Thời cổ đại, con người không bị bệnh ung thư. Đây là kết luận của các nhà khoa học Anh, đi sâu vào quá khứ hàng nghìn năm để nghiên cứu các nguyên nhân gây nên bệnh ung thư. Theo họ, ung thư là một sản phẩm của văn minh. Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói nước Nga ", giáo sư David Zaridze từ Trung tâm nghiên cứu ung thư Viện hàn lâm y học Nga đã chia sẻ nhận xét về giả thuyết của nhà khoa học Anh.
Ung thư là một trong những căn bệnh phổ biến nhất trên hành tinh, đứng thứ hai sau các bệnh tim mạch. Theo Tổ chức Y tế và sức khỏe thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 6 triệu người chết vì ung thư và gần 10 triệu trường hợp mới được các bác sĩ phát hiện. Không có gì đáng ngạc nhiên, khi các bác sĩ và nhà nghiên cứu khoa học đang tìm mọi cách để đánh bại căn bệnh có nguyên nhân đến nay vẫn chưa được hiểu rõ. Đôi khi, phải đi sâu vào quá khứ để cố gắng trả lời tất cả các câu hỏi mà giới chuyên viên đặt ra. Đó cũng là công việc của các nhà khoa học Anh, nghiên cứu gần một nghìn xác ướp cổ Ai Cập và Nam Mỹ. Họ nhận thấy, trong số tất cả các loại bệnh tác động tới con người cách đây 3000 năm, hãn hữu gặp được vài trường hợp có khả năng thuộc về bệnh ung thư.
Tuy nhiên, cũng có giả thuyết đơn giản là người cổ đại đã không sống tới bệnh ung thư, bởi căn bệnh này có đặc tính tuổi tác. Giáo sư David Zaridze nói: "Người cổ đại chết vì bị thú ăn thịt, chém giết nhau trong chiến tranh. Có thể, họ chết vì một số bệnh truyền nhiễm mà ngày nay chúng ta không biết đến. Nhưng người cổ đại thường qua đời trước khi ung thư kịp phát triển. Ung thư là căn bệnh của tuổi già và trung niên. Ngay cả vào đầu thế kỷ XX, tuổi thọ trung bình trên thế giới mới chỉ ở mức 40-45 tuổi, còn hiện nay tuổi thọ trung bình ở các nước phát triển là 80-85".
Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa Nga nhận xét, có những cơ sở thực tế cho giả thuyết của các nhà khoa học Anh, cho rằng vào thời thượng cổ trong môi trường không tồn tại yếu tố gây nên căn bệnh hiểm nghèo. Chỉ cần tham khảo các thống kê liên quan cũng đủ thấy rằng, ngay cả vào đầu thế kỷ XX, rất hiếm gặp trường hợp các khối u ác tính. Theo ông David Zaridze, những nguyên nhân gây bệnh chỉ xuất hiện cùng với sự phát triển của tiến bộ công nghệ, do ảnh hưởng của các yếu tố nền văn minh: "Trước hết, đi liền hoạt động công nghiệp hóa là những biểu hiện ô nhiễm môi trường. Đó không chỉ là không khí mà chúng ta hít thở. Mà trước hết là sự ô nhiễm môi trường làm việc: những hầm mỏ, nhà máy luyện thép, nếu muốn có thể để tiến hành các nghiên cứu bằng rơ gen. Tiếp đến, vài giai đoạn Thế chiến thứ nhất, thuốc lá đã được đưa vào sản xuất công nghiệp. Trước đó, người ta dùng tẩu hút thuốc hoặc xì gà, vốn có không thể có mật độ sử dụng thường xuyên như thuốc lá. Cùng với sự ra đời của thuốc điếu, công cụ mở rộng khả năng tiêu thụ thuốc lá, đã tăng nhanh tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư phổi và các loại ung thư khác liên quan đến hút thuốc lá".
Trong cơ thể con người liên tục diễn ra các sự đột biến của gen. Thông thường, theo bác sĩ chuyên khoa Nga, những đột biến này, được bù đắp, có nghĩa được cơ thể loại bỏ. Nếu điều này không diễn ra, sẽ xuất hiện ung thư. Những yếu tố bên ngoài đang làm tăng mạnh nguy cơ nảy sinh đột biến không thể loại bỏ. Dưới thời cổ đại, hầu như không có những mối nguy hiểm như vậy, và do đó không quan sát thấy sự lan tràn ồ ạt của bệnh ung thư. Kết luận của các nhà nghiên cứu Anh không có ý kêu gọi chúng ta trở về hang động, nhưng nói lên sự cần thiết giảm thiểu tác động có hại của môi trường đối với con người.
Nguồn: http://vietnamese.ruvr.ru/2010/10/25/28124918.html
No comments:
Post a Comment