Jan 21, 2011

Dược thiện cho sản phụ thiếu sữa

Tuy chưa có những con số thống kê chính thức, nhưng trong vòng mươi năm gần đây, người ta dễ dàng nhận thấy là: tình trạng sản phụ không có sữa hoặc ít sữa đã trở nên khá phổ biến. Mặc dù hiện nay các chủng loại sữa nhân tạo dành cho trẻ em hết sức phong phú, nhưng không ai có thể phủ định một điều: sữa mẹ vẫn là thứ thức ăn quý giá và tối cần thiết cho con trẻ trong những năm tháng đầu đời. Bởi vậy, việc tìm ra và thực thi các biện pháp nhằm giúp cho người mẹ có và đủ sữa cho con bú là hết sức cần thiết.

Trong Y học cổ truyền, tình trạng không có sữa hoặc ít sữa thuộc phạm vi các chứng Nhũ chấp bất hành, Khuyết nhũ, Nhũ chấp bất túc... do nhiều nguyên nhân gây nên nhưng tựu trung không ngoài hai yếu tố là huyết và khí. Theo quan niệm của cổ nhân, sữa được tạo ra từ huyết và do khí vận hành, nếu huyết thiếu hoặc khí trệ thì sẽ phát sinh bệnh chứng Khuyết nhũ. Để giải quyết tình trạng này, y học cổ truyền sử dụng nhiều biện pháp như châm cứu, bấm huyệt, dùng thuốc theo biện chứng hoặc kinh nghiệm dân gian... trong đó có một phương thức phối hợp các thực phẩm và vị thuốc chế biến thành những món ăn có tác dụng chữa bệnh hết sức độc đáo. Bài viết này xin được giới thiệu một số công thức điển hình để độc giả có thể tham khảo và vận dụng khi cần thiết.

Với thể bệnh khí huyết hư nhược

Chứng trạng
Sản phụ thiếu sữa hoặc hoàn toàn không có sữa, nếu có thì sữa trong và nhạt, bầu vú nhỏ và mềm nhẽo, không có cảm giác căng tức, cơ thể mệt mỏi, sắc mặt nhợt nhạt, ăn kém, chậm tiêu, hay có cảm giác khó thở, tiểu tiện trong dài, đại tiện nát hoặc lỏng, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt...

Món ăn - bài thuốc
Bài 1: Móng giò lợn 2 cái, lạc 200g, gừng tươi và gia vị vừa đủ. Móng giò làm sạch, chặt miếng, rồi đem hầm với lạc cho thật nhừ, chế thêm gia vị, ăn trong ngày.

Bài 2: Cá diếc 1 con (nặng chừng 100-150g), làm sạch, rán qua rồi hầm nhừ ăn hàng ngày, 7 ngày là một liệu trình. Hoặc đem hầm cùng với móng giò lợn 2 cái cho thật nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn 2 lần trong ngày.

Bài 3: Móng giò lợn 2 cái, lạc 200g, hoàng kỳ 100g, gia vị vừa đủ. Móng giò làm sạch, chặt miếng; hoàng kỳ gói vào túi vải; hai thứ đem hầm với lạc cho thật nhừ rồi bỏ bã hoàng kỳ, chế đủ gia vị, chia ăn 2 lần trong ngày.

Bài 4: Nhau thai 1 cái, thịt lợn 250g, gừng tươi 9g, gia vị vừa đủ. Nhau thai rửa sạch, thái miếng; thịt lợn thái chỉ ướp gừng. Hai thứ cho vào nồi hầm lửa nhỏ cho thật nhừ rồi chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Bài 5: Chân giò lợn 1 cái, làm sạch, chặt miếng rồi đem hầm nhừ với xuyên sơn giáp 15g và thiên hoa phấn 15g, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Với thể can uất khí trệ

Chứng trạng
Sữa không thông, bầu vú căng hoặc đau tức, ngực sườn đầy chướng, không muốn ăn, thậm chí phát sốt, tinh thần căng thẳng bực bội khó chịu, rêu lưỡi vàng mỏng...

Món ăn - bài thuốc
Bài 1: Rau diếp 400g, rửa sạch, thái nhỏ, nấu canh ăn trong ngày, 5 ngày là một liệu trình.

Bài 2: Móng giò lợn 2 cái, mộc thông 5g, phật thủ 10g, lậu lô 15g, hành 2 củ. Móng giò làm sạch, chặt miếng; các vị thuốc cho vào túi vải buộc kín. Tất cả cho vào nồi hầm nhừ rồi bỏ bã thuốc, chế thêm gia vị, chia ăn 2 lần trong ngày.

Bài 3: Móng giò lợn 2 cái, củ niễng non 100g, gia vị vừa đủ. Móng giò làm sạch, chặt miếng rồi đem hầm với củ niễng cho thật nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Bài 4: Xương lợn 500g, thông thảo 6g, gừng tươi 10g, gia vị vừa đủ. Xương lợn rửa sạch, chặt nhỏ, đem hầm với thông thảo cho thật kỹ rồi chế thêm gia vị, dùng làm canh ăn hàng ngày.

Bài 5: Rau hoàng kỳ khô 30g, thịt lợn nạc 250g. Hoàng kỳ rửa sạch, thái nhỏ, thịt lợn rửa sạch thái chỉ. Hai thứ nấu thành canh ăn trong ngày.

Ngoài ra, thực đơn của sản phụ thiếu sữa nên trọng dụng các thực phẩm như chân giò lợn, thịt dê, cá diếc, cá chép, vừng đen, lạc, hạt bí ngô, xích tiểu đậu, củ niễng, rau diếp, đậu phụ, sữa đậu nành, mạch nha, nhau thai... và đặc biệt là móng giò lợn. Theo dinh dưỡng học cổ truyền, móng giò lợn, còn gọi là trư đề, trư cước, trư tứ túc... vị ngọt mặn, tính bình, có công dụng thúc sữa, bổ huyết, thường dùng làm thức ăn cho sản phụ ít hoặc không có sữa. Sách Tùy tức cư ẩm thực phổ viết: “Trư đề điền thận tinh nhi kiện yêu cước, tư vị dịch dĩ hoạt bì phu, trường cơ nhục, trợ huyết mạch năng sung nhũ chấp, giảo nhục ưu bổ” (móng giò lợn có thể làm tăng thận tinh, làm mạnh lưng và chân, bồi bổ vị dịch mà làm da dẻ sáng nhuận, cơ bắp vững chắc, dưỡng huyết mà làm tăng tiết sữa nhiều hơn so với thịt thường). Những thực phẩm cần kiêng kỵ là hạt tiêu, nhục quế, ớt, tỏi, đinh hương, rượu, trà đặc, cà phê, thuốc lá, mướp đắng, dưa hấu, dưa chuột, chuối tiêu, thị, ốc, cua

Thạc sỹ Hoàng Khánh Toàn

No comments: