(VOV) - Tuổi thọ trung bình có thể kéo dài thêm 22 tháng đối với những người trong độ tuổi từ 30 trở lên sống ở nơi không bị ô nhiễm
Các chuyên gia và nhà khoa học châu Âu, dưới sự điều phối của Viện Theo dõi Y tế quốc gia Pháp, sau 3 năm nghiên cứu đã đưa ra những con số tổng kết đáng báo động về tình hình ô nhiễm không khí và ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe con người.
Với những kết quả có được, các chuyên gia nhấn mạnh, sự ô nhiễm không khí do giao thông tại các thành phố lớn ở châu Âu đã và đang tác động trực tiếp đến cuộc sống và tuổi thọ người dân.
Tại Pháp, tuổi thọ trung bình tại 9 thành phố lớn của nước này mỗi năm có khoảng 3.000 trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí. Marseilles (ở phía Nam nước Pháp) là thành phố bị ô nhiễm nặng nhất, tiếp đến là các thành phố Lille, Paris, Strasbourg…
Trong số 25 thành phố được nghiên cứu trong 3 năm qua, chỉ có thủ đô của Thụy Điển là Stockholm có mức ô nhiễm thấp nhất, dưới mức quy định chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bucarest (Rumani) và Budapest (Hungary) là hai thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất tại châu Âu.
Qua nghiên cứu, các chuyên gia cho biết, những người sống ở gần sát những trục giao thông chính cũng bị gia tăng nguy cơ mắc các bệnh kinh niên. Tại 10 thành phố châu Âu, 15% trường hợp trẻ em bị hen xuyễn là do ảnh hưởng của giao thông đô thị. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, từ những năm 90 đến nay, do quy định chặt chẽ hơn, lượng dioxyt lưu huỳnh (SO2) đã giảm gần 66% trong không khí. Điều này cũng giúp ngăn ngừa được hàng nghìn trường hợp bị chết sớm ở các thành phố lớn.
Theo các nhà khoa học, tại những thành phố lớn mà không khí có mức độ ô nhiễm dưới mức quy chuẩn của WHO, tuổi thọ trung bình có thể kéo dài thêm 22 tháng đối với những người trong độ tuổi từ 30 trở lên. Đặc biệt, nếu ô nhiễm không khí vượt quá mức quy định thường gây nhiều tốn kém, trong đó có chi phí chữa trị bệnh tật.
Theo Quy chuẩn của WHO, không khí bị ô nhiễm khi có mật độ phân tử siêu mịn vượt qua ngưỡng 10 microgramme/1m3 trung bình cả năm. Phân tử siêu mịn có đường kính dưới 2,5micron.
Phân tử siêu mịn có thể xâm nhập sâu vào phổi, qua các đường hô hấp. Phân tử siêu mịn được tạo ra trong quá trình đốt nhiên liệu. Tại những thành phố lớn, khói xe hơi, đặc biệt là xe chạy diesel, tạo ra 1/3 tổng lượng phân tử siêu mịn./.
Văn Anh (từ Paris)
No comments:
Post a Comment