Việc bảo vệ sức khoẻ cho người lao động trí óc hiện là một vấn đề lớn, được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu và đã có những kết luận rõ ràng.
Trong thời đại chúng ta đang sống, con người phải vận dụng thần kinh nhiều nhất từ trước đến nay. Sống trong thời đại văn minh, cơ giới hiện nay, con người vận dụng trí não nhiều hơn thể lực, hệ thần kinh dễ bị căng thẳng, mệt mỏi, nhất là đối với các nhà nghiên cứu khoa học và sáng tác nghệ thuật, làm báo v.v... công việc nhiều khi đòi hỏi sự tập trung cao độ...
Lao động trí óc thường liên quan đến những công việc kéo dài nhiều giờ trong buồng kín và tư thế ngồi. Sự làm việc căng thẳng của hệ thần kinh làm tăng trương lực của mạch máu não. Vì vậy, nếu không có những biện pháp lao động hợp lí, thì lâu dài sẽ dẫn tới những rối loạn bệnh lí của hệ thần kinh.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, bệnh cao huyết áp và các bệnh tim mạch thường hay xảy ra đối với những người lao động trí óc và rất ít thấy ở những người lao động chủ yếu bằng chân tay. Nhiều nhà khoa học đã xác định rằng, các bệnh như xơ cứng động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim có liên quan mật thiết đến những rối loạn trong việc điều chỉnh thần kinh về hoạt động của trái tim và các mạch máu. Cũng vì vậy, bệnh cao huyết áp phát triển nhiều ở những người lao động trí óc, làm việc căng thẳng thần kinh và ít chịu vận động các cơ bắp.
Để bảo vệ sức khoẻ, người lao động trí óc cần bố trí giờ giấc làm việc và nghỉ ngơi hợp lí. Các nhà bác học lỗi lạc, đặc biệt là Páp-lôp và Cuốc-sa-tốp nổi tiếng là những người làm việc rất khoa học. Họ thực hiện kế hoạch hằng ngày chính xác như một chiếc đồng hồ. Những công việc căng thẳng và phức tạp nhất nên dành cho buổi sáng. Phòng làm việc cần thoáng gió, sạch sẽ, đủ ánh sáng và yên tĩnh.
Đặc biệt của lao động trí óc là khi hết giờ làm việc con người vẫn không hoàn toàn trút bỏ được những suy nghĩ liên quan đến công việc. Điều này thường gây nên sự căng thẳng thần kinh. Vì vậy, khi hết ngày làm việc nên lao động chân tay vừa sức, hoặc đi bách bộ và chơi thể thao. Chúng ta đều thấy An-be Anh-xtanh là vận động viên đua thuyền buồm, còn Giô-li-ô Qua là tay vợt xuất sắc. Hiện nay, người ta đã xác nhận cách sống ít vận động sẽ dẫn tới nhiều loại bệnh tật, trước hết là các bệnh tim mạch. Nếu chỉ tính những người trên 40 tuổi, thì bệnh tăng huyết áp và xơ cứng động mạch ở những người có lối sống ít vận động xảy ra gấp hai lần những người bình thường. Rõ ràng, việc rèn luyện thân thể và những vận động thể lực đã có tác dụng ngăn ngừa bệnh tật, rất cần thiết cho người lao động trí óc, bổ sung cho lối sống, công tác căng thẳng trí não và ít vận động của mình. Văn hào Vich-to Huy-gô ở tuổi rất cao vẫn giữ thói quen tập thể dục buổi sáng và tham gia đều đặn các hoạt động ngoài trời. Chính vì vậy, ông đã giữ được sức khoẻ và sự minh mẫn cho tới cuộc đời.
Sự kết hợp khoa học giữa làm việc và nghỉ ngơi, hoạt động trí não và những vận động thể lực là phương pháp tổ chức lao động trí óc hợp lí nhất, nhằm duy trì sức sáng tạo và thể lực con người, ngay cả lúc về già, để mang lại hạnh phúc cho bản thân và cống hiến được nhiều cho xã hội.
BS. Phùng Chúc Phong
http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=6&ID=5806
No comments:
Post a Comment