Nhiều thai phụ cứ 3 tháng lại ăn một quả trứng ngỗng để con sinh ra được thông minh khoẻ mạnh hơn. Trứng ngỗng to gấp đôi, gấp ba trứng gà, quả thật là khó nuốt, nhưng họ đành phải cố gắng vì đứa con tương lai. Thực hư như thế nào? Xin hãy nghe ý kiến của bác sĩ Vũ Hướng Văn.
Từ trước tới nay, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào khẳng định rằng người có thai ăn trứng ngỗng thì tốt cho thai nhi hơn các trứng khác. Những thai phụ đã ăn trứng ngỗng cũng đừng vội thất vọng vì trứng này chứa một lượng protein cao hơn so với trứng gà, trứng vịt và lượng lipid cao hơn trứng gà. Theo “Bảng thành phần hoá học và giá trị dinh dưỡng thức ăn gia súc Việt Nam” (Nhà xuất bản Nông nghiệp), trứng ngỗng có 13,5% protein, 13,2% lipid, trứng gà chứa 12,5% protein, 11,6% lipid còn trứng vịt chứa 11,8% protein, 3,5% lipid.
Tuy nhiên, trứng ngỗng chứa ít vitamin hơn trứng gà, trứng vịt, nhất là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai. Thực chất, trứng gà mới là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Thành phần các chất dinh dưỡng như protein, lipid, gluxit, các vitamin và khoáng chất trong trứng gà có tỷ lệ phối hợp rất hợp lý, giúp bồi bổ sức khoẻ rất tốt. Trứng gà cũng được y học cổ truyền dùng làm chất bổ dưỡng. Đông y gọi lòng đỏ trứng là “kê tử hoàng”, có vị ngọt tính ấm, có công dụng dưỡng âm, ninh tâm, vỗ tỳ vị, trị mất ngủ do âm hư và nôn mửa do khí nghịch…
Với trứng ngỗng, các thai phụ vẫn có thể ăn được, 3 tháng một quả cũng không sao. Nhưng chỉ nên coi đó là thực phẩm giàu protein, ăn để bồi dưỡng và trong một lúc không nên ăn nhiều vì protein lâu tiêu. Với một quả trứng ngỗng to như vậy nên chia làm 2-3 lần ăn cho đỡ ngán. Tuy nhiên nếu bồi dưỡng bằng trứng gà thì tốt hơn.
Theo Khoa Học & Đời Sống
No comments:
Post a Comment