Jan 21, 2011

Tập thể dục mắt

Ít ai nghe thấy từ này bao giờ. Song đó lại là một điều có thực. Nhiều người chỉ nghĩ rằng tập thể dục mắt là tập đưa mắt lên xuống, đảo mắt sang trái sang phải hay quay mắt qua lại nhiều vòng theo chiều kim đồng hồ và ngược lại, nhiều lần. Thế cũng tốt, nhưng đó mới chỉ là phần khởi động ban đầu. Chứ tập thể dục mắt còn phải tập độ nhìn nông, sâu, xa, gần nữa (!).

Thật vậy, thủy tinh thể mắt là một thấu kính hội tụ sinh học. Nó là thấu kính hội tụ nhưng độ cong không cố định mà do tính “sinh học” có thể điều chỉnh được:

Nếu thấu kính này dẹp lại thì tiêu điểm đi ra xa và ta có thể nhìn xa.
Trái lại, nếu nó phồng lên thì do tiêu điểm gần lại nên ta có thể nhìn gần.

Với nguyên lý đó, người ta có thể chủ động tập thể dục theo cách: tập điều chỉnh thủy tinh thể. Sau khi đã làm động tác khởi động như đã nêu trên, bạn hãy tập thủy tinh thể như thế này:

Bước 1: Đưa hai ngón tay cái ra phía trước với một cự ly nào đó và tâp trung nhìn vào các đường nhăn trên ngón tay đó, sao cho thật rõ. Khi đó, một độ cong của thủy tinh thể đã được xác định.

Bước 2: Bạn từ từ đưa ra xa, nhưng mắt vẫn dõi theo các đường nhăn thật rõ. Như vậy bạn đã đang làm cho độ cong của thủy tinh thể giảm dần, đưa tiêu điểm ra xa. Khi đã thẳng hết tay, thì bạn có thể nhìn ra thật xa tít mù tắp để giảm độ cong của thủy tinh thể giảm hết cỡ.

Bước 3: Bạn từ từ đưa hai ngón tay lại gần mình, nhưng mắt vẫn dõi theo các đường nhăn thật rõ. Đó là lúc bạn đang tăng dần độ cong của thủy tinh thể. Đến một lúc nào đó sẽ thấy mờ đi và không còn đưa tay gần hơn mà vẫn rõ được nữa, thì cũng là lúc độ cong của thủy tinh thể là lớn nhất.

Bạn cứ lặp đi lặp lại Bước 2 và 3 nhiều lần, mới đầu chậm sau đó nhanh dần lên và luôn nhớ dõi theo các đường nhăn thật rõ. Mỗi buổi sáng có thể tập vài phút. Sau một tời gian tập luyện thường xuyên, hàng ngày, bạn sẽ có đôi mắt tinh nhanh hơn, có thể đáp ứng được các tình huống tức thời: nhìn ra xa hay nhìn gần lại ngay lập tức, vì thủy tinh thể đã được luyện tập dẻo dai và dễ thích ứng rồi.

Lúc còn trẻ bạn tập ngay đi thì càng tốt. Còn khi có tuổi cao và đã bỏ qua một thời kỳ khổ luyện như vậy, thủy tinh thể sẽ lão hóa sơ cứng lại, không co dãn nhịp nhàng được nữa. Lúc đó, độ cong của thủy tinh thể đã bị gần như cố định, và bạn sẽ trở thành người viễn thị hoặc cận thị hẳn, và nhất định bạn phải đi khám mắt để sắm cho mình một cặp kính thích hợp và bạn có muốn tập cũng không còn kịp nữa. Mà như mọi người biết đấy, mang kính thì trông có vẻ “bác học” đấy, nhưng cũng thật vướng víu, mà chẳng may quên/mất kính thì thôi rồi! Rồi mắt kính đôi lúc lại bị mờ nữa chứ do chất lượng thủy tinh không thật tốt: chưa lau đã xước, thì chỉ làm hại mắt mà thôi!

Chính tôi, đã thực hành kiểu tập thể dục mắt nhiều năm, nên chưa bao giờ tôi phải mang kính cả mà ở độ tuổi xế chiều như bây giờ, vẫn đọc sách báo ở độ xa, mà nhiều người cứ phải có kính mới làm được. Hơn nữa, khi đi đường hay bất cứ đâu, phản xạ mắt của tổi rất nhanh và chính xác. Trong lớp học, từ bục giảng tôi có thể nhìn thấu đến tận cuối lớp, để quản lý đám học trò “hiếu động” của mình một cách hiệu quả. Tôi đã phổ biến cho nhiều bạn bè và họ cũng đã thành công!
Chúc các bạn có đôi mắt tinh nhanh và không bao giờ phải phải mang kính!

Phạm Đăng Long

No comments: