May 25, 2011

Kỹ thuật nấu cơm (4 bài)

Bài 1. Cách thổi cơm tẻ và cơm nếp



Một bữa cơm có ngon hay không phần quyết định là cơm có ngon hay không. Bài này sẽ giới thiệu kỹ thuật nấu cơm ngon.

1. Thổi cơm tẻ bằng bếp củi

Gạo vo trước độ 15 phút. Cho nước vừa đủ vào nồi đun cho sôi. Gạo mùa vừa nắng cho nước ngập 2 đốt ngón tay là vừa. Từ lúc cho gạo đến lúc cơm sôi giữ lửa to, cơm sôi già thì rút lửa để tránh khê, gạt hết than hồng ra xung quanh. Cơm đã cạn cần ủ hơi cho kín.

Nước sôi đều mới cho gạo vào, dùng tay hay đĩa nhỏ xúc gạo rải đều xuống nồi cơm, trong khi đó nước vẫn phải sôi già. Đậy vung cho hạt gạo đảo lộn đều trong nồi cơm, không cần ghế mà cơm vẫn chín dẻo. Khi sôi hết sức tránh gạn nước và đổ thêm nước, sau khi cho gạo không dùng đũa cái để ghế.

2. Thổi cơm tẻ bằng nồi cơm điện

Cho gạo vào nồi, vo gạo trước 15 phút để sau này cơm chín dẻo. Nếu không vo trước cơm sẽ cứng. Đổ nước sôi vào nồi ngập khoảng 2 đốt ngón tay. Dùng thìa nhựa đảo đều để gạo khỏi sát nồi. Bật nồi cơm điện ở nút đun, khi sôi và cạn nước nồi cơm tự động chuyển sang nấc ủ, sau 15 phút là cơm chín bạn không phải can thiệp gì cả. Nhiều người vo gạo và cho nước lạnh vào ngay để đun cơm, làm như vậy cơm dễ bị cứng và mất vitamin B1 ở gạo, cơm không săn hạt.

3. Cách thổi cơm nếp

Tương tự như cơn tẻ, chỉ cho nước ngập sâm sấp gạo. Khi cơm sôi, hạt gạo bên ngoài quánh, bên trong còn sượng mà cạn nước là vừa. Đặc điểm gạo nếp là nhiều nhựa, quánh, không hút nước và chín bằng hơi. Không ghế, không đánh cơm. Một kg gạo cho 1 nhúm muối nhỏ cho
gạo khỏi hôi, xóc gạo khi đãi.

4. Ghế cơm nguội

Bóp tơi cơm nguội, khi nồi cơm đã cạn nước đổ cơm nguội lên trên, san đều đậy vung lại, đợi cơm bốc hơi đều mới ghế lẫn lộn. Nếu thổi nồi nhỏ thì khi đãi gạo xong bóp ngay cơm nguội vào gạo xóc đều rồi thổi như thường. Tỷ lệ cao nhất: 3 phần cơm nguội, 10 phần cơm nóng.

5. Lấy một suất cơm nát trong nồi cơm

Tình huống dùng: cần 1 xuất cơm nát cho trẻ nhỏ hay người già trong gia đình.

Cách 1. Cơm sôi gần cạn, gạn lấy 1 ít nước cơm ra bát đậy vung đặt cạnh bếp cho nóng, khi cơm cạn sắp chín, lấy nước cơm đó tưới vào một góc nồi hay chảo cơm, ghế kỹ đậy vung lại.

Cách 2. Thổi nồi nhỏ thì khi cơm gần cạn, vẫn nghiêng nồi cơm về 1 phía, ghế kỹ chỗ đó cho nhão.

6. Nấu cơm nếp trong nồi cơm tẻ

Tình huống dùng: cần 1 xuất cơm nếp cho trẻ nhỏ, hay người đau dạ dày, hay người già.

Cách 1. Gạo nếp ngâm, vớt ra rá dội nước cho sạch, rắc muối xóc đều. Cơm tẻ cạn thì khoét 1 lỗ con đổ gạo nếp vào đó. Nếu có rá con hay bát nhôm con đựng gạo nếp đặt vào đó cũng được. Cơm tẻ chín thì cơm nếp cũng chín, ngon như thổi xôi vậy.

Cách 2. Nếu gạo nếp chưa ngâm thì đãi gạo xóc muối, rồi cho gạo vào rá con, bát nhôm hay ca men nhôm, khi cơm tẻ trong chảo đã sôi, đặt rá gạo nếp vào góc nồi, nếu đựng ra bát thì múc nước ở nồi cơm đổ vào (sao vừa đủ gạo nếp hút), cứ thế thổi song song 2 thứ cơm trong 1 nồi.

7. Thổi cơm khoai lang

Tình huống thổi cơm khoai lang, cơm sắn hay cơm ngô: nông dân gặp năm mất mùa, mua gạo theo tem phiếu kèm với độn hoa màu, người giàu nhưng đã chán các món ăn bổ dưỡng.

Khoai lang không hút nước và chín bằng hơi, không cần cho nhiều nước, cơm cạn cần giữ hơi nóng trong bếp lâu một chút cho khoai chín nục.

Khoai lang tươi cạo qua vỏ, rửa sạch, nếu củ to thì sắt từng khúc nhỏ. Nước sôi thì cho gạo vào, thăm vừa nước mới cho khoai vào sau. Thổi như thổi cơm thường.

Nếu là khoai lang đã thái nhỏ phơi khô thì trước khi thổi cần ngâm độ 1 giờ rồi rửa sạch. Khi cơm trong nồi sắp cạn thì cho khoai vào đậy vung cho bốc hơi đều rồi ghế lẫn.

8. Thổi cơm sắn

Cũng giống khoai, trước khi thổi cần bóc hết lớp bì ngoài của củ sắn, cắt khúc và ngâm nước vài giờ cho ra hết nhựa đắng.

Nếu là sắn khô thái nhỏ thì cũng ngâm vài giờ, rửa sạch, khi cơm trong nồi sôi đều thì cho sắn vào ghế lẫn.

9. Thổi cơm ngô

Ngô cả hạt. Ngô hột già cho vào ninh với nước sôi (1 kg ngô cho 1 bát nước vôi đặc hòa với nước lã cho ngập ngô), đun cho đến lúc hạt ngô hơi nứt, lấy tay bóc được vỏ hạt ngô thì thôi, ninh khoảng 3 giờ.

Đổ ngô ra rá, dùng trôn đĩa xát ngô cho thật hết mày, vỏ, đãi sạch, dội nước xóc kỹ cho hết mùi vôi. Đổ ngô vào nồi cho ngập nước, ninh cho hạt ngô nhừ mền, rồi đãi gạo cho vào thổi lẫn với ngô như thổi cơm thường. Chỉ cần đổ nước vừa đủ gạo hút thôi.

Ngô đãi có thể cho nước vào hầm vùi bằng trấu hay mạt cưa cả đêm, thường bung lẫn với đậu xanh hay đậu đen

Ngô đã xay (sọ ngô nhỏ gần bằng hạt gạo): đem trộn ngô lẫn với gạo thổi như cơm thường. Cơm cạn cần giữ nóng trong bếp lâu một chút cho cơm chín nục.

10. Nấu mỳ sợi làm từ bột mỳ theo kiểu cơm tẻ

Người Việt Nam ở nước ngoài thường rất khó mua gạo (hoặc do giá cả đắt) nên hay dùng mỳ sợi làm từ bột mỳ để nấu theo kiểu cơm. Mỳ sợi này thường có kích cỡ như mỳ tôm ở trong nước.

Đầu tiên cho nước vào nồi đun sôi, cho mỳ vào nồi đun tiếp cho sôi một lát cho đến khi cạn nước. Sau khi sôi lại khoảng 3 - 5 phút mà còn nhiều nước thì phải chắt hết nước, nên cho vừa đủ nước để khỏi phải chắt nước làm mỳ kém ngon. Vặn nhỏ lửa khoảng 15 phút như nấu cơm là được.

Hương Cỏ May, 11/5/2011

Bài 2. Mẹo nấu cơm ngon



Cơm là thực phẩm không thể thiếu trong bữa cơm gia đình của người Việt. Tuy nhiên, thời buổi hiện đại, không phải cô nàng nào cũng biết nấu một bữa cơm hoàn chỉnh. Độc giả Thanh Bình sẽ hướng dẫn các bạn gái cách nấu cơm, mẹo hấp cơm và chữa cơm nát.

1. Nấu cơm

- Tùy theo loại gạo gì, cũ hay mới, bạn sẽ cho nước nhiều hay ít. Gạo cũ thường "ưa" nước hơn.

- Khi nấu cơm, thông thường theo tỷ lệ 1:1, nghĩa là một phần gạo, một phần nước.

- Ngoài ra, bạn có thể đo mức nước bằng ngón tay trỏ. Mức nước vượt quá mặt gạo khoảng hai đốt ngón tay là vừa. Chú ý giữ ngón tay thẳng đứng và nồi cơm không nghiêng ngả.

2. Hấp cơm nguội

- Cần bóp vụn cơm nguội rồi vớt nước vẩy lên trên cho mềm. Khi cơm nấu bắt đầu cạn, rải cơm nguội ở phía trên. Hơi nóng phía dưới sẽ làm mềm phần cơm hấp. Tuy nhiên, phần cơm nguội để hấp phải ít hơn phần gạo nấu.

- Nếu phần cơm nguội quá nhiều, bạn có thể đổ cơm vào một chiếc chõ và hấp. Khi hấp, nhớ đảo để cơm nóng và mềm đều.

3. Chữa cơm bị nát

Khi nấu cơm bị nát, bạn nên mở nắp nhiều lần cho bay bớt hơi nước ở nắp đi. Cơm chín, xới ra đĩa rộng để chóng khô cơm.

Theo ngoisao

Bài 3. Cách nấu cơm ngon


GiadinhNet - Gia đình tôi nấu cơm bằng nồi điện, xin hỏi nấu bằng nước lạnh hay nước sôi cơm sẽ ngon hơn?
Thu Hiền (Hà Đông - Hà Nội)

Cho dù bạn nấu cơm bằng nồi gang đun củi hay nồi cơm điện đều nên nấu bằng nước sôi. Lúc này hạt cơm sẽ dẻo hơn, các chất dinh dưỡng ít bị mất hơn. Vì khi nấu bằng nước sôi, lớp ngoài của hạt gạo co lại, tạo lớp màng bảo vệ hạt gạo không bị nứt, vỡ. Nấu cơm bằng nước lạnh, hạt gạo sẽ trương nở ra, các chất dinh dưỡng cũng theo đó mà tan ra trong nước.

Nếu ở nông thôn, khi xay xát gạo lưu ý không nên xát quá trắng sẽ làm mất nhiều chất dinh dưỡng quý. Khi vo gạo không nên xát mạnh tay mà chỉ nên khuấy nhẹ tay, gạn nước nhằm loại trừ trấu, sạn.

Nếu nấu cơm bằng lửa, khi cơm sôi, nên cho nhỏ lửa, đậy vung để giữ nhiệt, tránh tiếp xúc với không khí - yếu tố phá huỷ thêm các vitamin trong gạo. Với cách làm như vậy, lượng vitamin B1 được giữ lại sẽ nhiều hơn đến 30% so với cách nấu bằng nước lạnh.

Chuyên gia tư vấn Kim Mai

Bài 4. Cách nấu cơm không làm mất vitamin B1


(Bep Eva) - Cứ 100 gr gạo tẻ giã có 0,12 mg vitamin B1, bằng 1/10 nhu cầu trong ngày của một người trưởng thành.

Thiếu hụt vitamin B1 có thể xảy ra khi chế độ ăn nghèo nàn, đơn điệu, ít thức ăn động vật (thịt, cá, trứng...), do một số bất thường của hệ tiêu hóa, uống nhiều rượu… Thiếu vitamin B1 sẽ gây ra hiện tượng ăn không ngon, buồn nôn, tê bì ở ngoài da, giảm trương lực cơ, giảm sút trí nhớ. Nếu thiếu nặng có thể dẫn tới phù ở chân, teo cơ, rối loạn tinh thần, hôn mê, suy tim và tử vong.

Trẻ đang trong thời kỳ bú sữa mẹ có thể bị tử vong đột ngột do suy tim nếu người mẹ bị thiếu vitamin B1. Nhu cầu vitamin B1 được tính theo năng lượng ăn vào. Một người trưởng thành mỗi ngày cần khoảng 1 - 1,2 mg vitamin B1. Các loại thực phẩm giàu vitamin B1 như: các loại ngũ cốc, thịt, đậu hạt, cá, trứng …

Để khẩu phần ăn có đủ vitamin B1, cần chú ý không nên xay xát gạo quá kỹ vì các vitamin nhóm B có nhiều ở lớp vỏ ngoài ngay sát hạt gạo. Cứ 100 gr gạo tẻ giã có 0,12 mg vitamin B1; 100 gr gạo tẻ máy vừa phải có 0,1 mg vitamin B.

Không nên vo gạo quá kỹ trước khi nấu cơm làm mất lớp cám gạo chứa nhiều vitamin B1. Khi nấu cơm chỉ cho nước vừa đủ, không cho nhiều để phải chắt bỏ nước cơm làm mất vitamin B1(có thể mất tới 60%).

Nên đun nước sôi mới cho gạo vào nấu, không cho gạo vào khi nước còn nguội vì khi gặp nước sôi nóng đột ngột, lớp vỏ ngoài hạt gạo chín mau tạo thành một lớp keo giữ vitamin B1 không bị hòa tan ra nước và bị phân hủy.

Theo Tapchiamthuc

No comments: