May 25, 2011

Dưa, cà muối (3 bài)

Bài 1. Bí quyết muối các loại dưa, cà ngon


Mâm cơm nhà tôi lúc nào cũng có dưa hoặc cà. Xin chia sẻ với bạn cách làm của tôi.

Cách muối cà pháo:

Nguyên liệu gồm: Một kg cà pháo, 3 thìa cà phê muối, một thìa cà phê đường, 2 tép tỏi, một miếng giềng, 1,5 lít nước sôi để nguội.

Cách làm: Cà pháo cắt núm, nếu phơi nắng 2 giờ thì khi ăn cà sẽ giòn hơn, sau đó rửa sạch cho vào vại. Hoà tan nước, muối, đường rồi cho vào ngập cà. Tỏi bóc vỏ đập giập, giềng thái lát cho vào vại, đặt một vỉ tre hoặc vỉ nhựa lên trên, đặt một hòn đá nặng để nén cà cho giòn. Nếu trời mùa hè thì chỉ cần 2 ngày sau là cà ăn được. Nếu bạn ăn được cà xanh thì muối buổi sáng, buổi chiều ăn được. Khi ăn bổ đôi quả cà chấm với mắm tôm.

Cách muối dưa bắp cải:

Nguyên liệu: 1/2 cái bắp cải, một mớ rau cần, một củ cà rốt, rau răm, hành lá, 3 thìa cà phê muối, một thìa cà phê đường, một lít nước ấm khoảng 30 độ. Cách làm: Bắp cải thái nhỏ, rau cần bỏ lá chỉ lấy thân rửa sạch, cắt khúc 4 cm, cà rốt thái sợi chỉ, rau răm thái sợi, hành lá cắt khúc. Cho hỗn hợp rau vào vại hoặc âu thuỷ tinh. Hoà tan nước, muối, đường rồi cho vào vại. Đặt một chiếc đĩa nén nhẹ để dưa ngập nước. Nếu là mùa hè thì một ngày là ăn được. Bạn nên muối nhạt để khi ăn chấm với nước mắm tỏi ớt sẽ rất ngon mà không bị mặn.

Cách muối dưa cải củ

Nguyên liệu: Một kg dưa cải củ, hành lá, 3 thìa cà phê muối, một thìa cà phê đường, 1,5 lít nước ấm 30 độ.

Cách làm: Dưa cải rửa sạch rồi cắt khúc 4cm, củ cải gọt vỏ thái mỏng theo chiều dài củ, để ráo nước, hành lá cắt khúc. Cho dưa vào vại hoặc âu thuỷ tinh. Hoà tan nước muối đường rồi đổ vào vại dưa. Đặt một chiếc đĩa lên trên nén nhẹ để ngập dưa. Nếu là mùa hè thì một ngày sau ăn được.

Cách muối dưa cải bẹ

Nguyên liệu: Một kg dưa, hành lá, 4 thìa cà phê muối, 2 thìa cà phê đường, 2 lít nước ấm 30 độ. Dưa cải để nguyên cả bẹ rửa sạch rồi để ráo nước, cắt ngắn khoảng 3 cm, hành lá cắt khúc. Cho dưa vào vại rồi đổ nước muối đường đã hoà tan lên trên. Đặt một chiếc đĩa nén nhẹ cho ngập dưa. Nếu là mùa hè thì 2 ngày sau ăn được. Bạn có thể bỏ bớt lá, dưa sẽ vàng đẹp và ăn rất giòn. Nếu bạn muốn để lâu thì khi dưa đã chín vàng, bạn nên cho vào âu hoặc hộp nhựa đậy kín nắp rồi để trong tủ lạnh dưa sẽ không bị quá chua.

Lưu ý: Đối với các loại dưa, khi muối lần 2 bạn lấy một bát nước dưa trong để hoà nước muối sẽ nhanh ăn hơn. Khi rửa dưa, bạn nên nhẹ tay tránh để dưa bị dập nát thì muối dưa sẽ dễ bị khú, ủng và ăn không giòn.

Chúc bạn sẽ muối được vại dưa cà thật ngon để chiều lòng ông xã.

(Vũ Anh)
Theo http://vnexpress.net/comment/2010/01/3b9e26b9/

Bài 2. Cà pháo dầm tương - món ngon dân dã



Mùa hè có bát cà pháo dầm tương ăn với canh khoai sọ, canh cua hay đơn giản là nước luộc rau muống vắt chanh thì thật không còn gì bằng.

Nguyên liệu:

- 1 bát cà pháo đã muối chín
- 1 bát con Tương bần
- Ớt
- Vài tép tỏi
- Đường, mì chính, dầu ăn
- ½ quả chanh

Cách làm:

Thường thì để cà pháo giòn và để được lâu người muối cà sẽ muối rất mặn, nên trước khi dầm tương mình thường vắt nửa quả chanh vào để cho cà được ngấm chua.

Cắt quả cà ra làm 2 để dễ ngấm tương.

Cách dầm tương:

Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm tỏi
Cho tương vào khuấy đều
Nêm tiếp đường, mì chính, ớt cay
Đợi nguội, trộn hỗn hợp tương vào cà
Bọc kín, để trong tủ lạnh khoảng 30 phút cho ngấm tương là ăn được

Mùa hè có bát cà pháo dầm tương ăn với canh khoai sọ, canh cua hay đơn giản là nước luộc rau muống vắt chanh thì thật không còn gì bằng.

Theo afamily.vn

Bài 3. Dưa, cà muối


Theo các chuyên gia dinh dưỡng; dưa, cà muối có tác dụng kích thích tiêu hoá và bổ sung các vi sinh vật (VSV) có lợi cho hệ thống tiêu hoá của con người như lactobacilli, acidophilus và plantarum.

Ngon nhất dưa cà muối vừa độ

Các vi sinh này sẽ tạo ra các enzym chuyển hoá đường và tinh bột trong rau dưa thành axít lactic tạo vị chua cũng như tạo các enzym phân huỷ một phần các protein trong thực phẩm, giúp cho cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn. Chính vì vậy khi ăn thực phẩm đặc biệt là các sản phẩm giàu đạm thì ngoài việc tạo cảm giác ngon miệng, dưa muối còn có tác dụng kích thích tiêu hóa.

Đường ruột có hàng triệu VSV bao gồm cả VSV có hại và có lợi cùng tồn tại cân bằng. Các VSV có lợi sẽ hoạt động và tạo ra các chất kháng thể giúp cơ thể thiết lập hệ thống miễn dịch đối với các VSV gây bệnh. Ngoài ra một số nghiên cứu còn cho thấy các VSV có lợi còn sản xuất ra một số vitamin cho cơ thể.

Tuy nhiên các VSV có lợi trong đường ruột có thể bị tiêu diệt do uống quá nhiều rượi bia hay có các thói quen xấu trong ăn uống khác. Vì vậy khi ăn dưa, cà muối, cơ thể sẽ được bổ sung thêm các VSV có lợi và hệ thống miễn dịch của cơ thể được tăng cường.

Ngoài ra, dưa, cà muối được làm từ nguyên liệu tươi, không qua nhiệt, giữ được nhiều các vitamin trong rau quả, giúp cơ thể hấp thụ được vitamin từ loại thực phẩm này.

Bên cạnh đó, dưa cà muối còn cung cấp một lượng xơ lớn cho cơ thể, giúp cơ thể tiêu hoá tốt và hạn chế một số bệnh do thiếu xơ gây ra (trong thói quen ăn uống thời hiện đại, khẩu phần ăn nhiều khi không cung cấp đủ lượng xơ cần thiết cho cơ thể, do vậy dẫn đến một số bệnh như trĩ, táo bón….thậm chí là ung thư ruột kết).

Coi chừng dưa cà, muối xổi

Bên cạnh những lợi ích mà dưa, cà muối mang lại cho cơ thể con người thì nó cũng có những hạn chế ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ con người.

Theo kết quả nghiên cứu, trong rau nguyên liệu, hàm lượng nitrit rất nhỏ, nhưng khi rau được muối chua thì hàm lượng nitrit sẽ tăng cao trong một vài ngày đầu do VSV chuyển hoá nitrat trong rau thành nitrit. Khi đưa sản phẩm dưa, cà muối vào cơ thể, axít trong dạ dầy sẽ tạo điều kiện cho nitrit tác động với các amin từ các thực phẩm khác như cá, thịt…để tạo thành hợp chất Nitrosamine. Hợp chất này có khả năng gây ung thư trên động vật thí nghiệm. Tuy nhiên, hàm lượng nitrit sẽ giảm dần và mất hẳn khi dưa đã được muối chua vàng và tăng cao trở lại khi dưa bị khú.

Như vậy, những người thích ăn dưa, cà muối xổi (chưa hoàn toàn chua vàng) đã vô tình đẩy mình đến khả năng mắc bệnh ung thư.

Để hạn chế quá trình hình thành Nitrosamine trong cơ thể làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, chuyên gia sức khỏe nên tránh ăn dưa, cà muối khi còn cay hay ăn dưa đã bị khú.

Nhiều tài liệu khoa học cũng chứng minh; dưa, cà muối cũng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người tiêu dùng nếu nguyên liệu chế biến có chứa nhiều dư lượng thuốc trừ sâu, nitrate hay các kim loại nặng; hoặc nguyên liệu không được chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như nguồn nước dùng để muối không sạch hay sử dụng hoá chất để bảo quản sản phẩm được muối rồi nhiều lần. Do vậy, để hạn chế nhược điểm này, chúng ta nên tự làm dưa cho gia đình của mình với nguồn nguyên liệu sạch để đảm bảo VSATTP.

Các bà nội trợ cũng cần lưu ý, nếu mua dưa,cà muối bán sẵn cũng cần chọn mua cửa hàng đảm bảo VSATTP và dựa vào ngoại hình của sản phẩm. Dưa ngon thường có màu vàng, chua, giòn và có mùi thơm của dưa. Tránh mua dưa có màu xỉn hay dưa có mùi lạ

No comments: