May 19, 2011

Gói Bánh Chưng Với Khuôn, Lá Chuối xếp 4 hình tam giác ở đáy


Lời nói đầu:
Gói bánh chưng là một truyền thống đẹp của người Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Đán (Sự Tích bánh dầy, bánh chưng). Ở các Hội Chợ Tết hải ngoại nhiều nơi có gói bánh chưng để nhớ lại không khí Tết nơi quê nhà. Thuờng nói tới gói bánh chưng là nghĩ đến lá dong, vì ở hải ngoại khó có lá dong nên chúng ta thay thế bằng lá chuối dễ tìm hơn. Một nhóm thân hữu của TN trình bầy cách gói bánh chưng với lá chuối (xếp thành 4 hình tam giác ở đáy), mời các bạn ghé xem. Còn nhiều tuần nữa mới đến Tết, năm nay các bạn thử gói bánh chưng nhé
Gói Bánh Chưng
- Với Khuôn, Lá Chuối xếp 4 hình tam giác ở đáy-

Vật liệu:
(cho 7 bánh, mỗi bánh cân nặng 1.2Kg sau khi nấu chín)
* 2 Kg nếp ngon
* 1 Kg Thịt Đùi (hoặc thịt ba rọi)
* 3 Gói đậu xanh cà (mỗi gói 300gr)
* 2 Gói lá chuối đông lạnh
* 10 Củ hành tím, 1 muỗng canh tiêu xay, 1 muỗng cà phê tiêu hột, đường, chút bột ngũ vị hương: ướp thịt làm nhân.
* 4 muỗng canh muối bột để ngâm nếp
* 42 sợi dây nylon chiều dài đo vòng qua khuôn +5 cm (khoảng 20 inches hay là 50cm)
* Khuôn gỗ dầy 1.5cm, cao 2.5 inches, cạnh 6.5 inches (13cm)
Cách Làm:
Đậu xanh vo thật sạch, nước không còn màu vàng. Đổ vào nồi nước ngập 1cm, cho 1 muỗng muối, nấu chín, tán nhuyễn, nắn thành 7 viên tròn.
Nếp ngâm đêm, sáng ra vo sạch, để ráo nước (khi ngâm nếm nước ngâm hơi mặn)
Lá chuối rã đông, rửa sạch lau khô. Mỗi bánh cần 8 lá:
Cách xếp lá: bên dưới khuôn để 1 sợi dây ngang. Xếp thứ tự:
Lá 1 và 2: chọn lá đẹp, chiều ngang 25cm, chiều dọc 21cm (chiều sọc lá): xếp 1/3 theo chiều sọc lá, gấp đôi lại. Hai lá này sẽ để ở 2 góc của khuôn (góc 1, góc 3). Khi để vào khuôn dựng đứng chiều lá, dưới đáy xoay 1 cạnh để tạo tam giác. Làm tương tự với góc bên kia:
Khi đó bạn đã có lớp đáy là 4 hình tam giác chụm vào chính giữa
Lá 3 và 4 giống kích thước, không cần xoay đáy để tạo tam giác nữa, nhưng để ớ 2 góc đối diện (để bảo vệ nếp tránh lọt ra, góc 2 và góc 4)
Lá 5 và 6 + 7 và 8 : 11cm x 27 cm (27 chiều sọc lá), xếp bên trong để tạo dạng khuôn chắc chắn
Đổ nếp, đậu và thịt:
1 chén nếp dưới đáy, dùng tay trải đều nhất là chắc có nếp ở 4 góc, 1/2 viên đậu bóp vụn trải đều, 1 lớp thịt (cắt miếng đủ để chia đều cho 7 bánh). Trên lớp thịt là 1/2 viên đậu bóp vụn trải đều, trên cùng là 1 chén nếp.
Gói và cột dây:
Dùng tay ấn đều nếp ở các góc. Xếp lá 2 chiều trước, rồi 2 chiều kia, xếp gọn. Giữ tay, lấy khuôn ra, sợi dây để trước dưới đáy khuôn trước khi xếp lá cột đầu tiên. Cột sợi ngang, và tiếp 4 sợi nữa. Mặt chính của bánh sẽ giống hình đầu tiên.
Chú ý kỹ thuật:
1/ Lá chuối có 2 mặt: mặt láng có lớp sáp, không ra màu. Mặt kia sẽ ra màu xanh. Ứng dụng tính chất này, bạn xếp 2 lá 1 và 2 chiều không láng ra ngoài. Lá 3,4 chiều không láng tiếp xúc với lớp nếp đáy, 2 lá 5,6 & 7,8 cũng vậy. Khi nấu màu xanh ở chiều không láng tiết ra, lúc bóc bánh chín nếp có màu xanh rất đẹp. Bên ngoài cái bánh là mặt không láng, nấu xong nhìn toàn cái bánh cũng có màu xanh..
2/ Cột dây tránh chặt tay, để nếp nở sẽ không vỡ bánh hoặc căng dây quá nhìn không đẹp
3/ Xếp bánh vào nồi (bên dưới có lá vụn để tránh khét), châm nước lạnh, nấu 8 tiếng, chêm nước sôi thêm khi cạn bớt. Khi đủ chín, tắt bếp, vớt ra xả nước rửa sạch. Ngâm trong nước lạnh cho đến khi nguội (vài tiếng đồng hồ), việc này giúp bánh trông láng mướt như có dầu thoa bên ngoài. Vớt bánh, dùng vật nặng nén lên trên để ép bớt nước.
 
 
 
Bánh chín đã được nén ép, để nguội, bao thêm 1 lớp wrapping

 
 
 
Đói quá... bóc lá ra .... làm liền nhé bạn!

4/ Cách nấu tiết kiệm năng lượng theo phương pháp thủy phân:
Thay vì nấu liên tục 8 tiếng các bạn có thể áp dụng như sau:
Nấu sôi nồi bánh trong 30 phút, tắt bếp vẫn để trên lò nắp vẫn đậy kín. 2 tiếng sau lại mở bếp nấu sôi 30 phút. Lập lại như vậy 4 lần. Như vậy thời gian tốn năng lượng tổng cộng là 120 phút (2 tiếng đồng hồ thay vì 8 đến 12 tiếng như cách nấu truyền thống). Bạn có thể vặn đồng hồ báo thức để thực hiện đúng giờ
Ghi Chú
Lý do đổ nước lạnh vào khi bắt đầu nấu: để nước len lỏi vào mọi ngõ ngách đuổi hết không khí ra, nếp có nước khi nấu nóng sẽ được nhiệt thủy phân. Nếu đổ nước sôi, lớp nếp bên ngoài cùng sẽ bị dẻo bao bọc nước không vào tất cả mọi nơi, chỗ nào còn các air pockets thiếu nước sẽ bị sống (lại gạo)
Chúc thành công
ThuNguyen
(Bà Bộ Trưởng Công Dân Vụ Canada Diane Finley đang xem cách gói bánh chưng tại Làng Việt Nam HCT Toronto năm 2008 -Ảnh Đỗ Quân Thời Báo)
Năm nay 2010 chúng tôi training cho “thế hệ thứ 2″ gói bánh chưng để Bảo Tồn Văn Hóa. Rất nhiều em nhỏ “thế hệ thứ 3″ thích thú và chăm chú theo dõi.

(Hình bìa Thời Báo Toronto số 1670 phát hành ngày Thứ Bẩy Jan 30/2010. Hình chụp tại Làng Việt Nam trong Hội Chợ Tết Cộng Đồng Jan 23/2010. Ảnh Lương Anh Tuấn)”]

Posted on  by Lê Thy
Nguồn: http://tambut.wordpress.com/

No comments: