Ở người mới có thai bị đau dạ dày, tần suất đau nhiều hơn do nôn mửa (dạ dày phải co bóp mạnh, ngược chiều để đẩy thức ăn ra). Khi hết nghén, nhu động cơ dạ dày và ruột do thai nghén giảm, đồng thời vị trí dạ dày bị thay đổi do tử cung to lên chèn ép khiến thức ăn chậm tiêu, dễ ứ đọng dịch vị, làm nặng thêm thương tổn trong niêm mạc dạ dày.
Nếu cơn đau dạ dày nhiều, nặng thì cần được điều trị bằng các thuốc thích hợp do các thầy thuốc chuyên khoa tiêu hóa lựa chọn. Ngày nay, người ta đã biết rõ tác nhân gây đau dạ dày là một loại vi khuẩn (helicobacter pylori) gây ra. Vì thế trong điều trị nhất thiết cần có kháng sinh diệt khuẩn, thuộc nhóm Tetracylin, có khi còn phối hợp với cả nhóm Metronidazol. Đây là những thuốc được khuyến cáo không nên dùng cho người có thai. Ngoài ra, một số thuốc khác để chữa bệnh dạ dày cũng được khuyên không nên dùng hoặc nếu dùng phải thận trọng với người mang thai, như thuốc chứa Lansopazol, Cimetidin, Famotidin hoặc Bismuth salicylat…
Người có thai khi muốn dùng thuốc để chữa chứng đau dạ dày, thì nhất thiết phải có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa tiêu hóa. Bệnh nhân cần thông báo tình trạng thai nghén để bác sĩ lựa chọn thuốc thích hợp nhất với hoàn cảnh của mình. Ngoài ra, để chẩn đoán và theo dõi tiến triển của bệnh, thầy thuốc có thể chỉ định soi hoặc chụp X quang dạ dày. Những việc này chỉ nên tiến hành khi thật sự cần thiết, còn nếu có thể trì hoãn được đến sau sinh thì nên chờ đợi.
Bác sĩ Phó Đức Nhuận, Khoa học và Đời sống
No comments:
Post a Comment