mẹ lúc nào cũng lo lắng, dỗ dành dù biết bé chẳng bị làm sao cả. Có lẽ, mẹ Bin phải thay đổi thôi, cứ thế này, lớn lên, làm sao Bin tự lập, mạnh mẽ và dũng cảm như bố Dũng của Bin được?! Khóc và chiến lược “ăn vạ”, bé được gì?

“Con muốn ăn kẹo, con muốn búp bê Babie mới, con muốn đi công viên chơi cơ…”. Thường thì, sau những câu “con muốn” mà bố mẹ chưa kịp đáp ứng, bé Mai sẽ lăn đùng ra nhà, ăn vạ, mặt đỏ bừng, kêu khóc, bất kể lúc nào, ở đâu. Mẹ Mai rất bực mình, xấu hổ với khách, bố Mai thấy con gái yêu khóc thì thương quá, thế là cả hai dỗ dành: “con nín khóc đi, mai mẹ sẽ mua búp bê cho con nhé”. Thế là Mai im ngay, lại dễ thương ngoan ngoãn, tíu tít chơi đùa. Cô bé đã đạt được mục đích, với “chiến thuật” khóc và ăn vạ của mình.

Nhiều bố mẹ, rất sợ… con khóc, thấy con khóc là mủi lòng, đáp ứng ngay mọi đòi hỏi của con. Như thế vô tình dạy con rằng, “nếu con thích gì, cứ khóc đi, con sẽ đạt được điều con muốn”. Trẻ con rất nhạy cảm, rất biết “lợi dụng” những điểm yếu của người lớn, chúng sẽ sử dụng những cơn giận, kêu khóc cố ý để đạt được mục đích.
Nếu bố mẹ chiều theo con mọi thứ, kết quả là họ “đào tạo” được những cô bé, cậu bé giỏi khóc, ra lệnh, dẫm chân, ăn vạ, muốn gì được nấy, coi bố mẹ như nô lệ. Những đứa trẻ luôn có được mọi thứ khi con nhỏ, lớn lên sẽ là những người ích kỉ, không biết thích nghi trước những thất bại, khó khăn, không bao giờ hài lòng với những gì mình có, làm sao có thể hạnh phúc? 
Bố mẹ phải làm gì?

Đôi khi, trước những cơn giận dữ, vòi vĩnh, kêu khóc của con, điều bố mẹ nên làm chỉ là: hãy cứ để con khóc đi, không dỗ dành, không đáp ứng điều gì hết. Như thế, cháu sẽ biết rằng, khóc sẽ không được giải quyết được gì cả, con sẽ không có được điều con muốn.
Hãy nói rõ với con rằng bố mẹ sẽ không nói chuyện với con khi con khóc, lúc nào khóc xong hãy vào gặp mẹ. Con của bạn sẽ hiểu rằng, muốn đạt được điều mình muốn, phải nói chuyện rõ ràng với bố mẹ, chứ không phải bằng cách ăn vạ hay kêu khóc.

Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng không phải bố mẹ nào cũng thực hiện được. Một số ông bố bà mẹ yếu đuối, nhìn vào khuôn mặt đẫm nước mắt của con yêu là không thể kìm lòng được, không muốn làm con thất vọng. Họ ngại nói không với con, cảm thấy có lỗi khi phải từ chối con điều gì đó. Họ nghĩ rằng “dù sao con cũng chỉ là trẻ con, chiều con một tí, không sao cả” mà không biết đến những hậu quả sau này, khi con lớn lên.
 Đôi khi, bố mẹ phải học cách từ chối con một cách cương quyết, để con thấy rằng, không phải lúc nào cũng có được mọi điều con muốn, để con biết trân trọng những gì con có. Hãy giúp con biết kiềm chế niềm ham muốn, biết thất vọng để sau này, cháu sẽ là một đứa trẻ nghị lực, tự chủ, vững vàng trước những khó khăn, thất bại trong đời. Lúc đầu, con của bạn sẽ khóc, khóc nhiều, nhưng sau này cháu sẽ được hạnh phúc, sung sướng. Đó chẳng phải là điều bạn mong muốn sao?!  
Hằng Nguyễn

No comments: