Chớm hè còn ngất ngây với những cánh hoa sấu trắng li ti trên phố phường Hà Nội, thì nay đã thấy những chùm quả sấu nhỏ lấp ló sau tán lá. Quả sấu xù xì, đơn xơ được ngâm đường có tác dụng giải nhiệt rất tốt, cái vị chua chua ngọt ngọt, mùi sấu quyện với mùi gừng sao mà hấp dẫn đến lạ thường.
Không chỉ những con phố như Trần Phú, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng của Hà Nội nổi tiếng với những cây sấu già cổ thụ mà cả những miền quê Bắc Bộ mỗi khi hè về đều rợp bóng sấu với những chùm quả xanh mát. Loại quả này ngâm đường được xem là thức uống giải khát đặc trưng bởi vị thanh mát, giòn tan lại không quá chua, hơi cay cay…ở đầu lưỡi, khiến nhiều người nghĩ đến thôi mà ứa nước chân răng vì thèm.
Vào vụ hè, sấu được bán rất nhiều ở các chợ, người ta mua về dầm canh, nấu chua, om vịt…nhưng có lẽ ngon nhất vẫn là sấu ngâm đường để pha nước uống giải khát trong vài tuần. Làm được bình sấu ngâm không cầu kỳ nhưng để sấu được giòn, không bị váng, vẫn giữ được màu xanh thì không phải ai cũng làm được. Thế mà nhiều người phụ nữ rất khéo léo, tỷ mẩn học công thức để tự tay làm những bình sấu ngâm ngon “mê mẩn” cho cả nhà.
Chọn quả sấu ngon để ngâm phải đều quả, đậm vỏ, sần sùi và cứng không bị ong châm hay bầm dập, tùy theo sở thích của từng người mà có thể lựa những quả sấu chín hay sấu non đều ngon cả. Khâu gọt vỏ là mất công và lâu hơn, do sấu có nhiều nhựa ứa ra khi gọt vỏ nên phải ngâm vào nước muối trong lúc gọt để sấu không bị thâm đen.
Có thể dùng dao khứa quả sấu làm tư hay cắt khoanh tròn để tách phần thịt với hột, như thế thịt sấu sẽ ngấm đều các gia vị tẩm ướp. Cẩn thận hơn, để giữ cho sấu không bị nhớt và được giòn lâu, sấu sẽ được ngâm trong nước vôi trong từ 8 đến 10 tiếng rồi trần lại bằng nước đun sôi để nguội. Lúc này, sấu lại được trần qua nước sôi một lần nữa rồi để khô ráo nước, sấu vẫn giữ được màu xanh mà không bị nhũn.
Hương vị sấu ngâm không thể thiếu gừng, gừng phải già và còn tươi, thái chỉ hay giã nhỏ để vị cay cay dễ ngấm đều vào thịt sấu. Ngâm sấu với đường sao cho đủ vị ngọt thanh, một lớp sấu, một lớp gừng và đường đan xen, để chừng hai ba ngày cho đường ngấm vào sấu, sau đó thắng nước đường gừng đổ vào bình để nước ngập sấu chừng vài ngày là ăn được.
Sấu ngâm pha với nước đá để giải khát, cắn quả sấu phải giòn, vị chua ngọt, mùi thanh mát, màu vỏ sấu xanh hơi pha vàng, nước phải sánh không nổi bọt là đạt tiêu chuẩn. Hớp ngụm nước sấu giữa ngày hè oi bức thấy mát lạnh cả cơ thể, mùi thơm, vị cay vẫn còn đọng trong miệng…
Ngoài tác dụng giải khát, nước sấu ngâm còn rất tốt trong trị nhiệt miệng, giải say rượu hay ăn uống không tiêu, trị ho, vỏ thân cây sấu dùng làm thuốc trị bỏng, lá sấu còn có thể chữa các bệnh ngoài da, mẩn đỏ…
Với nhiều tác dụng tốt cho cơ thể mà cứ mỗi khi hè về là nhà nào cũng chuẩn bị một bình sấu ngâm giòn tan cho cả gia đình. Nhiều bạn trẻ Hà thành còn có sở thích tụ tập thành hội ở các quán nước, nhâm nhi cốc nước sấu đá râm ran buôn đủ thứ chuyện…
Thu Hường
Theo Lao động, 29/4/2011
No comments:
Post a Comment