May 24, 2011

Bình sữa có chất độc hại: nhiều người Việt mù mờ thông tin

Uỷ ban châu Âu cấm sử dụng hoá chất bisphenol-A (BPA) trong các bình nhựa dành cho trẻ em từ năm 2011 vì chất BPA làm cho hệ sinh dục và não của động vật sơ sinh phát triển bất thường. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa biết gì.

Mù thông tin

Tại siêu thị Fivimart, Hà Nội, một dãy bình sữa với hàng loạt nhãn hàng nhưng chỉ có mỗi sản phẩm Nano Silver của Hàn Quốc có nhãn phụ tiếng Việt đề không chứa BPA. Còn lại các sản phẩm khác đều không có nhãn, hoặc có nhãn thì không ghi rõ thành phần của bình sữa, bên ngoài các vỏ hộp dùng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ. Chị Quyên, đang chọn bình sữa cho con nhỏ khi hỏi về chất BPA cho biết, không rõ đó là chất gì!

Bà Phượng, chủ cửa hàng bán đồ trẻ em ở phố Thành Công, Hà Nội cũng cho biết, người mua chỉ chọn bình nhập ngoại, núm vú mềm chứ không ai hỏi về độc hại.

Tại TP.HCM, một quầy hàng nhựa ở trong chợ Bà Chiểu treo rất nhiều bình sữa trẻ em nhãn hiệu Trung Quốc, có loại chỉ có 10.000 đồng/bình. Tất cả đều không có thông tin, cảnh báo gì.

Dạo quanh các cửa hàng bán đồ trẻ sơ sinh, cửa hàng bán đồ cho mẹ và bé, bình sữa nhựa hỏi đâu cũng có, rất hiếm bình sữa làm từ thuỷ tinh. Điều đặc biệt, các bình sữa không ghi kiểm định chất lượng đạt chuẩn hay không. Các hãng sản xuất chỉ lưu ý: rửa sạch và đun sôi núm vú – bình sữa trong vòng ba đến năm phút trước khi sử dụng. Trong khi chính những lưu ý này lại gây phản tác dụng, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.

Việt Nam chưa có quy định tiêu chuẩn an toàn

Theo TS Nguyễn Quang Khuyến, giảng viên khoa khoa học ứng dụng, trường đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM, nếu bình sữa được sản xuất từ poly-carbonat, trong đó sẽ có một phần chất BPA. Trong quá trình sản xuất, chất này rất khó phản ứng hết, nên BPA vẫn còn một lượng nhỏ trong sản phẩm. Khi pha sữa nóng, luộc bình hoặc mang ra phơi nắng, chất BPA sẽ tách ly ra bề mặt và có thể hoà lẫn với sữa cho trẻ uống. Theo ông Khuyến, BPA là chất độc gây vô sinh và bệnh ung thư. Chỉ cần một lượng nhỏ vào cơ thể người thì chất này không tự đào thải được.

Còn theo ThS Mai Văn Tiến, phó phòng Polymer, viện Hoá công nghiệp, BPA là nguyên liệu bột – thành phần để tổng hợp nên các loại nhựa chủ yếu ứng dụng trong công nghiệp. Nếu là nhựa nguyên chất thì nó không độc nhưng khi tổng hợp với một số chất khác, sinh ra chất mới thì có thể gây độc. BPA là chất bột hoặc tinh thể màu trắng, nhiệt độ nóng chảy từ 158oC, áp suất bốc hơi 0,2mmHg (ở 170oC). BPA có chức năng làm cho nhựa trong và cứng hơn. Hiện tại Việt Nam chưa có khuyến cáo về chất này trong các sản phẩm. Nhiều khả năng, BPA có mặt trong nhiều loại đồ chơi trẻ em và đồ gia dụng bằng nhựa như bát, dĩa, cốc, cặp lồng, hộp, chai, lọ, thùng đựng…

“Việt Nam cũng chưa có quy định nào về tiêu chuẩn an toàn của chất BPA. Bộ Y tế chỉ kiểm duyệt mức độ thôi nhiễm của hoá chất, trong đó có BPA từ bao bì bằng chất dẻo ra thực phẩm, chứ không quản lý về chất lượng của bao bì. Người tiêu dùng cũng không nên quá hoang mang. Khi sử dụng đồ có thể lựa chọn sản phẩm có ghi chú đầy đủ. Nên chọn sử dụng loại nhựa polypropylene (PP). Bình sữa được làm từ nhựa polypropylene sẽ có chữ PP hoặc biểu tượng ở dưới đáy bình”, ThS Tiến khuyên.

Các nhà khoa học khuyến cáo, cha mẹ nên dùng đồ thuỷ tinh, sành sứ để đựng đồ ăn, cũng như bình sữa cho con uống.

Theo Hoàng Nhung – Lệ Hà
Sài Gòn tiếp thị

Khuyến cáo ngừng sử dụng bình sữa nhựa trong



Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng vừa có khuyến cáo ngừng sử dụng bình sữa sản xuất từ nhựa trong (PC- polycarbonat).

Trường hợp phải sử dụng, không nên dùng nước nóng trên 60 độ để pha sữa trong bình, không đun cách thủy bình sữa hoặc cho vào lò vi sóng.

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, từ 1/6 tới, Liên minh Châu Âu sẽ cấm nhập khẩu, lưu thông, sử dụng bình sữa làm từ nhựa trong do lo ngại thôi nhiễm chất Bisphenol A (BPA- chất có thể gây đột biến gen ở trẻ em).

Tại Việt Nam, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết đã rà soát sản phẩm bình sữa trên thị trường và hiện chưa phát hiện được sản phẩm có hàm lượng BPA cao quá mức cho phép.

Theo Sức khỏe & An toàn thực phẩm

No comments: