May 25, 2011

Quan niệm rất mới lạ về bệnh tật (3 bài)

Bài 1. Một cách nhìn mới về nguyên nhân gây bệnh



Trong cuốn sách giáo khoa về "Sinh lí học Y khoa" của tác giả nổi tiếng người Mỹ, Tiến sĩ bác sĩ Y khoa Arthur C.Guyton có đề cập tới chủ đề: "Bước đầu tiên trong việc duy trì sức khỏe là kiềm hóa cơ thể.

Các tế bào của một cơ thể khỏe mạnh có tính kiềm, trong khi các tế bào của một cơ thể bệnh tật lại bị nhiễm a-xit. Khi pH càng dưới 7.0 thì tế bào càng a-xit, con người càng ốm yếu hơn. Nếu tế bào không kiềm hóa được, chúng sẽ trở nên nhiễm a-xit và như vậy bệnh tật sẽ bắt đầu. Cơ thể con người tạo ra các chất chuyển hóa a-xit như là phụ phẩm của cơ chế chuyển hóa bình thường. Nhưng cơ thể con người không sản xuất ra chất kiềm. Bởi vậy con người phải tìm cách thu nhận được chất kiềm từ nguồn bên ngoài để giữ cho cơ thể tránh khỏi bị nhiễm a-xit và dẫn tới bệnh tật và tử vong".

Từ điều nhận thức trên, người ta cho rằng dược phẩm chỉ xử lí được các triệu chứng của bệnh tật mà không giải quyết được nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy, muốn loại trừ nguyên nhân sinh ra các chứng bệnh, nhất thiết phải thông qua dinh dưỡng hợp lí và duy trì sự cân bằng về độ pH của các lưu chất trong cơ thể con người.

Vậy độ pH là gì và tại sao nó lại quan trọng đến như vậy?

Thang độ pH đi từ con số 0 (rất a-xit) đến con số 14 (rất kiềm). pH=7 là trung tính (không biểu hiện tính a-xit cũng không biểu hiện tính kiềm). Mỗi sự thay đổi 1 điểm trên thang độ pH, ví dụ như từ pH=7 giảm xuống pH=6 sẽ làm tăng độ a-xit lên gấp 10 lần.Từ 6 giảm xuống đến 5 làm tăng độ a-xit lên thêm 10 lần nữa. Như thế, một chất dịch có pH=2 sẽ có độ a-xit mạnh hơn gấp 100.000 lần so với chất dịch có độ pH=7!

Cơ thể con người cấu tạo luôn giữ cho máu có độ pH nằm giữa 7,35 và 7,45. Trong phạm vi này, máu chỉ có một chút tính kiềm giúp có thể mang ô-xy từ phổi đến các tế bào sinh năng lượng cho cơ thể. Nếu độ pH trong máu dưới 7,35 hoặc trên 7,45 thì con người sẽ dần dần xuất hiện bệnh tật và tử vong. Vì thế, cơ thể con người sẽ làm mọi thứ để giữ cho máu luôn luôn có độ pH là 7,4. Máu có một số cơ chế để tự cân bằng độ pH, như việc rút dần các khoáng chất thiết yếu (như can-xi) của các cơ quan khác trong cơ thể để trung hòa độ a-xit và duy trì mức kiềm phù hợp trong máu. Một khi các chất dịch và các cơ quan bị tước đoạt chất khoáng thì cơ thể con người bị nhiễm a-xit hơn. Đây là điều tồi tệ cho sức khỏe của bạn.

Phần lớn các enzym trong cơ thể người cũng cần một môi trường có độ pH giữa 6 và 8 để hoạt động một cách có hiệu quả. Giữ cho các chất dịch của cơ thể người thường xuyên có độ pH trên 6 là điều rất hệ trọng trong việc duy trì sức khỏe!

Nếu cơ thể bạn có tính kiềm yếu là điều rất tốt. Nhờ đó mà cơ thể dễ bài tiết chất thải ra ngoài, sự chuyển hóa được linh hoạt, nội tạng được giảm nhẹ gánh nặng, kết quả là rất ít sinh bệnh, hoặc dù có bị bệnh cũng sẽ mau khỏi (bởi bệnh tật không thể tồn tại trong môi trường chất dịch có kiềm). Nhóm người có thể trạng như vậy thì sinh lực dồi dào và tràn đầy sức sống. Nếu cơ thể bạn có khuynh hướng có tính a-xit thì hoạt động của tế bào sẽ kém cỏi, các chức năng yếu đi, chất thải khó bài tiết được ra ngoài, chuyển hóa cũng trì trệ, gánh nặng của thận và gan tăng lên, làm cho cơ thể xuất hiện các bệnh mạn tính. Đồng thời môi trường a-xit dễ làm cho con người chóng già yếu, mệt mỏi, lo buồn bất an, tâm thần không ổn định, hình thành áp lực tâm lí khá lớn, có khi xuất hiện những triệu chứng như mất ngủ v.v...

Chính vì vậy mà ở Mỹ có cuốn sách với tựa đề nổi bật: "Kiềm hóa hay là chết". Cuốn sách cho biết, kiềm hóa là cơ sở trong việc hoàn trả lại sức khỏe cho cơ thể con người.

Bằng cách nào có thể xác định được độ pH của cơ thể mình ?

Vào năm 1972, Bác sĩ Carl Reich đã xác minh rằng số đo pH của nước bọt là đại diện cho độ pH của toàn bộ cơ thể người. Độ pH của nước bọt thật sự là một thước đo về "ứng suất" của kiềm có trong cơ thể người. Nếu khi đo độ pH bằng nước bọt cho thấy kết quả sau:

7,0 đến 7,5 (xanh biển đến tía *): là biểu hiện một cơ thể khỏe mạnh; 6,0 đến 6,5 (xanh lục nhạt *): là biểu hiện bệnh có thể phát triển; 4,5 đến 5,5 (vàng *) : là biểu hiện bệnh đã có mặt trong cơ thể. Thực tế cho thấy, độ pH trong cơ thể người là một biến số theo rất nhiều yếu tố.

Bằng cách nào có thể duy trì độ pH gần sát với độ trung tính ?

Có rất nhiều yếu tố tác động đến độ pH trong cơ thể, như tuổi tác, mức độ vận động, chất lượng không khí, trạng thái tinh thần và đặc biệt là thức ăn, thức uống. Có đến 150 chứng bệnh như ung thư, loãng xương, cao huyết áp, bệnh tim, giảm trí nhớ, tiểu đường, dị ứng với thuốc và thức ăn v.v... đều có quan hệ mật thiết với các chất dịch của cơ thể có a-xit hoặc nhiễm a-xit.

Yếu tố then chốt quyết định thể chất là thức ăn. Chỉ riêng việc điều chỉnh thức ăn, thức uống tiếp nhận vào cơ thể hàng ngày, có thể nhanh chóng nhận biết được ngay sự thay đổi của độ pH. Tham khảo Báo Người cao tuổi đã giới thiệu về thức ăn mang tính kiềm và thức ăn mang tính a-xit có tiêu đề "Thức ăn của bạn phải là thuốc men của bạn và thuốc men của bạn phải là thức ăn của bạn" (lời nói của Ông tổ nền Y học Thế giới- Hippocrates), sẽ được rõ thêm những thức ăn rất kiềm, kiềm nhẹ, a-xit nhẹ và a-xit mạnh. Qua bài báo, càng hiểu rõ, kiểm soát được thực phẩm tiếp nhận vào cơ thể hàng ngày đối với việc duy trì sức khỏe bản thân có ý nghĩa thiết thân và quan trọng.

Không nhất thiết cứ phải loại trừ sử dụng thức ăn, thức uống có tính a-xit, mà điều mấu chốt là phải biết sử dụng chúng với một tỉ lệ thích ứng với thức ăn tính kiềm. Thức ăn tính kiềm đưa vào cơ thể phải bảo đảm đủ số lượng cần thiết mới có thể trung hòa được hết lượng thức ăn tính a-xit. Tham khảo Báo Người cao tuổi cũng đã giới thiệu "Bệnh ung thư" của Giôn Hốp-Kin.

Sự thành công trong việc duy trì độ pH của cơ thể phải được thể hiện qua việc kiểm tra thực tế về số đo độ pH trong nước bọt. Qua số đo thực tế độ pH của nước bọt, sẽ biết được những yếu tố liên quan (tích cực và tiêu cực) thực hiện trong thời gian trước khi kiểm tra độ pH. Từ đó có thể quyết định được những lựa chọn về ăn uống, về sự vận động, về trạng thái tinh thần v.v... trong những ngày tiếp theo nhằm duy trì được độ pH cần thiết trong cơ thể mình. Một khi đã có được nhận thức đầy đủ với chủ định làm chủ việc kiềm hóa cơ thể, thì bạn sẽ nhanh chóng nhận biết được thao tác tự kiểm tra độ pH trong cơ thể thật là dễ dàng, nhanh gọn mà có ý nghĩa. Khi đã làm chủ được quá trình kiềm hóa cơ thể thì bạn sẽ không cần phải kiểm tra thực tế về số đo độ pH trong nước bọt của mình nữa

Nguyễn Hiền Nhân biên tập
GS.TS KH Hoàng Tích Huyền hiệu đính

Bài 2. Thức ăn phù hợp là thuốc tốt nhất



"Thức ăn của bạn phải là thuốc men của bạn và thuốc men của bạn phải là thức ăn của bạn". (Lời của "Ông tổ nền y học thế giới" - Híp-pốc-ra-tơ)

Trong thực tế, bệnh tật không chỉ là do vi-rút và vi khuẩn gây ra. Những con quái vật nhỏ li ti, ghê gớm từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể như một đoàn quỷ sứ tí hon. Những vi rút và vi khuẩn này có ở khắp chung quanh ta, ở ngay bên trong cơ thể mỗi người nữa. Vậy thì tại sao chúng ta trở thành nạn nhân của chúng ở những thời kì nhất định chứ không phải là những thời kì khác nhau? Tại sao chỉ có một số bị ảnh hưởng, còn những người khác thì lại không? Câu trả lời thật là đơn giản: Tất cả mọi bệnh tật đều bắt đầu từ bên trong cơ thể và tâm trí của chúng ta, gây ra do nếp suy nghĩ sai lệch, sống và ăn không đúng cách...

Khi cơ thể đầy những độc tố, những chất thối rữa, nó trở nên yếu ớt và không thể chống đỡ lại được với sự xâm nhập của vi khuẩn và vi-rút. Khi đó các loại bệnh tật xuất hiện. Vậy thì, nguyên nhân cốt lõi của các loại bệnh không chỉ là tác nhân bên ngoài của vi khuẩn và vi-rút, mà chính là những chất không thanh khiết bên trong cơ thể gây ra do sự tiêu hóa và bài tiết không thích hợp.

Kì I: Tính kiềm và tính a-xit trong cơ thể

Ở trạng thái tự nhiên, cơ thể con người có tính kiềm nhẹ bởi mật độ PH là 7,4. Trong điều kiện này, các quá trình hóa học có thể hoạt động một cách có hiệu quả nhất, tất cả những chất thải của quá trình này đều được khử đi một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều thức ăn có nhiều a-xít thì cơ thể và máu trở nên có tính a-xít chứ không còn tính kiềm. Khi đó, lá lách, gan, tim và thận - những cơ quan thanh lọc máu - trở nên phải làm việc quá sức và cuối cùng, bị suy yếu, dễ mắc bệnh tật. Khi đó, chất độc không còn được đào thải hết mà lại tập trung ở các khớp gây ra bệnh thấp khớp, bệnh gút; hoặc tìm đường bài tiết qua da, gây nên bệnh nấm, mụn trứng cá, các chỗ lở loét, đinh nhọt. Do đó, tình trạng cơ thể có tính a-xít là một yếu tố đóng góp vào việc sinh ra các bệnh tật khác nhau. Kể cả bệnh trĩ, ung thư, bệnh phong, bệnh liệt, bệnh sỏi bàng quang, bệnh sỏi và nhiễm trùng túi mật, bệnh lao, mất khả năng sinh dục, áp huyết cao, bệnh tim, đột qụy và cơn đau tim, hen suyễn và các bệnh dị ứng khác v.v... Phương thức chữa trị tình trạng a-xít này của cơ thể, và còn là phương thuốc chữa trị nhiều loại bệnh là giảm lượng thức ăn mang tính a-xít, tăng lượng thức ăn mang tính kiềm.

"Chớ có bao giờ để cho lượng trái cây, củ và canh rau (những loại thức ăn mang tính kiềm) mà bạn ăn vào cơ thể lại ít hơn lượng các thức ăn mang tính a-xít và tinh bột. Càng ít thức ăn mang tính a-xít càng tốt". "Chữa bệnh theo y-ô-ga và các phương thuốc tự nhiên". P.R. Xác-ca

Điều rất dễ nhận biết, ví như món ăn bí tết thịt bò, lươn v..v.. có khả năng làm cường tráng tinh lực. Thực ra những món ăn này đều mang tính a-xít, không có nghĩa là món ăn bí tết, lươn v.v... là không tốt. Điều quan trọng là sau khi ăn những thứ này, cơ thể sẽ sinh ra độc tố tính a-xít, do vậy cần ăn kèm theo các loại thức ăn tính kiềm để trung hòa thì sẽ tốt.

Những thức ăn mang tính a-xít

Những loại thức ăn tạo tính a-xít cần phải tránh trong những trường hợp khó tiêu hóa và sức khỏe yếu là:

- Đặc biệt là các loại thịt, cá và trứng.

- Trà, cà-phê và rượu.

- Tất cả các loại gia vị, các thức ăn dầm giấm, dầm muối, các loại nước xốt và giấm.

- Các loại tinh bột và hạt, đặc biệt là các tinh bột đã tinh chế (cơm, bánh mì, bánh quy ròn, ngũ cốc v.v...).

- Các đồ gia vị.

- Hành, tỏi, nấm.

- Phần lớn các loại đậu đỗ (kể cả các loại đậu tây, đậu quả và đậu lăng).

- Một số loại hột như hột đậu phộng (lạc) và quả óc chó (trái hồ đào).

- Các loại dầu và tất cả các loại thức ăn béo và chiên (rán).

- Các loại thức ăn có đường, đặc biệt là đường trắng và các thành phẩm của nó như mứt quả, mứt ướt, xi-rô, kẹo, bánh ngọt, kem, trái cây đóng hộp và các loại nước ngọt (có độ a-xít cao và chóng làm hỏng răng). Nhiều bác sĩ còn đưa ra lời khuyên không nên ăn sô-cô-la vì nó có chứa bơ ca-cao, một loại chất béo nặng bụng và khó tiêu, gây nên táo bón, mọc mụn nhọt.

- Một số thức ăn với lượng a-xít cụ thể như sau:

Thịt gà: - 7,60. Thịt lợn: - 5,60. Thịt bò: - 0,80. Lòng đỏ trứng: - 18,80. Lươn: - 6,60. Gạo trắng: - 11,67. Đậu phộng: - 3,00. Măng: - 0,20. Cá chiên: - 8,40. Cá ù: - 11,10. Bánh mì: - 0,80. Rượu nếp: - 8,00. Bia: - 4,80.

Một số ngũ cốc có thể làm cho chúng bớt đi tính a-xít bằng cách nấu hoặc chế biến chúng một cách thích hợp. Chẳng hạn như bánh mì được nướng lên thì tinh bột biến thành đường phơ-ru-xtô-da hoặc "đường trái cây", cùng loại với các-bô-hi-đrát dễ tiêu, có trong trái cây. Vì vậy, bánh mì nướng có tính kiềm cao hơn và dễ tiêu hơn là bánh mì thường. Trong trường hợp bị bệnh, nên dùng loại bánh mì này hơn. Cũng tương tự như thế, nếu cơm trắng ngâm nước vào khoảng 30 giây trước khi ăn thì phần lớn tinh bột mất tính a-xít và nó không còn độc hại nhiều cho cơ thể nữa. Nhiều loại ngũ cốc còn nguyên cám, chưa chà xát (gạo đỏ, bột gạo, bánh mì đen, mầm lúa mì v.v...) ít tính a-xít hơn là ngũ cốc trắng đã tinh chế.

Nguyễn Hiền Nhân (St)

Bài 3. Thức ăn phù hợp là thuốc tốt nhất. Kì 2: Những thức ăn mang tính kiềm



Những thức ăn có tính kiềm cần được tăng cường trong chế độ ăn hằng ngày là:

- Hầu hết các loại rau, đặc biệt là các loại rau có lá xanh và canh nấu bởi những loại rau này có rất nhiều các loại vi-ta-min và chất khoáng. Trong tất cả các loại đậu thì đậu nành có tính kiềm nhiều nhất, một loại thuốc tuyệt vời để chữa trị bệnh thừa a-xít.

- Sữa, bơ và đặc biệt là nước sữa (chất nước còn lại sau khi lấy đi bơ và sữa).

- Mật ong và mật mía.

- Phần lớn các loại hạt như hạnh nhân, hạt cây vang, hạt dẻ, hạt phỉ.

- Các loại trái cây và nước trái cây, đặc biệt là những loại trái cây có nhiều nước. Đó là những loại thức ăn dễ tiêu hóa nhất vì chúng có thể tự tiêu hóa được, các cơ quan không phải mất sức nhiều để tiêu hóa. Các chuyên gia dinh dưỡng gọi những loại trái cây là "loại thức ăn mang tính kiềm tốt nhất, làm sạch phần bên trong cơ thể tốt nhất", là "phương thuốc chữa trị bệnh tự nhiên nhất.

- Đu đủ chứa một loại men gọi là pa-pa-in, giúp cho tiêu hóa tốt, rất tốt cho dạ dày.

- Táo rất giàu muối ka-li, giúp cho việc trung hòa những độc tố trong miệng, là chất làm sạch răng và lợi rất tốt.

- Quả sung, quả vả có một loại men đặc biệt gọi là phi-xin làm tan biến các độc tố trong máu và còn chứa sê-ra-tô-nin, một chất có khả năng củng cố và làm hoàn hảo trí óc. Các học giả và hiền triết thời xưa của vùng Trung Đông thường nhịn ăn nhiều ngày mà chỉ dùng quả sung, quả vả và nước để đạt tới quyền năng tinh thần siêu việt.

- Trái thơm (dứa) chứa brô-mê-lin, một chất làm sạch tụy tạng.

- Cà chua có tính kiềm cao và là loại thức ăn trung hòa a-xít tốt.

- Chuối chứa nhiều muối ka-li tốt cho thần kinh, là một loại thuốc bổ rất tốt đối với bệnh suy nhược thần kinh khi bệnh này có liên quan tới khâu thiếu hụt muối ka-li. Chuối ăn cùng với sữa, đặc biệt cho nhiều dinh dưỡng.

- Dừa là một loại thức ăn rất nhiều tính kiềm, nước dừa hoặc nước cốt dừa là loại thuốc điều trị các bệnh gây ra do nhiều a-xít rất tốt. Dừa thái nhỏ kèm với đại hồi cũng là loại thuốc điều trị tốt khác.

- Mơ là nguồn giàu vi-ta-min A và sắt.

- Chanh có kiềm tính cao và vì lí do này, nước chanh vắt được các đạo sĩ y-ô-ga dùng làm một loại thuốc tuyệt vời để trị hầu hết các bệnh. Hãy uống nước chanh cả ngày với một lượng nhỏ mỗi lần, tốt hơn hết là cho thêm chút muối hoặc mật ong. Mặc dầu chanh và các loại quả họ cam, quýt khác tự chúng mang tính a-xít, nhưng chúng tạo ra phản ứng kiềm trong khi tiêu hóa. Cam cũng là một loại làm sạch ruột và có một hàm lượng vi-ta-min C cao.

- Các loại dâu quả như quả dâu rừng (còn gọi là quả phúc bồn tử), dâu Tây, quả lí gai, quả lí chua v.v... đều mang tính kiềm nếu ăn thật chín, bằng không lại mang tính a-xít.

- Một số thức ăn với lượng tính kiềm như sau:

Sữa bò: + 0,30. Lòng trắng trứng: + 4,80. Ngưu bàng: + 8,01. Rau chân vịt: + 12,00. Sâm cao li: + 5,40. Củ cải: + 9,28. Nho đỏ: + 8,20. Quả quýt: + 10,00. Khoai tây: + 3,20. Khoai lang: + 4,60. Cà chua: + 4,60. Dưa chuột: + 4,60. Nấm ăn: + 6,40. Tảo biển: + 15,60. Chuối: + 8,40 v.v...

Bộ Y tế nước Anh xác định: "Các loại nước trái cây có giá trị làm giảm huyết áp cao, các bệnh tim mạch và bệnh thận, bệnh béo phì và các bệnh khớp. Nước trái cây có một tác dụng ngừa bệnh toàn diện. Nếu dùng một lượng lớn tới 1,13 lít hằng ngày thì có thể thu được những kết quả tốt trong việc điều trị loét đường tiêu hóa và còn cả trong việc điều trị ỉa chảy mạn tính, viêm đại tràng, nhiễm trùng huyết mà nguồn gốc do dạ dầy và ruột".

Nguyễn Hiền Nhân
(Theo "Thức ăn và sức khỏe"
của Avadhutika Anandamitra Acarya,
Nhà xuất bản Mũi Cà Mau-năm 1994)

No comments: