Jan 21, 2011

Zona - bệnh của những cơn đau dai dẳng

Bệnh zona xuất hiện ở những người từng bị thủy đậu, biểu hiện bằng cảm giác rát bỏng và đau ở vùng da, nơi sẽ mọc lên các mụn nước.

Bệnh nhân luôn cảm thấy đau đớn khó chịu. Nhưng đáng sợ nhất vẫn là tình trạng đau sau zona, một trong các biến chứng của bệnh.

Bác sĩ Đặng Hoàng Anh, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết, tác nhân gây virus zona varicellae, cũng là tác nhân gây bệnh thủy đậu. Virus này có thể nằm hàng chục năm trong hạch bạch huyết của người từng mắc bệnh thủy đậu, sau đó tái hoạt động và gây ra bệnh zona. Bệnh zona xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp hơn ở những người có sức đề kháng yếu như người già, người nhiễm HIV, người có bệnh về máu, tiểu đường, ung thư, lupus đỏ cấp...

Triệu chứng khởi đầu là người bệnh có cảm giác rát bỏng và đau ở vùng da (sẽ nổi mụn nước sau này), có thể kèm theo sốt, nhức đầu, ớn lạnh. Sau đó, các mụn nước sẽ xuất hiện thành chùm trên nền hồng ban, thường ở một bên cơ thể và dọc theo dây thần kinh. Vị trí thường gặp nhất là ở ngực (theo dây thần kinh liên sườn), cổ, mặt, vùng lưng (theo dây thần kinh tọa).

Nếu không được điều trị sớm, những bọng nước dễ bị vỡ ra, lan rộng, sau khi lành để lại nhiều sẹo xấu hoặc dẫn tới biến chứng mù mắt (nếu bị zona ở mắt) và đau sau zona.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trung tâm Cấp cứu Trưng Vương TP HCM, cho biết, đau sau zona là biến chứng đáng sợ nhất của bệnh zona. Tuổi càng cao càng dễ bị biến chứng này. Đây là tình trạng đau dai dẳng theo khoanh da sau khi mụn nước đã lành (4-6 tuần), là hội chứng đau mạn tính, rất khó trị. Lúc này, bệnh nhân phải chịu những cơn đau liên tục như dao đâm, cắt thịt. Có người đau từ vài tháng đến 2 năm, có người đau dai dẳng suốt đời.

Để tránh biến chứng này, trong thời gian mắc bệnh zona, bệnh nhân cần điều trị bằng thuốc kháng virus. Thuốc cũng giúp mau lành sẹo, giảm mức độ bệnh, rút ngắn thời gian viêm và đau cấp.

Bác sĩ Thủy cũng cho biết, gần 90% bệnh nhân đau sau zona ở Trung tâm Cấp cứu Trưng Vương từng được điều trị sai với các cách chữa dân gian như khoán (lấy mực tàu khoanh vùng mọc mụn nước), đắp đậu xanh, lá cây... nơi đau, rát. Các cách điều trị này chẳng những không chữa khỏi bệnh mà còn gây ra tình trạng bội nhiễm ở các vùng tổn thương da. Điều đáng tiếc là khi dùng theo những cách này, người bệnh đã tự đánh mất khoảng thời gian điều trị hiệu quả nhất (trong vòng 3 ngày tính từ khi khởi bệnh).

Người Lao Động

BỆNH ZONA



Thủ phạm gây bệnh zona cùng một loại gây bệnh thủy đậu. Khi bị thủy đậu, virus xâm nhập vào cơ thể, khư trú vĩnh viễn ở đó và lúc khỏi bệnh nó ẩn náu vào các hạch thần kinh ở rễ tủy sống hoặc ở não. Virus đột ngột xuất hiện trở lại khi hệ miễn dịch suy giảm như khi ốm, tuổi tác, stress ...

Triệu chứng

Phát ban đỏ, sau nổi mụn ở mặt da, thường khu trú dọc theo đường đi của dây thần kinh cảm giác (ở ngực, dọc theo chiều dài một vài xương sườn - 50% các trường hợp), ở bụng, thắt lưng, mắt .... Ðau rát như bỏng và ngứa ở các chỗ có mụn. Bệnh dễ chẩn đoán, hiếm khi xuất hiện zona lần thứ hai trên một người.

Bệnh chỉ phát triển ở trẻ em trước 4 tuổi do lúc mẹ mang thai mắc thủy đậu, hoặc những người bị suy giảm miễn dịch. Bệnh lây truyền do tiếp xúc ngoài da với các tổn thương khi các mụn nước này đầy virus. Vì thế cần cách ly bệnh nhân và tránh tiếp xúc với phụ nữ có thai.

Ðiều trị

Ngoại trừ zona tác động tới dây thần kinh thị giác, còn nói chung bệnh diễn biến lành tính, khỏi sau 2-10 tuần. Dùng các loại thuốc sát trùng tại chỗ, thuốc kháng sinh nếu có bội nhiễm. Dùng các thuốc giảm đau thông thường là đủ (như paracetamon hoặc aspirin), nếu không đỡ dùng các thuốc giảm đau mạnh hơn hoặc loại bezodiazepine.

Phòng bệnh

Hiện chưa có biện pháp nào, ngoài tiêm chủng phòng thủy đậu.

ZONA (Herpes Zoster)



Là một loại bệnh cấp của hệ thần kinh trung ương, do virus nhiễm vào hạch của các rễ sau gây đau dây thần kinh rồi phát ban, nổi nốt phỏng nước cấp tính, có đặc điểm là những thủy bào tụ thành hình đai mọc theo đường dây thần kinh một bên người, kèm theo triệu chứng đau như lửa châm và các hạch bạch huyết ngoại vi sưng to, giống Herpes trên vùng da thuộc về dây thần kinh đó.

Có biểu hiện viêm ở hạch đàng sau và đôi khi trong sừng sau của tủy. Nốt phỏng là do huyết thanh tiết dưới lớp sừng.

Đông y từ lâu đã đề cập đến chứng này trong sách ‘Chứng Trị Chuẩn Thằng – Sang Khoa’ (Thế kỷ 17).

Tùy theo vị trí của vết phỏng xuất hiện mà có tên gọi khác nhau:
Vì người xưa thấy bệnh phát những vết bỏng (đơn) bò ngoằn nghèo như con rắn nên gọi là Xà Đơn. Hoặc thấy những nốt bỏng rát (hỏa đơn) mọc lan ở vùng ngang eo lưng (triền yêu), vì vậy gọi là Triền Yêu Hỏa Đơn…

. Ở vùng lưng gọi là Đới Trạng Bào Chẩn, Triển Yêu Hỏa Đơn, Hỏa Đới Sang, Hỏa Yêu Đới Độc, Xà Triển Sang, Bạch Xà Xuyến.
. Ở vùng đầu mặt gọi là Xà Đơn, Xà Hoạn Sang, Bạch Xà Hoạn, Hỏa Đơn.

Dân gian quen gọi là Giời Leo, Giời Bò, Giời Đái, Giờ Vắt Khăn…
Bệnh có thể xẩy ra ở mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ. Thường gặp ở người trưởng thành, mắc bệnh một lần hết bệnh, rất hiếm mắc bệnh lần thứ hai.

Thường phát vào mùa xuân, mùa thu.

Bệnh do virut Herpes, cũng là loại virut gây bệnh thủy đậu nên có tên là Varicella - Zoster virus.

Nguyên Nhân
+ Do một loại siêu vi có ái tính thần kinh, gần giống siêu vi gây bệnh thủy đậu.
+ Theo Đông y, do Can Đởm có phong nhiệt hoặc có thấp nhiệt ở bên trong xuất ra ngoài da gây nên bệnh.

. Sách ‘Y Tông Kim Giám – Ngoại Khoa Tâm Pháp Yếu Quyết’ viết:

“Chứng Xà hoạn sang (zona) do thấp thì có mầu vàng trắng, nốt phỏng to nhỏ không đều, vỡ ra chảy nước, chuyển sang khô thì đau nhiều, do kinh Tỳ và Phế có thấp nhiệt. Điều trị dùng bài Trừ Thấp Vị Linh Thang”.

. Sách ‘Y Tông Kim Giám – Ngoại Khoa Tâm Pháp Yếu Quyết’ viết: “Chứng Xà hoạn sang (zona) khô mà mầu đỏ, hình dạng giống mảng mây, theo phong đi lên, phát ngứa, nóng. Do Can và Tâm có phong hỏa. Điều trị, dùng bài Long Đởm Tả Can Thang”.

+ Do Độc Ứ Trệ: kinh mạch không thông, khiến cho khí trệ huyết ngưng, kinh khí không thông, thường để lại di chứng đau không ngừng hoặc đau như kim châm liên tục.

Chẩn Đoán

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào:

a - Tổn thương da là những mụn thủy đậu bằng hạt đậu xanh, tập trung thành dải dọc dây thần kinh ngoại biên, da bóng, nền đỏ, một bên thân người. Thể nặng có mụn phỏng to, mụn máu hoặc hoại tử giữa có da bình thường. Bệnh phát sinh ở đầu và mặt thường là nặng.

b - Trước lúc xuất hiện nốt phỏng ngoài da, thường có sốt, đau như lửa châm đốt ở vùng da kèm theo các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, khó chịu toàn thân.

b - Đau nhức, có khi không chịu nổi, và sau khi khỏi vẫn còn đau.

Chẩn Đoán Phân Biệt

Có thể lầm bệnh Zona với các bệnh sau:
+ Mụn Dộp (Herpes): mọc ở bất kỳ chỗ nào, thường ở khóe miệng và bộ phận sinh dục, ít đau hơn và thường tái phát.
+ Thủy Đậu: Đa số là bóng nước, rải rác toàn thân, có trong niêm mạc miệng. Các bóng nước không xuất hiện đồng loạt mà kế tiếp nhau.
+ Chốc Dạng Bóng Nước: Bóng nước vỡ nhanh, vẩy mầu mật ong, rải rác ở đầu, mặt, cổ.
+ Thấp Chẩn Dạng Thủy Bào: mụn dộp đa dạng, mọc bất kỳ vùng nào, thường đối xứng 2 bên, ngứa nhiều.
+ Mụn Phỏng (Herpes simplex): Thường phát sinh mụn phỏng ở vùng giáp ranh da và niêm mạc, không theo đường phân bố thần kinh, hơi ngứa và có xu hướng tái phát nhiều lần. Nốt phỏng thường phát sinh sau sốt hoặc trong quá trình sốt cao, thường kèm rối loạn tiêu hóa và kinh nguyệt không đều.

Triệu Chứng
Nung bệnh khoảng 7~12 ngày. Trong giai đoạn ủ bệnh thường có sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đâu đầu.
. Khởi Phát: Sốt, rét run, nhức đầu, khó chịu, rối loạn tiêu hóa. Đau như bị phỏng hoặc đau dây thần kinh.
. Toàn Phát: Phát ban, nổi nốt phỏng sau 5~6 ngày của thời kỳ khởi phát ở khu vực của rễ thần kinh. Lúc đầu là các mảng phát ban. Mụn nước xuất hiện trên nền da mầu hồng thành từng chùm, kích thước thay đổi, có khi đến 10cm đường kính. Sau vài giờ thì nổi nốt phỏng trong và đến ngày thứ ba thì đục và khô lại, ngày thứ tư, thứ năm. Có khi những mụn nước gom lại thành bóng nước, sau đó hóa mủ, vỡ ra, đóng vẩy. Nổi hạch có thể xuất hiện trước ở khu vực bạch huyết tương đương. Mỗi vùng da đều có một nhánh thần kinh da chi phối, vì vậy người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức tùy theo nhánh thần kinh bị tổn thương như thần kinh liên sườn, thần kinh số 5, thần kinh tọa… Các nơi bị phát ban nổi nốt phỏng đỏ, đau dữ dội, kéo dài rất lâu nhất là ở người lớn tuổi.

Đặc điểm của tổn thương là chỉ mọc một bên cơ thể. Rất hiếm khi bệnh xuất hiện ở hai bên trừ khi dây thần kinh có nhánh nối ở bên kia.

Các vị trí thường xuất hiện Zona là:
+ Zona Liên Sườn: Đau bên hông sườn như đâm, vài giờ sau nổi hạch ở nách, rồi nốt phỏng xuất hiện thành một dải vắt ngang từ xương sống đến xương ức ở một bên.
+ Zona Mắt: Đau, nhức đầu, nổi nốt phỏng ở khu vực thuộc nhánh trên của dây thần kinh sinh ba. Xuất hiện ở một bên mắt, có loét và đục giác mạc. Có thể liệt cơ vận động mắt. Nổi hạch trước tai và thường có biểu hiện màng não.
+ Zona Hạch Gối: Do tổn thương hạch gối gây nên đau, phát ban ở tai ngoài, vành tai, vòm hàm và cột trước.

Bệnh Zona tiến triển khoảng2~3 tuần tùy sức đề kháng của người bệnh. càng trẻ diễn tiến càng nhanh, nhẹ và tự khỏi những trường hợp lớn tuổi thường sau khi hết các triệu chứng của Zona sẽ cảm thấy đau nhức rất nhiều ở các sẹo của bệnh, tạo nên chứng ‘đau sau Zona’
Thường thì bệnh Zona không tái phát, chỉ bị một lần duy nhất.
Zona có thể tự khỏi sau khi hoành hành 7~10 ngày và sẽ tự giảm.
Sau khi khỏi, các vết thương tổn sẽ để lại sẹo tròn bạc màu, sắp xếp từng đám và dần dần mầu da sẽ trở lại bình thường.

Theo Đông Y có thể gặp một số dạng sau:

+ Do Thấp Nhiệt: Vùng tổn thương mầu đỏ, mụn nước tụ lại, chất nước trong, vỡ ra hoặc lở loét, đau nhức, ăn vào thì đầy trướng, mạch Nhu Sác hoặc Hoạt Sác, lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi trắng bệu hoặc vàng bệu.

Điều trị: Thanh hóa thấp nhiệt, lương huyết, giải độc. Dùng bài Ý Nhân Xích Đậu Thang gia giảm: Ý dĩ nhân, Xích tiểu đậu đều 15g, Phục linh bì, Ngân hoa, Địa phu tử, Sinh địa đều 12g, Xa tiền tử, Xa tiền thảo, Xích thược, Mã xỉ hiện đều 10g, Cam thảo 6g, Hoắc hương, Bội lan đều 9g. Sắc uống (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học).

+ Do Nhiệt Độc: Da vùng tổn thương mầu đỏ, có thể thấy có nốt ban có nước, mọc gom một chỗ hoặc giống như dải khăn, cảm thấy nóng, rát, về đêm không ngủ được, họng khô, miệng đắng, nước tiểu vàng, táo bón, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc vàng khô, mạch Huyền Sác.
Điều trị: Thanh nhiệt tả hỏa, giải độc, chỉ thống. Dùng bài Đại Thanh Liên Kiều Thang gia giảm: Đại thanh diệp, Huyền sâm, Quán chúng, Hoàng cầm đều 9g, Liên kiều, Ngân hoa, Sinh địa đều 12g, Mã xỉ hiện 12~15g, Đơn bì (sao), Xích thược đều 6g, Lục đậu y 15~30g (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học).

+ Do Khí Trệ Huyết Ngưng: Thường gặp nơi người lớn tuổi, sau khi vết tổn thương lặn đi thì rất đau, đêm về không ngủ được, tâm phiền, lưỡi đỏ hoặc đỏ tối. ít rêu hoặc rêu trắng nhạt, mạch Tế Sáp.
Điều trị: Thư Can lý khí, thông lạc, chỉ thống. Dùng Kim Linh Tử Tán gia giảm: Kim linh tử, Uất kim, Tử thảo căn đều 9g, Huyền hồ sách 6~9g, Sài hồ (tẩm dấm), Thanh bì đều 6g, Bạch thược (sao), Đương quy đều 12g, Ty qua lạc 10g (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học).

+ Can Kinh Uất Nhiệt: Có nốt ban đỏ, có nước, mặt bóng căng, đau như lửa đốt, miệng khát, họng khô, bứt rứt, dễ nóng nảy, ăn không ngon, táo bón, tiểu vàng đậm, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch Huyền, Hoạt, Sác.

Điều trị: thanh nhiệt lợi thấp, giải độc, chỉ thống. Dùng bài Long Đởm Tả Can Thang gia giảm.

Bệnh phát ở đầu mặt thêm Cúc hoa, phát ở tay vai thêm Khương hoạt, Khương hoàng; Phát bệnh ở chân thêm Ngưu tất, Độc hoạt. Huyết nhiệt rõ thêm Bạch mao căn, Đơn bì. Có bội nhiễm, nhiệt độc thịnh thêm Ngân hoa, Bồ công anh, Thạch cao. Táo bón thêm Đại hoàng. Đau nhiều thêm Huyền hồ, Xuyên luyện tử. Người cao tuổi cơ thể yếu thêm Đảng sâm, Hoàng kỳ.

+ Tỳ Hư Thấp Trệ: Sắc ban chẩn nhạt không tươi, mụn nước dày, có thủy bào lớn, loét cháy nước thì đau nhẹ hơn, miệng không khát hoặc khát mà không thích uống nước, chán ăn, ăn xong bụng đầy, tiêu lỏng, lưỡi bệu, sắc nhợt, rêu trắng dày hoặc nhầy, mạch Trầm Hoạt.
Điều trị: Kiện tỳ, trừ thấp, giải độc. Dùng bài Trừ Thấp Vị Linh Thang Gia Giảm. Thêm Kim ngân hoa, Bồ công anh để giải độc. Thêm Huyền hồ hoạt huyết, hành khí chỉ thống.

+ Khí Trệ Huyết Ứ: Bào chẩn sắc tối, đau liên tục, môi thâm, móng tay xanh, chân tay lạnh, tinh thần mệt mỏi, da đã lành mà vẫn đau tiếp tục. Lưỡi có điểm ứ huyết hoặc tím.

Điều trị: hoạt huyết, hóa ứ, hành khí, chỉ thống, giải độc. Dùng bài Huyết Phủ Trục Ứ Thang gia giảm. Đau nhiều thêm Huyền hồ, Nhũ hướng, Mộc dược, Đan sâm. Táo bón thêm Đại hoàng. Người cao tuổi cơ thể hư yếu thêm Hoàng kỳ, Đảng sâm. Bệnh phát ở đầu thêm Ngưu bàng tử, Cúc hoa (dã), Thạch quyết minh. Phát ở ngực sườn thêm Qua lâu...

Một Số Bài Thuốc Kinh Nghiệm

+ Cúc Lam Ẩm (Tân Trung Y 1986, 7): Minh phàn 4,5g, Cúc hoa, Bản lam căn, Thần khúc đều 10g, Câu đằng, Địa đinh đều 15g, Cam thảo (sống) 3g. Sắc uống.
TD: Thanh nhiệt giải độc, thu thấp, liễm sang. Trị zona
Đã trị 30 ca, hoàn toàn khỏi.

+ Bồ Công Anh Thang (Liêu Ninh Trung Y Tạp Chí 1989, 3): Bồ công anh 30g, Phòng kỷ 15g, Hoàng cầm, Uất kim đều 12g, Chi tử 15g, Mao căn, Xích tiểu đậu đều 30g, Xa tiền tử (bọc lại) 10g, Hương phụ 12g, Cam thảo 6g. Sắc uống.
TD: Thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, lợi thủy. Trị zona.
Đã trị 58 ca, uống 3~6 thang, chỉ có 1 ca uống 9 thang, hoàn toàn khỏi.

+ Bào Chẩn Thang (Hắc Long Giang Trung Y Dược 1988, 2): Hoàng cầm 10g, Bản lam căn, Diên hồ sách đều 25g, Cương tằm, Liên kiều đều 20g, Sài hồ, Hương phụ, Xuyên luyện tử, Bạc hà, Trần bì, Cam thảo đều 15g. Sắc uống.
TD: Sơ Can lý khí, thanh nhiệt giải độc. Trị zona.
Đã trị 100 ca, có kết quả 100%.

+ Sài Uất Thang (Trung Y Tạp Chí 1988, 8): Đih hương, Uất kim, Sài hồ, Chỉ xác, Xuyên khung, Xích thược, Cam thảo đều 9g, Bản lam căn 30g. Sắc uống.
TD: Sơ Can lý khí, hoạt huyết giải độc. Trị thần kinh đau do di chứng zona.
Đã trị 30 ca, khỏi 23, không khỏi 7.

+ Thanh Chẩn Thang (Trung Tây Y Kết Hợp Tạp Chí 1984, 9): Đại thanh diệp, Hoàng cầm, Kim ngân hoa, Đảng sâm đều 12g, Diên hồ sách, Phòng kỷ, Tử thảo, Cam thảo đều 6g, Bạch chỉ, Bạch tiên bì đều 9g, Bản lam căn 15g. Sắc uống.
TD: Thanh nhiệt giải độc, khứ phong trừ thấp, lý khí chỉ thống. Trị zona.
Đã trị 70 ca, uống 1~19 thang. Khỏi hoàn toàn.

+ Đơn Chi Sài Hồ Thang (Trung Quốc Trung Y Bí Phương Đại Toàn): Đơn bì, Chi tử, Sài hồ, Đương quy, Xích thược, Xuyên khung đều 10g. Sắc uống.
TD: Tả hỏa ở kinh Tâm và Can, thanh thấp nhiệt ở kinh Can và Tỳ. Trị zona.
Đã trị 57 ca, uống 2~6 ngày. Khỏi hoàn toàn.

+ Sài Đơn Thang II (Hồ Nam Trung Y Tạp Chí 1985, 1): Sài hồ, Đơn bì, Hoàng cầm, Xuyên luyện tử, Hạ khô thảo, Cát cánh (lá), Nhân trần đều 10g, Diên hồ sách, Nhũ hương (chế), Một dược (chế), Bản lam căn, Bạch tật lê đều 15g, Mẫu lệ (sống) 30g. Sắc uống.
TD: Sơ Can lý khí, hoạt huyết giải độc, nhuyễn kiên, tán kết. Trị zona.
Đã trị 42 ca, uống 3~7 thang, hoàn toàn khỏi.

+ Hiện Lam Phương (Chu Nhân Khang, Bệnh viện Quảng An Môn, Bắc Kinh): Đại thanh diệp (hoặc Bản lam căn 15g), Bồ công anh đều15g, Mã xỉ hiện 60g sắc uống. Đau nhiều thêm Diên hồ sách, Xuyên luyện tử đều 9g.
Dùng trị 144 ca, kết vảy hoặc tróc vảy trong thời gian từ 1 đến 10 ngày, hết đau 125 ca (86,8%), điều trị bình quân 5, 3 ngày. Số điều trị trên 10 ngày khỏi là 19 ca.

+ Mã Xỉ Hiện Giải Độc Thang (Lý Lân Học (Viện Trung Y Bắc Kinh): Mã xỉ hiện, Đại thanh diệp, Tử thảo đều 15g, Bại tương thảo 15g, Hoàng liên 10g,Toan táo nhân 20g, Mẫu lệ nung (hoặc Linh từ thạch) 30g, sắc uống. Da đỏ, có sần chẩn, mụn nước tập trung thêm Sinh địa, Đơn bì. Có mụn lẫn huyết thanh thành từng mảng dùng Mã xỉ hiện 20g, Ngân hoa, Liên kiều, Trạch tả đều 10g. Bào chần loét dùng Mâ xỉ hiện 25g, Long đởm thảo, Mộc thông đều 10g, Bồ công anh, Địa long đều 15g. Đau nhiều thêm Diên hồ sách 9g, Cù túc xác 10g. Tuổi cao thêm Bạch truật, Đảng sâm, Hoàng kỳ.
Đã trị 100 ca, khỏi 86 ca. Thời gian điều trị khỏi: 4-7 ngày 53 ca, từ 8-14 ngày 33 ca, kết quả tốt 10 ca, tiến bộ 4 ca.

+ Đơn Chi Sài Hồ Thang (Cung Cảnh Lâm,Tân Cương, Trung Quốc): Đơn bì, Chi tử, Sài hồ, Đương quy, Xích thược, Xuyên quy đều 10g, sắc uống. Sốt cao thêm Thạch cao 30g. Đau nhiều thêm Uất kim 10g, Diên hồ sách 19g. Can hỏa thịnh, thấp nhiệt nặng Hoàng bá, Long đởm thảo đều 10g, Mã xỉ hiện 15g. Bội nhiễm, hoại tử, nhiệt độc nặng thêm Hoàng Liên 6g, Đại thanh diệp, Ngân hoa đều 15g. Khí trệ, huyết ứ, thêm Vương bất lưu hành, Đào nhân đều 10g, Đơn sâm 15g. Táo bón thêm Đại hoàng 10g. Tổn thương đầu mặt thêm Tang chi 10g. Tổn thương chân thêm Xuyên ngưu tất 12g. Kết hợp dùng bài thuốc bôi ngoài (Hùng hoàng 30g, Khô phàn 15g, Thiên tiên tửù 20g, Thanh đại 30g, Băng phiến đều tán nhuyễn, trộn với dầu thực vật, bôi).
Đã trị 57 ca đều khỏi, thời gian trị khỏi từ 2-6 ngày.

+ Thảo Lam Quy Hồ Phương (Hứa Diệu Phương Khoa Da Liễu, Học Viện Trung Y Bắc Kinh): Long đởm thảo, Bản lam căn đều 50g, Đương quy 100g, Nguyên hồ 50g. Tất cả tán bột mịn cho vào nang nhựa có 0,5g thuốc. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 2-6 nang. Trẻ em và bệnh nhẹ giảm liều.
Đã trị 69 ca đều khỏi (da lành, hết đau). Thời gian điều trị khỏi bình quân 6-9 ngày. Không có ca nào để lại di chứng đau.

+ Đại Hoàng Ngũ Bội Tử Cao (Kiều Thành, Bệnh Viện Trực Thuộc Số 2, Trường Đại Học Y Khoa Tây An, Tỉnh Thiểm Tây): Sinh đại hoàng 2 phần, Hoàng bá 2 phần, Ngũ bội tử 1 phần, Mang tiêu 1 phần, tán bột thật mịn, trộn vaselin thành cao mềm 30%. Tùy theo tổn thương to nhỏ, bôi thuốc vào miếng gạc dày 0,2cm đắp vào, dùng băng dính cố định, 2 ngày thay 1 lần.
Đã trị 150 ca đều khỏi. Đắp lâu là 4 lần, ít là 2 lần, bình quân là 3 lần. Thường sau khi đắp 24 giờ triệu chứng giảm rõ, sau 1 lần đắp thuốc, cảm giác đau như lửa chích giảm nhẹ, thủy bào đục và teo lại, sau 3 lần khô hết vảy, triệu chứng chủ quan hết. Ngày điều trị khỏi bình quân là 6 ngày.
Thuốc Dùng Ngoài

+ Bào chẩn chưa vỡ: bôi Kim Hoàng Tán. Lúc đã vỡ, bôi bột Thanh đại hoặc đắp Thanh Đại Cao, Cứu Nhất Đơn...
- Đối với Zona không đau, chỉ cần thuốc bôi tại chỗ (bột trơ, hồ nước) các loại thuốc trên nếu có.
- Đối với Zona mắt, nhỏ thuốc kèm băng kín mắt.
. Mang tiêu 30g, hòa với 70ml nước ấm, dùng để bôi, ngày 3~5 lần. Cho đến khi vết tổn thương khô, đóng vẩy, hết đau (Hồ Nam Trung Y Tạp Chí 1985, 1).
. Hùng Hoàng Cao (Tân Trung Y 1986, 7): Hùng hoàng 6g, Yên cao 10g, trộn với dầu (mè) cho đều, bôi ngày 2~3 lần.

Châm Cứu

+ Tùy theo đường kinh bị tổn thương mà chọn huyệt.
Huyệt chính: Khúc trì, Thân trụ, Dương lăng tuyền, Tam âm giao.
Huyệt phối hợp: Vùng trán thêm Thái dương, Đầu duy, Dương bạch. Gò má trên thêm Tứ bạch, Tình minh, Hạ quan; Vùng hàm dưới thêm Giáp xa, Địa thương, Đại nghênh; Vùng hố nách thêm Kiên trinh, Cực tuyền; vùng trên rốn thêm Hợp cốc; Vùng dưới rốn thêm Túc tam lý.
Thanh niên, dùng phép châm tả, đối với người lớn tuổi, nên dùng phép bổ. Hai ngày châm một lần, 10 lần là một liệu trình (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học).

+ Dùng A thị huyệt: Châm phía trên, phía dưới, bên phải, bên trái vùng tổn thương, châm xiên 15-30o hướng về chỗ tổn thương. Đắc khí thì lưu kim 30 phút, cứ 3~5 phút vê kim một lần. Ngày châm một lần. 10 ngày là một liệu trình.

+ Dựa vào biện chứng để chọn huyệt phối hợp. Huyệt chính: Can du, Khúc trì, Chi câu, A thị huyệt. Phối hợp: Do phong hỏa thêm Kỳ môn, Khúc tuyền, Túc khiếu âm; Dothâps nhiệt thêm Nội đình, Ngoại quan, Hiệp khê; Nhiệt nhiều thêm Hợp cốc, Âm lăng tuyền, Thần môn.
Châm tả. Hai ngày châm một lần, 10 ngày là một liệu trình (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học).
Cứu Pháp

+ Cứu gián tiếp A thị huyệt (vùng tổn thương), Tâm du, Can du. Cứu 30~40 phút, ngày một lần (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học).
Nhĩ Châm

+ Chọn huyệt Phế, Thượng thận, Vùng tương ứng vùng bệnh. phối hợp với Thần môn, Nội tiết, Giao cảm, Chẩm, Dị ứng, Can Tỳ. Châm xong lưu kim 30 phút. Hai ngày châm một lần, 7 ngày là một liệu trình (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học).

+ Vùng Phế, Tuyến Thượng thận, Thần môn. Kết hợp huyệt tùy theo vị trí: vùng tay thêm Hợp cốc, Khúc trì; Vùng chân thêm Túc tam lý, Tam âm giao và A thị huyệt.
Gõ kim mai hoa quanh vùng tổn thương.
Không châm vùng tổn thương da (Trung Y Ngoại Khoa Học)

Phòng Bệnh Và Điều Dưỡng

1. Tránh những kích thích tinh thần, chú ý phòng trị chứng cảm mạo nhiều lần có thể dẫn đến mắc bệnh.

2. Lúc mắc bệnh chú ý giữ gìn không gãi, giữ vệ sinh da, uống nước nóng đun sôi để nguội, không ăn các chất cay nóng, điều trị triệu chứng kịp thời.

Bệnh Án Zona

(Trích trong ‘Bắc Kinh Trung Y Học Viện Học Báo 1985 (4): 15’)
Lý Quả, nữ, 60 tuổi. Nhập viện ngày 19-09-1983. Tại vùng ngực sườn bên phải nổi mụn, đau nhức hơn một tuần rồi. Khám thấy hạ sườn bên phải cho đến dưới bầu vú có hai đám tổn thương to như hột đào lớn, ở giữa có dịch đặc hoặc giống như hột đậu xanh lớn có nước, mầu xanh, chung quanh mầu đỏ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch Huyền Hoạt. Do nhiệt độc kết tụ ở da gây nên. Điều trị dùng phép thanh nhiệt giải độc. Thêm trấn thống, an thần. Dùng Mã Xỉ Hiện Giải Độc Thang: Mã xỉ hiện 30g, Đại thanh diệp, Bại tương thảo, Tử thảo đều 15g, Hoàng liên 10g, Toan táo nhân 15g, Mẫu lệ 30g (sắc trước), Đảng sâm 10g, Toàn yết 6g. bên ngoài dùng Tứ Hoàng Cao bôi ngày 2 lần.

Ngày 26-09 khám lại: Vết tổn thương biến mất, bắt đầu đóng vảy, giảm đau nhiều. Dùng bài thuốc cũ. Ngày 04-10 khám lại: Vùng da hoàn toàn khỏi.

Bệnh Án Zona

(Trích trong Châm Cứu Lâm Chứng Tập Nghiệm)
Trương X, nam 31 tuổi. Vùng bụng trên bên phải nổi mụn như hạt gạo, vì ở vùng thần kinh thắt lưng nên bị sốt, đau như kim đâm không chịu nổi, da vùng đó rất ngứa, mặc áo vào thì đau. Chẩn đoán là đới trạng bào chẩn (zona). Dùng A thị huyệt, cục bộ để tiêu độc. Dùng kim tam lăng khêu 3~5 vết cho ra máu sau đó dùng Ngải cứu hơ 15~30 phút. Phối huyệt, dùng Âm lăng tuyền, vê kim, thở ra thì vê kim. Ngày châm một lần, châm 3 lần thì các chứng trạng biến hết.

http://www.yhoccotruyen.htmedsoft.com/benhhoc/htmdocs/Benh_VanZ/Zona.htm

No comments: