Với cách thức và chế độ dinh dưỡng hợp lý, cùng với hoạt động thể lực và tập thể dục đều đặn, bệnh nhân tiểu đường có thể không phải dùng thuốc hoặc hạn chế được việc dùng thuốc, phòng ngừa nhiều biến chứng.
Yêu cầu về khẩu phần của bệnh nhân tiểu đường
- Cung cấp đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng sinh năng lượng theo một tỷ lệ cân đối: chất đạm (protid) chiếm 15-20% tổng năng lượng khẩu phần, chất béo (lipid) chiếm 25-30%, chất đường bột (glucid): 55-60%.
- Cung cấp đủ năng lượng để giữ cân nặng bình thường. Theo dõi cân nặng hoặc chỉ số khối cơ thể (BMI) để điều chỉnh tổng lượng calo/ngày cho phù hợp. Người gầy cần phải tăng cân, người béo phải giảm cân. Với người lao động nhẹ cần 30 kcal/kg/ngày, lao động trung bình cần 35 kcal/kg/ngày, lao động nặng cần 40-45 kcal/kg/ngày; nếu điều trị nội trú cần 25 kcal/kg/ngày; nếu cần giảm cân, cần 20 kcal/kg/ngày.
- Phân bổ hợp lý thực đơn thành nhiều bữa trong ngày để góp phần khống chế đường huyết, không để xảy ra tăng đường huyết quá mức sau bữa ăn và chống hạ đường huyết khi đói nhất là với bệnh nhân có dùng thuốc hạ đường huyết. Có thể chia thành 3 bữa chính và 1 đến 3 bữa phụ.
Khẩu phần & thời gian
Với trường hợp không phải tiêm insulin, cần ăn 3 bữa chính vào lúc 6h30-7h (20% nhu cầu calo/ngày), 11h30-12h (30%), 18h30-19h (30%) và 1 bữa phụ vào lúc 21h30-22h (20%). Nếu do điều kiện lao động và sinh hoạt chỉ có thể ăn 3 bữa/ngày thì phân bổ năng lượng trong ngày như sau: bữa sáng: 20%, bữa trưa 40% và bữa tối 40%.
Với trường hợp phải tiêm insulin, cần ăn 3 bữa chính (65% nhu cầu calo/ngày) và 3 bữa phụ (35%) vào giữa buổi sáng, giữa buổi chiều và đêm (trước khi đi ngủ).
Với người bệnh là phụ nữ có thai, đang cho con bú, trẻ đang lớn, hoặc có biến chứng (như tăng huyết áp, suy tim, thận hư...) cần có chế độ ăn uống đặc biệt do thầy thuốc quy định.
Ăn thức gì?
- Ða dạng thực phẩm. Khi lựa chọn thực phẩm, ngoài các thành phần sinh năng lượng, cần chú ý chọn thực phẩm có nhiều chất xơ (40g/ngày), có nhiều vitamin nhất là vitamin nhóm B.
Với thực phẩm có nhiều bột, đường.
- Nên ăn gạo, tấm xay, bánh mì không có phụ gia, sữa đã được lọc chất béo, sữa chua và pho-mat không có bơ.
- Nên hạn chế ăn gạo lức, gạo nếp, bánh mì trắng, chất ngọt, miến dong, khoai lang, khoai tây, bột sắn dây lọc, đậu đỗ các loại, bánh ngọt nhân hoa quả, các loại quả, các loại nước quả, nước rau các loại.
- Không ăn đường, các đồ ăn thức uống có đường, sữa thô và các sản phẩm có sữa thô, các loại quả ngọt sấy khô, ngâm đường, nho khô, rau quả hộp; không uống nước giải khát có dextrin (như bia), có đường (như Coca Cola, Pepsi, Fanta...).
Với thực phẩm có nhiều dầu, mỡ:
- Hạn chế ăn các loại cá béo, bơ thực vật, dầu thực vật.
- Không ăn các loại cá có nhiều mỡ (như cá tra, cá nheo, sò, ngao, cua bể...), không ăn óc, lòng, phủ tạng, bơ, mỡ đông lạnh, lạc, khoai tây rán.
Với thực phẩm có nhiều chất đạm:
- Nên ăn các loại thịt nạc (thịt gà bỏ da, thịt chim trừ ngan, ngỗng) đặc biệt là thịt bê, thịt bò, thịt thú rừng; cá (nếu là cá béo phải bỏ da), lòng trắng trứng.
- Nên hạn chế ăn thịt dê, cừu.
- Không ăn các loại thịt có nhiều mỡ: cừu, vịt, ngan, ngỗng, xúc xích lợn, thịt hun khói, gan, thận, phổi.
Thức ăn cần được chế biến sao cho ngon miệng, chủ yếu là luộc hoặc nấu; không xào, rán hay rang với mỡ.
- Nên hạn chế muối (1g muối cho 1.000kcal), chỉ dùng những gia vị không chứa cacbohydrat.
- Không uống rượu, không uống các đồ uống có rượu. Cà phê, chè chỉ nên uống vừa phải; không hút thuốc lá, thuốc lào, nếu đang hút nên bỏ thuốc.
Lưu ý:
Người bị tiểu đường cần:
- Ăn đúng giờ, ăn chậm nhai kỹ.
- Không bỏ bữa kể cả khi không muốn ăn.
- Không quên bữa phụ (với thực đơn có bữa phụ).
- Không tự ý đặt ra chế độ ăn kiêng. Khi cần, phải ăn kiêng và hạn chế khối lượng thức ăn (theo yêu cầu của thầy thuốc), phải giảm dần lượng thức ăn. Khi đã đạt đến mức cần thiết, cần duy trì đều đặn.
No comments:
Post a Comment