May 25, 2011

Viêm tai giữa (7 bài)

Bài 1. Viêm tai giữa trẻ em – nỗi lo của người lớn



Viêm tai giữa mủ điển hình thường xuất hiện ở trẻ lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo vì ở tuổi này tần suất viêm V.A cao. Số lượng trẻ bị mủ trong tai giữa ngày càng tăng. Tại sao mủ lại xuất hiện trong tai giữa? Làm thế nào để điều trị dứt điểm bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ? Những câu hỏi đó được rất nhiều ông bà, bố mẹ quan tâm.

Quá trình tạo thành mủ tai giữa

Nguyên nhân chính để hình thành mủ trong tai giữa là viêm tai giữa mủ. Mủ xuất hiện trong tai giữa là do niêm mạc tai giữa bị viêm, tăng tiết dịch. Môi trường này của tai giữa sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có sẵn trong tai giữa hoặc từ mũi họng tấn công vào tai giữa phát triển hình thành mủ hoặc mủ sẵn có từ mũi họng đi qua vòi tai vào tai giữa khi xì mũi không đúng cách.

Viêm tai giữa mủ xuất hiện khi trẻ bị viêm mũi họng không được điều trị. Tần suất viêm tai giữa hay xuất hiện vào những lúc thời tiết thay đổi, nhất là nhiệt độ chuyển từ nóng sang lạnh. Viêm tai giữa mủ là giai đoạn 2 của viêm tai giữa cấp sau giai đoạn xung huyết.

Làm thế nào để phát hiện ra viêm tai giữa mủ?

Viêm tai giữa mủ thường đi sau viêm mũi họng. Trẻ đang chảy mũi vàng xanh, ngạt tắc mũi đột nhiên xuất hiện đau nhói trong tai, đau lan từ tai lên thái dương hoặc xuống họng. Có thể sốt hoặc không sốt tùy phản ứng của cơ thể trẻ (với trẻ suy dinh dưỡng thường không có sốt). Trẻ kêu trong tai có tiếng ù, sức nghe giảm. Đây chính là giai đoạn xung huyết đã nói, ở giai đoạn này nếu được điều trị ngay, mủ trong tai giữa chưa kịp hình thành thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Nếu giai đoạn này bị bỏ qua, mủ bắt đầu xuất hiện. Lúc này dấu hiệu đau nhức tăng lên đi cùng với sốt tăng. Màng nhĩ bị đẩy phồng do mủ đọng, có thể vỡ, mủ tai được giải phóng thoát ra ngoài. Nếu màng nhĩ không vỡ, mủ đọng trong tai giữa có thể biến chứng vào não gây viêm màng não, liệt mặt…

Nếu mủ trong tai giữa không điều trị kịp thời ra khỏi hòm nhĩ sẽ để lại di chứng như viêm tai giữa thanh dịch làm dính chuỗi xương con nằm trong hòm nhĩ để lại hậu quả là sức nghe giảm dần, màng nhĩ bị co kéo, có thể tạo ra chất gọi là cholesteatoma, một loại chất có thể phá hủy xương, gây biến chứng nguy hiểm tới tính mạng…

Giải phóng mủ khỏi tai giữa bằng cách nào?

Mủ tồn đọng trong tai giữa muốn giải phóng ra ngoài chỉ có hai con đường: Thứ nhất, làm thông thoáng vòi tai để mủ chảy từ hòm tai ra mũi họng. Thứ hai là phải trích rạch màng nhĩ dẫn lưu mủ trong tai giữa. Trong trường hợp viêm tai giữa mủ để lại di chứng thành viêm tai giữa thanh dịch, người ta phải thực hiện thủ thuật đặt một ống thông ở màng nhĩ với mục đích cân bằng áp lực giữa tai giữa và môi trường bên ngoài nhằm bảo đảm cho niêm mạc tai giữa được sống trong môi trường bình thường. Sau ít nhất khoảng 6 tháng, mủ trong tai giữa được hấp thu dần dần đến hết.

Mủ trong tai giữa cần được xử lý kịp thời và đúng cách với mong muốn trả lại chức năng sinh lý cũng như sức nghe bình thường cho trẻ. Nếu mủ tồn đọng trong tai giữa, sức nghe trẻ sẽ giảm, đặc biệt các tần số trầm, trẻ không nói được những âm trầm như u, m, n, ng… khiến trẻ sẽ thành nói ngọng. Nếu mủ viêm tai giữa cấp tự vỡ, lỗ thủng trên màng nhĩ thường nhỏ, ít khi đủ dẫn lưu được mủ trong tai giữa, lúc này cần chỉ định trích rạch rộng thêm lỗ thủng, dẫn lưu mủ trong tai giữa. Những trường hợp này cần điều trị viêm tai giữa một cách triệt để, sau khi sức nghe được phục hồi, trẻ sẽ được huấn luyện nói lại cho trẻ từng âm, từng vần mà trẻ mắc lỗi. Việc điều trị mang tính kiên trì, do đó phải thuyết phục và giải thích để bố mẹ trẻ kết hợp điều trị với bác sĩ mới có hiệu quả.

Chữa trị dứt điểm mủ tai giữa

Điều trị nội khoa đi kèm với các thủ thuật mới có kết quả tuyệt đối. Kháng sinh toàn thân kết hợp giảm viêm, tiêu mủ. Tại chỗ có thể làm thuốc tai trong 5 – 7 ngày, thuốc nhỏ tai kháng sinh (thuốc sử dụng cho tai thủng – otofa, effexine), chống viêm…

Tuy nhiên cách tốt nhất là đừng để mủ hình thành trong tai giữa bằng cách điều trị triệt để các viêm nhiễm có thể gây biến chứng viêm tai như viêm V.A, viêm mũi xoang, viêm amiđan… Nếu đã xác định được là có mủ trong tai giữa cần đến cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để điều trị.

ThS. Phạm Bích Đào – Sức Khỏe & Đời Sống

Bài 2. Trẻ viêm tai giữa có thể điếc nếu bố mẹ sơ ý



Bé Na 1 tuổi, hay sổ mũi, chị Hằng nghĩ con bị dị ứng thời tiết, chỉ nhỏ mũi thông thường. Đến khi biết con bị viêm tai giữa thì tai phải của bé Na đã bị điếc vĩnh viễn.

Các bậc phụ huynh khi thấy con có biểu hiện sổ mũi, sốt, quấy khóc… thường không lo lắng lắm, vì cho rằng đó chỉ là biểu hiện của một số bệnh thông thường, chỉ cần uống thuốc là khỏi, không cần đi khám bác sỹ. Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sổ mũi kéo dài, sốt, khó chịu trong người…, một trong số nguyên nhân đó là trẻ có thể đã bị viêm tai giữa.

Viêm tai giữa là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ, nhưng thường không được phát hiện kịp thời bởi những biểu hiện của bệnh khá nhỏ, và luôn khiến cha mẹ chủ quan. Đến khi được đi khám và chẩn đoán bệnh thì bệnh đã khá nặng, nhiều trẻ đã bị điếc… oan vì sai lầm tai hại của cha mẹ.

Viêm tai giữa xuất phát từ viêm mũi, họng

Chị Hồng và gia đình đã được một phen hoảng hồn khi đưa con đi cấp cứu tại bệnh viện. Cu Tít có nhiều triệu chứng của bệnh cảm như sốt, lạnh, chảy nước mũi, ho… nên chị Hồng chỉ ra hiệu thuốc gần nhà, hỏi dược sỹ và mua một số loại thuốc trị cảm cho con uống.

Nhưng kỳ lạ là căn bệnh kéo dài đến vài tháng cũng không đỡ, con ngày càng gầy, ốm yếu nên gia đình chị mới quyết định cho con vào viện khám.

Tại viện Nhi, cả gia đình hoảng hốt khi bác sỹ kết luận là Tít bị viêm tai giữa khá nặng, gần như thủng màng nhĩ và Tít đã được chuyển sang viện Tai mũi họng.

Tình trạng viêm tai giữa thường xuất phát từ những viêm nhiễm khá nhỏ ở mũi và họng, khiến cha mẹ không để ý nhiều. Vì triệu chứng bệnh không điển hình nên khi phát hiện thì bệnh thường đã trở nặng và nhiều trẻ bị điếc, thủng màng nhĩ.

Quan tâm đến con nhiều hơn

Vì phần lớn các bệnh viêm tai giữa ở trẻ em đều do viêm đường hô hấp, vì tai, mũi, họng thường thông với nhau, khiến các vi khuẩn xâm nhập vào tai dễ dàng. Biểu hiện ban đầu khá giống với cảm cúm thông thường, nặng hơn một chút thì tai của trẻ sẽ chảy ra một chất dịch, nặng hỡn nữa thì trẻ không phản ứng lại với tiếng gọi của người lớn nữa.

Nhiễm trùng ở tai giữa sẽ khiến dịch chảy ra nhiều, chặn các lối thông vào tai, để lâu ngày có thể gây điếc, thậm chí thủng màng nhĩ. Nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ khỏi rất nhanh, chỉ cần 1, 2 tuần là bé khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng gì.
Vì thế, điều quan trọng nhất là cha mẹ không nên chủ quan trước những biểu hiện cảm cúm thông thường của trẻ, cần cho con đi khám bác sỹ khi con bị sỗ mũi, ho, sốt… đặc biệt là không nên tự ý mua thuốc về trị cảm cho con.

Phòng ngừa nguy cơ bị điếc cho các bé

Nếu thấy trẻ bị cảm, ho, sốt… thì phải điều trị kịp thời và dứt điểm. Để phòng tránh cảm và các đường hô hấp, cha mẹ nên vệ sinh sạch sẽ mũi, họng, tai cho con thường xuyên.

Kiểm tra tai của con ngay khi con có triệu chứng giống như bị cảm để kịp thời đưa con đi khám tai, mũi, họng.

Khi tắm và gội đầu, không nên để đầu trẻ xuống thấp quá, nước xà phòng tắm chảy vào tai, miệng hoặc mũi cũng là nguyên nhân khiến bé bị viêm tai giữa.

Theo http://meyeucon.org

Bài 3. Viêm tai giữa mạn tính



Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng tổn thương lớp niêm mạc của các bộ phận trong tai giữa gây chảy mủ tai. Bệnh xảy ra sau những đợt viêm tai giữa cấp không được chữa trị thích hợp. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn và gây nhiều khó chịu cho người bệnh vì hay tái phát, ảnh hưởng tới học tập và làm việc.


Khi bị viêm tai giữa mạn, tai thường chảy mủ, mủ có thể chảy liên tục, có thể chảy từng đợt, người bệnh nghe kém. Nước chảy ra ban đầu là dịch đục không hôi. Một thời gian sau, nước chảy ra là mủ màu trắng hay vàng, có mùi rất hôi. Nếu không điều trị sớm và dứt điểm sẽ gây những biến chứng nguy hiểm như áp xe não, viêm xoang tĩnh mạch bên và viêm màng não gây nguy hiểm cho người bệnh. Viêm tai giữa mạn thường có 2 loại, viêm tai giữa mạn tính dịch nhầy và viêm tai giữa chảy mủ mạn tính.

Viêm tai giữa mạn tính dịch nhầy: Với triệu chứng tai chảy dịch nhầy như dịch mũi, nếu lâu ngày không lau tai sạch và không dùng thuốc điều trị có thể thành dịch mủ.

Viêm tai giữa chảy mủ mạn tính gồm:

Viêm tai giữa chảy mủ mạn tính có cholesteatoma: Là loại viêm tai giữa nhiễm khuẩn thường gây tổn thương hệ thống xương con trong hòm nhĩ, phá hủy mê nhĩ và có thể gây ra các biến chứng sọ não rất nặng như: viêm tắc xoang tĩnh mạch bên, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, áp xe tiểu não… Triệu chứng, đầu tiên người bệnh nghe kém, chảy mủ tai thường xuyên, nhưng rất hôi.

Viêm tai xương chũm cấp tính: Thường xảy ra sau viêm tai giữa cấp tính không được điều trị dứt điểm, dùng kháng sinh không đúng liều lượng, không phù hợp, nên gây ra biến chứng viêm tai xương chũm. Biểu hiện lâm sàng thường đau tai tăng lên kèm theo sốt, đau nửa đầu dữ dội. Soi tai thấy mủ đặc tai giữa, ấn vùng xương chũm đau.

Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm: Là đợt cấp của viêm tai xương chũm mạn tính, bệnh nhân có tiền sử viêm tai xương chũm đã được điều trị nhiều lần, tai đã khô và đỡ ù, đột ngột xuất hiện đau tai, ù tai tăng lên, nghe kém, có thể kèm theo chóng mặt, mủ tai chảy nhiều hơn kèm theo sốt cao, ấn vùng xương chũm rất đau. Trong đợt hồi viêm rất dễ xảy ra các biến chứng như: liệt mặt, viêm mê nhĩ, biến chứng sọ não – áp xe ngoài màng cứng…

Điều trị viêm tai giữa mạn tính phải kiên trì, việc điều trị nội khoa cần được cân nhắc với mức độ tổn thương tai để chỉ định phù hợp.

Tóm lại, việc điều trị viêm tai giữa mạn tính có đạt kết quả tốt hay không phụ thuộc chủ yếu ở người bệnh. Đặc biệt lưu ý, các thuốc uống và thuốc nhỏ tai trong điều trị viêm tai giữa mạn tính phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tai – mũi – họng, bởi một số thuốc nhỏ tai khi màng nhĩ thủng nếu sử dụng sẽ gây điếc tai không hồi phục, ngay cả việc sử dụng dung dịch ôxy già làm sạch mủ tai cũng cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và cách dùng. Thường xuyên giữ vệ sinh tai, nên tránh bụi, nước bẩn vào tai và vệ sinh mũi họng.

BS. Nguyễn Minh Hiệp – Sức Khỏe & Đời Sống

Bài 4. Viêm tai giữa: Dùng thuốc sai và những hậu quả



Nhỏ ôxy già, dùng thuốc kháng sinh, dùng corticoid... để chữa viêm tai, đau tai có chảy mủ... Đó đây người ta vẫn nhắc nhau cách thức chữa căn bệnh này, song việc sử dụng thuốc để chữa viêm tai giữa không đơn giản như vậy...

Ngày 18/2/2009, bé Nguyễn Thị Xuyên, 5 tuổi ở Yên Phong - Bắc Ninh vào viện cấp cứu trong tình trạng bị viêm tai xương chũm cấp xuất ngoại sau tai trái.

Bé Nguyễn Minh Khuê, 2 tuổi ở Vĩnh Hồ, Hà Nội, nhập viện ngày 13/4 trong tình trạng viêm tai giữa cấp tái phát hai bên. Các bác sĩ đã nạo VA, đặt ống thông khí hai bên.

Ngày 14/4, thêm một trường hợp nữa, bé Tiến Dũng, 9 tháng tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội nhập viện với lý do viêm tai xương chũm cấp hai bên, biến chứng liệt mặt ngoại biên trái, phải nhập viện để mổ cấp cứu xương chũm trái và đặt ống thông khí hai bên...

Chồng bệnh án của Khoa tai mũi họng trẻ em, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương còn rất dày. BS. Nguyễn Hoài An, Phó trưởng khoa tai mũi họng trẻ em của bệnh viện cho biết, đa số các trường hợp viêm tai giữa cấp đều có nguyên nhân từ viêm đường hô hấp trên: viêm VA, viêm mũi, họng cấp.

Khi trẻ bị bệnh, trẻ không được điều trị dứt điểm hoặc cha mẹ tự ý dùng thuốc chữa không đúng cách, đúng thuốc, hậu quả là trẻ phải đi cấp cứu vì viêm tai giữa biến chứng. Câu chuyện của bệnh viêm tai giữa tưởng chừng như đơn giản, song bên cạnh đó là những biến chứng, hậu quả để lại của căn bệnh này.

Viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con... ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ. Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa biết nói, có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ (nói ngọng, nói không rõ âm, từ, thậm chí điếc - câm bẩm sinh...) làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này của trẻ. Nặng hơn nữa là những biến chứng nhiễm trùng, có khi ảnh hưởng đến tính mạng do biến chứng sọ não cực kỳ nguy hiểm như viêm màng não, áp-xe não do tai, viêm tắc tĩnh mạch bên, do viêm nhiễm lan từ trần hòm tai lên não hoặc gây liệt dây thần kinh mặt (dây thần kinh số VII).

Chỉ tại tự ý dùng thuốc

BS. Nguyễn Hoài An cũng cho biết, rất nhiều trường hợp trẻ khi đến bệnh viện đều đã ở tình trạng nguy kịch, phải cấp cứu. Nguyên nhân cho trẻ đi khám muộn cũng là do các bậc cha mẹ chủ quan về bệnh của con em mình. Có trường hợp còn ngỡ ngàng khi thấy bác sĩ chẩn đoán con bị viêm tai giữa. Họ cho rằng phải có nước chảy vào tai thì mới có thể bị viêm được, hoặc nếu viêm tai giữa thì phải có chảy mủ tai nhưng họ không biết rằng viêm tai giữa là hậu quả của bệnh viêm đường hô hấp trên.

Bệnh thường xuất hiện sau vài ngày có viêm mũi họng, bệnh nhân có sốt, ho, chảy mũi, có thể bị tiêu chảy và đau tai (đây là một trong những triệu chứng quan trọng của bệnh viêm tai giữa). Nhiều trường hợp, cha mẹ tự ý mua thuốc theo lời mách bảo, theo thói quen... về tự chữa cho con. Kết cục là trẻ bị càng nặng hơn và khi đưa đi cấp cứu hầu như phải chỉ định mổ.

Khi thấy con em mình bị chảy mủ tai, nhiều cha mẹ đã dùng ôxy già nhỏ. Đây là một sai lầm nghiêm trọng trong việc điều trị tai, bởi khi nhỏ ôxy già vào tai, khả năng hút sạch nước trong tai là rất khó. Ôxy già đọng lại trong tai sẽ gây kích ứng, phù nề niêm mạc, hòm nhĩ (trong trường hợp thủng màng nhĩ), da ống tai.

Với trẻ em, đặc biệt là dưới 2 tuổi, việc sử dụng thuốc nhỏ tai không đúng chỉ định sẽ để lại hậu quả nặng nề là nhiễm độc tai trong, gây điếc không hồi phục. Nhiều trường hợp, trẻ điếc ở tuổi chưa tập nói, sẽ bị câm.

Không phải cứ kháng sinh là chữa được viêm

Quan niệm của nhiều người cho rằng cứ viêm tai giữa là dùng kháng sinh toàn thân hoặc nhỏ tai. Song, thực tế thì không hẳn vậy. Vì những suy nghĩ kiểu này mà đã có nhiều trẻ bị ngộ độc tai trong do chính thuốc kháng sinh.

Để điều trị viêm tai giữa cấp cần dùng kháng sinh, giảm viêm. Nếu trẻ có sốt, đau tai cần dùng thêm hạ sốt, giảm đau. Tùy giai đoạn của viêm tai giữa, người ta có thể dùng các thuốc nhỏ tai khác nhau: Ví dụ khi màng tai chưa thủng, trẻ đau tai rất nhiều, có thể xịt thuốc để giúp trẻ đỡ đau. Khi tai đã có mủ, lúc đó cần dùng thêm các dung dịch kháng sinh, corticoid tại chỗ sẽ cho hiệu quả điều trị tốt. Tuy nhiên không phải kháng sinh nào cũng dùng để nhỏ tai được, có một số loại kháng sinh có thể gây ngộ độc tai trong dẫn tới điếc nặng. Bởi vậy các bậc cha mẹ không nên tự ý mua thuốc về cho con dùng khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.

Với bệnh nhân có chảy mủ tai, các bác sĩ thường chỉ định nhỏ dung dịch kháng sinh không có hại cho tai như: otafa, effexin, chloraphenicol... BS. An còn khẳng định: không nên dùng nhóm kháng sinh aminoglycosides (gentamycine, streptomycin, neomycin, kanamycin) vì nó có thể gây nhiễm độc tai trong, từ đó gây điếc...

Khi tai chảy mủ, không được dùng các dạng thuốc viên nghiền ra để thổi vào trong tai, vì chúng chứa tá dược không tan trong nước, không bị hấp thu, gây bít tắc đường dẫn ra của dịch. Dịch sẽ đọng lại trong tai giữa và gây biến chứng ngược vào trong như viêm xương chũm, viêm màng não, viêm mê nhĩ. Điều quan trọng nhất, chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định và dưới sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc tai mũi họng”, BS. An cảnh báo.

Cách phòng bệnh viêm tai giữa

Để tránh mắc viêm tai giữa, nhất là với trẻ em, BS. Nguyễn Hoài An cho rằng, tốt nhất là phòng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp trên bằng cách nâng cao thể trạng chung cho trẻ với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, nhờ đó làm tăng sức đề kháng chung của trẻ.

Mùa lạnh ẩm là thời gian gia tăng những bệnh đường hô hấp, vì thế cần giữ ấm cho trẻ, tránh gió lùa, bảo vệ đường mũi họng cho trẻ.

Hằng ngày, nên vệ sinh cho trẻ bằng cách nhỏ dung dịch muối biển hoặc nước muối sinh lý nhằm làm sạch những bụi bẩn trên đường hô hấp, đặc biệt trong những đợt có dịch đường hô hấp trên. Việc này sẽ giúp tăng khả năng bảo vệ niêm mạc đường hô hấp trên.

Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ thường biểu hiện bằng các triệu chứng sau:

- Trẻ sốt, thường là sốt cao 39 - 40oC, quấy khóc nhiều, bỏ bú, kém ăn, nôn trớ, co giật...

- Nếu là trẻ lớn, sẽ kêu đau tai, còn trẻ nhỏ chỉ biết lắc đầu, lấy tay dụi vào tai.

- Rối loạn tiêu hóa: trẻ đi ngoài lỏng, nhiều lần, xuất hiện gần như đồng thời với triệu chứng sốt.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, vài ngày sau (2 - 3 ngày) bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn vỡ mủ do màng tai bị thủng, mủ tự chảy ra ngoài qua lỗ tai với các biểu hiện sau:

- Trẻ đỡ sốt, bớt quấy khóc, ăn được, ngủ được.

- Hết rối loạn tiêu hóa, đi ngoài trở lại bình thường.

- Không kêu đau tai nữa.

Các bà mẹ tưởng chừng như bệnh đã lui nhưng thực ra viêm tai giữa đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn mạn tính, với dấu hiệu rất quan trọng: chảy mủ tai.

Nếu vẫn không được điều trị bệnh sẽ diễn biến thành viêm tai giữa mạn tính hoặc viêm tai - xương chũm mạn tính, dẫn đến rất nhiều hậu quả xấu sau này cho trẻ, cùng với nguy cơ biến chứng có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào.

TheoThúy Hạnh
Sức khỏe & Đời sống

Bài 5. Cho bé nằm ăn dễ bị viêm tai giữa?



Hỏi: Bé nhà em được 7 tháng và cháu đang ăn bột mặn. Em nghe các chị ở văn phòng nói là không được cho trẻ nằm mà phải bế ở tư thế hơi nghiêng lên, hoặc ngồi ăn. Vì khi nằm sợ bé bị sặc thức ăn gây ra viêm tai giữa. Bác sỹ giải thích giúp em với và cho em phương pháp cho trẻ ăn. Em xin cảm ơn!

Trả lời: Có một số nhân tố có thể làm tăng nguy cơ viêm tai như cho bé ăn, bú nằm hay bé tiếp xúc với khói thuốc lá sớm. Nghiên cứu chỉ ra rằng những trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá sớm thường có nguy cơ viêm tai nhiều hơn.

Vì thế, cha mẹ không nên cho bé ăn hay bú nằm vì vòi nhĩ (vòi thông giữa tai và vòm mũi họng) của bé ngắn , nằm ngang, và rộng nên khi ăn nằm sữa hay đồ ăn lỏng dễ bị đẩy vào tai giữa gây viêm tai giữa.

Để tránh tình trạng này, cha mẹ nên tập cho trẻ tư thế khi ăn, nếu trẻ có thể ngồi vững thì cho cháu ngồi ghế tập ăn dành riêng cho trẻ nhỏ. Nếu bế trẻ cần giữ tư thế thẳng lưng cho trẻ, để đầu trẻ hơi nghiêng.
Không ẵm trẻ một tay, tay còn lại thì cầm thức ăn nóng hoặc nước uống nóng cùng một lúc dù bạn có cẩn thận đưa bé ra xa.

Bài 6. Mùa đông, coi chừng bé dễ bị nhiễm trùng tai



Nếu trẻ ho, chảy nước mũi và đột nhiên bị sốt khoảng 3-5 ngày sau đó thì bố mẹ cũng nên kiểm tra tai của bé bởi nó có thể là dấu hiệu nhiễm trùng tai. Trẻ có thể sẽ tỏ ra quấy khóc hơn bình thường, khó khăn khi ăn và nuốt như là trẻđang bị đau đớn. Viêm tai giữa rất phổ biến ở trẻ em trước tuổi đến trường, đặc biệt là trong những tháng mùa đông.

Nguyên nhân gây ra viêm tai giữa?

Vấn đề bắt đầu ở ống Eustachian, nơi kết nối tai giữa với đường mũi, cổ họng và chuyển vi khuẩn từ đó đến tai giữa, bất cứ khi nào trẻ ngáp hay nuốt. Ống Eustachian hoạt động bình thường sẽ giúp các chất lỏng thoát trở ra. Nhưng nếu ống bị sưng do dị ứng, cảm lạnh, hoặc nhiễm trùng xoang, chất lỏng có thể bị kẹt trong tai giữa.

Khi đó, bất kỳ vi khuẩn hay virus sống trong môi trường tai có chất lỏng ẩm ướt sẽ phát triển mạnh, gây mủ, tạo áp lực lên màng nhĩ khiến màng nhĩ phồng và viêm thành viêm tai giữa cấp tính. Sốt xuất hiện như một phản ứng của cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Một lý do nữa khiên trẻ em dễ bị nhiễm trùng tai là ống Eustachian ngắn và nằm ngang. Khi con bạn lớn lên, các ống sẽ dài ra, thẳng hơn nên sẽ giảm khả năng nhiễm trùng tai.

Điều gì sẽ làm tăng khả năng trẻ bị nhiễm trùng tai?

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai, bao gồm:

Trẻ bú nằm dễ gây sặc, sữa chảy vào tai

Trẻ uống sữa công thức sữa thay vì sữa mẹ nên cơ thể khó chống chọi lại với các vi khuẩn gây hại.

Trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá

Trẻ bị ho và cảm lạnh có thể dẫn đến nhiễm trùng tai hơn

Viêm tai có nghiêm trọng không?

Viêm tai gây đau đớn và ảnh hưởng đến ăn, ngủ, sinh hoạt hàng ngày của bé. Nhiễm trùng tai nặng hoặc không được điều trị sớm có thể ảnh hưởng đến màng nhĩ của trẻ gây ra sẹo hoặc mất thính lực. Bởi vậy, khi có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ bé bị viêm tai giữa, bố mẹ cần cho trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn và điều trị tích cực. Bé có thể được tư vấn sử dụng kháng sinh và sau 3 ngày bệnh sẽ thuyên giảm.

Theo meyeucon.org

Bài 7. Cẩn trọng với bệnh viêm tai giữa



Đau đầu và sốt, 3 ngày sau, chị Phương yếu nửa người rồi hôn mê do xuất huyết não. Sau hơn một tuần điều trị, nguyên nhân mới được xác định do chứng viêm tai giữa.

Người nhà bệnh nhân cho biết, ngày 6/1, thấy đau đầu, chị Phương đến bệnh viện ở quận 7 (TP HCM) khám thì được các bác sĩ nghi do rối loạn tiền đình. Tuy nhiên chỉ 3 ngày sau, bệnh nhân yếu nửa người rồi hôn mê.

Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, kết quả xét nghiệm cho thấy, chị Phương bị xuất huyết não, nguyên nhân do tắc tĩnh mạch ở não. Máu bơm từ động mạch lên não nhưng không thể thoát gây ùn ứ.

Do vùng máu tụ trong não quá lớn, các bác sĩ tiến hành mở hộp sọ và giải phóng máu, bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM để thông các khối máu đông gây tắc tĩnh mạch não.

Cuộc phẫu thuật tiến hành thành công, tuy nhiên sau đó bệnh nhân tiếp tục yếu dần. Truy tìm nguyên nhân, cuối cùng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị viêm màng não, tắc tĩnh mạch não là do chứng viêm tai giữa. Bệnh nhân được mổ lần hai để điều trị chứng viêm tai.

Chiều 15/2, tức hơn 3 tuần sau khi nhập viện, bệnh nhân đã tỉnh táo song do biến chứng của việc tụ máu não nên vẫn còn liệt nửa người.

Theo bác sĩ Phạm Anh Tuấn Phó khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đây là trường hợp tắc tĩnh mạch não do biến chứng của viêm tai giữa khá hiếm gặp, đồng thời đây cũng là trường hợp được cứu sống hy hữu bởi diễn tiến bệnh quá nhanh.

Bác sĩ Nguyễn Chánh Đức, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cũng khẳng định đây là trường hợp biến chứng viêm tai giữa hiếm gặp. "Thông thường mủ trong tai người bị viêm tai giữa sẽ chảy ra ngoài, còn với bệnh nhân Phương, chứng viêm khiến niêm mạc dày lên bít hết tai giữa khiến mủ bị ứ và đây là nguyên nhân gây biến chứng nội sọ", ông Đức nói.

Cũng theo bác sĩ Đức, tuy ít người bị biến chứng nội sọ, song người bệnh viêm tai giữa không nên chủ quan. Bởi ngoài việc gây điếc, viêm tai giữa còn dễ dẫn đến viêm màng não và những diễn tiến phức tạp sau đó.

"Cách tốt nhất là người mắc bệnh nên đi khám để được các bác sĩ tư vấn hướng điều trị. Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chi phí cho mỗi ca phẫu thuật viêm tai giữa 5-7 triệu đồng", bác sĩ Đức cho biết.

Viêm tai giữa là tên gọi chung để chỉ tình trạng viêm nhiễm ở bộ phận tai giữa, tức khoảng trống sau màng nhĩ. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ. Bệnh có thể do nguyên nhân tự phát hoặc do sự tác động từ bên ngoài như để tai tiếp xúc với môi trường gây viêm nhiễm.

Triệu chứng biểu hiện thường gặp của bệnh viêm tai giữa cấp là đau tai, chảy dịch. Nếu không điều trị tận gốc, bệnh trở thành mạn tính và có những biến chứng. Ở dạng nhẹ, bệnh nhân có thể bị điếc do thủng màng nhĩ. Ngoài ra bệnh còn có thể gây viêm màng não, áp xe não, áp xe ngoài màng cứng dễ gây tử vong.

Thiên Chương

No comments: