May 25, 2011

Tuổi già và quá trình lão hóa cơ thể

Nhiều năm nay các viện lão khoa trên thế giới đã nghiên cứu về quá trình lão hoá ở con người và có kết luận chính xác về tuổi già. Hoá ra các cơ quan của cơ thể có thời điểm già không giống nhau.

Các nhà khoa học Pháp cho biết chất lượng tinh trùng bắt đầu suy giảm từ tuổi 35, vì vậy nam giới trên tuổi 45 nên dừng việc sinh con. Tuổi suy thoái của các cơ quan trong cơ thể người như sau:

1. Não người bắt đầu quá trình suy thoái năm 20 tuổi. Qua tuổi 20, số lượng tế bào não giảm dần, thể tích não thu nhỏ lại. Trên tuổi 40 mỗi ngày con người mất 10.000 tế bào não và trí nhớ con người giảm dần.

2. Phổi suy thoái từ tuổi 20 thể hiện ở sụn sườn bị vôi hoá, nhu mô phổi giảm tính đàn hồi, dung tích phổi giảm dần.

3. Da suy giảm năm 20 tuổi. Cơ thể giảm sản xuất keo dính da và việc thay thế các tế bào chậm dần.

4. Tóc lão hoá từ năm 30 tuổi. Năm 35 tuổi tóc sẽ ngả mầu và rụng dần.

5. Các cơ suy giảm từ tuổi 30. Từ năm 40 tuổi trở đi các cơ bị giảm 0,5 đến 2% mỗi năm. Do đó người cao tuổi hoạt động chậm chạp, khó giữ thăng bằng, dễ ngã.

6. Vú thoái hoá từ năm 35 tuổi. Dấu hiệu thoái hoá đến với phụ nữ lúc 30 tuổi, các mô mỡ giảm dần, kích thước vú nhỏ lại. Từ năm 40 tuổi thì vú phụ nữ bị thòng xuống.

7. Xương lão hoá từ năm 35 tuổi. Trẻ em phát triển xương rất nhanh, cứ 2 năm là thay đổi toàn bộ tế bào xương, nhưng đến tuổi 20 quá trình phát triển xương chậm lại và dừng hẳn ở tuổi 25, đến tuổi 35 bắt đầu suy thoái.

8. Cơ quan sinh sản ở phụ nữ suy thoái từ tuổi 35 do số lượng và chất lượng trứng giảm xuống.

9. Răng bị suy từ tuổi 40. Qua tuổi 40 niêm mạc teo dần, dễ bị bệnh về răng miệng và răng ngày càng mòn.

10. Mắt lão hoá từ năm 40 tuổi, khả năng tập trung của mắt giảm và từ những năm này thông thường người ta phải đeo kính điều chỉnh thị lực.

11. Tim lão hoá từ tuổi 40, khối lượng cơ tim giảm, tuần hoàn nuôi tim giảm, huyết áp của người tăng dần.

12. Cơ quan thính giác suy thoái từ tuổi 50, đặc biệt khả năng nghe của nhiều người kém hẳn khi 60 tuổi.

13. Tuyến tiền liệt bắt đầu lão hoá từ tuổi 50. Tuyến tiền liệt lớn dần theo tuổi sẽ ép vào bàng quang và niệu đạo, gây ra triệu chứng đi tiểu nhiều lần, tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu.

14. Thận lão hoá ở tuổi 50, số đơn vị lọc của thận giảm xuống.

16. Ruột suy thoái từ tuổi 55 với dấu hiệu số vi khuẩn có ích giảm xuống, nhất là ở ruột già. Các chất dịch vị tiết ra từ dạ dày, gan tụy, ruột non đều giảm và gây ra một số bệnh như táo bón.

17. Vị giác và khứu giác suy thoái từ tuổi 60. Người bình thường phân biệt được khoảng 100.000 vị. Con số này giảm khá nhanh khi tuổi cao.

18. Cơ quan phát âm suy yếu từ tuổi 65.

19. Bàng quang suy thoái từ tuổi 65. Khả năng chứa nước tiểu giảm nhanh, ở tuổi 70 bàng quang chỉ chứa lượng nước tiểu bằng nửa lúc 30 tuổi, do đó người già phải đi tiểu nhiều lần hơn và dễ nhiễm trùng nước tiểu.

20. Gan lão hoá ở tuổi 70 khi chức năng chuyển hoá và giải độc giảm. Trong cơ thể gan là cơ quan suy thoái chậm nhất, người ta có thể ghép gan của người 70 tuổi cho người 20 tuổi mà vẫn hoạt động tốt.

Để làm chậm quá trình lão hoá của người cao tuổi các bác sĩ khuyên nên sống lạc quan, yêu đời, sinh hoạt điều độ, không làm việc quá sức, giữ cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, giữa lao động trí óc và chân tay...nên tăng cường ăn rau quả, giảm ăn thịt, năng vận động vừa sức. Nếu giữ đúng những nguyên tắc nói trên con người có thể sống khoẻ mạnh trong khả năng tuổi sinh học không dưới 100 tuổi.

(Phương Linh trích dịch - Tài liệu BYT)

7 yếu tố làm giảm tuổi thọ



Tổ chức Y tế thế giới đã xác định 25 yếu tố nguy cơ gây bệnh, tàn phế, tử vong đối với người cao tuổi. Trong đó, có bảy nguy cơ hàng đầu đối với sức khỏe mà người cao tuổi có thể phòng ngừa.

Hút thuốc lá: Là yếu tố nguy hại nhất làm tăng nguy cơ ung thư phổi, gây ảnh hưởng xấu đến mọi bộ phận, đẩy nhanh tốc độ giảm khối lượng xương và chức năng hô hấp. Nguy cơ mắc các bệnh mạn tính của người cao tuổi có liên quan tỉ lệ thuận với thời gian và mức độ hút thuốc.

Ít hoạt động thể lực: Tham gia rèn luyện thể lực thường xuyên, điều độ có thể trì hoãn được sự giảm các chức năng trong cơ thể, làm giảm nguy cơ khởi phát các bệnh mạn tính ở người cao tuổi. Vận động không phải chỉ cần thiết cho cơ bắp, xương, khớp mà còn tác dụng đến toàn cơ thể. Cơ thể được rèn luyện đều đặn sẽ hoạt động hài hòa, cho người cao tuổi cảm giác dễ chịu, phấn khởi, yêu đời, trí óc sáng suốt và lao động có năng suất.

Dinh dưỡng không hợp lí: Chế độ ăn chất bột, chất béo làm giảm nguy cơ béo phì, các bệnh mạn tính và tàn phế ở tuổi già. Nhu cầu năng lượng của người 60 tuổi giảm 20%, ở người trên 70 tuổi giảm 30% so với người 25 tuổi. Cho nên, mỗi bữa trước đây ăn 3-4 bát cơm, nay chỉ nên ăn 1-2 bát. Chú ý theo dõi cân nặng hằng tháng. Cân nặng người cao tuổi không nên vượt quá số cm của chiều cao trừ đi 105. Ví dụ, người cao tuổi cao 165 cm, cân nặng không nên vượt quá 60 kg. Người cao tuổi không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia.

Tai biến do thuốc: Người cao tuổi thường có một hoặc nhiều bệnh mạn tính, cho nên họ hay sử dụng thuốc chữa bệnh. Đôi khi thuốc lại được kê quá nhiều cho người già.

Không tuân thủ chế độ chăm sóc, điều trị: Sự tuân thủ điều trị bao gồm sử dụng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc và duy trì chế độ ăn lành mạnh, tập luyện thể dục, không hút thuốc... Việc tuân thủ kém ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả điều trị, đến chất lượng sống. Lúc đó, những tiến bộ của y dược học cũng không làm gì được để giảm gánh nặng của bệnh mãn tính.

Nước không sạch và môi trường vệ sinh kém: Nếu triển khai rộng khắp toàn cầu việc cung cấp đủ nước và điều kiện vệ sinh cho bệnh nhân, ta sẽ tránh được 1,8 tỉ trường hợp tử vong do tiêu chảy (giảm 17% so với hiện nay). Nếu đạt được việc cung cấp nước máy, sẽ tránh được 7,6 tỉ trường hợp tiêu chảy hằng năm.

Trầm cảm và sa sút trí tuệ: Nhìn chung trong cuộc đời của mình, có từ 15 đến 40% người cao tuổi từng có một thời kì trầm cảm rõ rệt. Mặc dù tỉ lệ người cao tuổi mắc "hội chứng chán nản cao độ" này khá cao, ước tính khoảng 20-30%, nhưng rất ít bệnh nhân được quan tâm đầy đủ. Hơn 90% ca trầm cảm và sa sút trí tuệ không được phát hiện và ngay cả khi đã biết cũng không được điều trị đúng.

Ngô Hữu Đoàn

No comments: