Được chăm sóc tốt nhưng vẫn gầy yếu, chậm mọc răng, lâu biết đi, gù vẹo cột sống. Nhiều trẻ mắc căn bệnh tưởng ít nguy hiểm nhưng gây di chứng suốt đời chỉ vì thiếu ánh mặt trời, không được bú mẹ đầy đủ, lại hay bị tiêu chảy.
Còi xương là một bệnh loạn dưỡng xương do thiếu hoặc rối loạn chuyển hóa vitamin D trong cơ thể. Bệnh do thiếu vitamin D (còn gọi là bệnh còi xương dinh dưỡng), phổ biến ở lứa tuổi dưới 3, khi hệ xương phát triển mạnh.
Vitamin D cho cơ thể trẻ em được cung cấp từ hai nguồn chủ yếu:
- Nguồn thức ăn: Chủ yếu là sữa mẹ, nhưng hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ cũng không nhiều (khoảng 10 đơn vị/100ml). Khi đến tuổi ăn dặm trẻ sẽ được bổ sung vitamin D từ một số loại thức ăn như gan, lòng đỏ trứng...
- Nguồn vitamin D do cơ thể tự tổng hợp được ở da dưới tác dụng của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời. Nếu được chiếu tia cực tím, ước tính sự tổng hợp vitamin D là 18 đơn vị/cm2 da/ngày. Trung bình mỗi ngày cơ thể tổng hợp được từ 50-1.000 đơn vị vitamin D, thỏa mãn nhu cầu của cơ thể.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chủ yếu gây còi xương ở trẻ em chính là do thiếu ánh sáng mặt trời. Nhà ở của trẻ chật chội, thiếu ánh sáng, trẻ được mặc quá nhiều quần áo, không được đưa ra ngoài trời tắm nắng, sinh vào mùa đông hoặc ở vùng cao có nhiều mây mù.
Nguyên nhân thứ hai là do chế độ ăn uống của trẻ. Trẻ không được bú sữa mẹ thường xuyên, trẻ hay bị tiêu chảy làm giảm hấp thụ vitamin D.
Bệnh còi xương hay xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, trẻ đẻ non, trẻ đẻ thiếu cân; ở trẻ hay bị các bệnh nhiễm khuẩn cấp, đặc biệt là tiêu chảy.
Triệu chứng
Còi xương là bệnh toàn thân, ảnh hưởng không những đến hệ xương mà còn ảnh hưởng đến thần kinh, cơ, máu... Các biểu hiện của bệnh thay đổi tùy theo từng thời kỳ bệnh tiến triển.
Ở giai đoạn sớm, trẻ thường hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, vã nhiều mồ hôi cả lúc thức lẫn lúc ngủ. Giai đoạn muộn có thể thấy xương sọ có dấu hiệu mềm, thóp trước rộng, bờ mềm, chậm kín; có bướu ở trán, ở đỉnh đầu làm đầu to ra. Trẻ chậm mọc răng, lồng ngực có khi biến dạng như ngực gà. Các đầu xương dài bị bè ra; chân cong kiểu vòng kiềng hoặc choãi ra như chữ X. Cột sống có thể bị gù vẹo; xương chậu bị biến dạng hẹp. Bụng của trẻ thường bị to bè.
Trẻ bị còi xương thường chậm biết ngồi, chậm biết đi. Trẻ bị còi xương nặng có thể xuất hiện những cơn giật do canxi trong máu bị giảm. Ở những giai đoạn muộn, bệnh còi xương thường để lại những di chứng không tốt về sau.
Điều trị và phòng tránh
Ðiều trị bệnh còi xương chủ yếu bằng tắm nắng buổi sáng và uống vitamin D, chứ không phải cho uống các chế phẩm có chứa canxi và ăn thêm xương. Những trẻ phải uống vitamin D hay những trẻ có bệnh cấp tính kèm theo như tiêu chảy, viêm phổi cần được các thầy thuốc chuyên khoa tư vấn và hướng dẫn. Ðiều trị chỉnh hình được đặt ra với những trẻ bị biến dạng xương nặng và khi bệnh đã khỏi.
Cách tốt nhất để phòng bệnh còi xương là trong thời gian mang thai và cho con bú người mẹ cần được tắm nắng, có thời gian hoạt động ngoài trời, có chế độ ăn uống đầy đủ. Vào các tháng cuối của thai kỳ, thai phụ nên ăn các thức ăn có nhiều vitamin D và uống thêm dầu cá.
Để tránh còi xương, trẻ sinh ra cần được bú sữa mẹ đầy đủ. Bên cạnh việc có chứa một hàm lượng vitamin D nhất định, trong sữa mẹ còn có những chất chuyển hóa của vitamin D rất cần thiết cho trẻ.
Ðối với trẻ đẻ non, đẻ thiếu cân có thể cho uống vitamin D 400 đơn vị mỗi ngày trong suốt năm đầu. Ðiều quan trọng là phải thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời buổi sáng. Nhà ở của trẻ phải có đủ ánh sáng. Quan tâm, để ý đến các biến đổi của trẻ để có cách điều chỉnh kịp thời.
ThS. Hà Lê Anh,
No comments:
Post a Comment