Jan 13, 2011

Bà bầu ăn gì ? (11 bài)

Bài 1. Ăn gì khi mang thai

Dinh dưỡng trong giai đoạn mang thai đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Bà bầu ăn gì để mẹ khỏe, con đủ chất và phát triển tốt nhất? Tại buổi nói chuyện về chủ đề dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai do Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM cơ sở 2 tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạng, giảng viên trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết: Trong giai đoạn đặc biệt này, khẩu phần ăn của thai phụ cần tăng thêm 300 kcal/ngày (tương đương với ăn thêm 1 bát cơm đầy hoặc uống thêm 2 ly sữa/ngày, mỗi ly có thể tích 240 ml). Năng lượng tăng thêm này sẽ dành cho việc hình thành thai nhi, bánh nhau và chuyển hóa cơ bản của mẹ.   

Khẩu phần ăn của thai phụ cần đảm bảo đủ chất đạm, vì chất này giúp phát triển bào thai. Nguồn chất đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, đậu hũ, đậu nành..., nói chung là các món mặn trong bữa ăn hằng ngày. Vì thế, những người hay ăn chay hoặc ăn chay trường nên chú ý để có đủ lượng đạm cần thiết.

Giai đoạn này người phụ nữ cũng cần bổ sung thêm nhiều canxi, vừa cho thai nhi, vừa cho người mẹ. Khi mang thai, nhu cầu can-xi tăng gấp 2 lần bình thường, tức 1.000 mg/ngày. Canxi giúp phát triển xương và răng em bé. Canxi có nhiều trong phó-mát, sữa, yaourt, rau xanh, tôm, cua, trứng, cá... Canxi đặc biệt có nhiều trong xương cá, vỏ tôm. Vì vậy, thay vì ăn tôm to, cá to phải lột vỏ, bỏ xương, thai phụ nên ăn tôm nhỏ, cá nhỏ (ví dụ như cá cơm) để có thể ăn cả vỏ tôm và xương cá.

Giai đoạn mang thai, phụ nữ cần chú ý bổ sung chất sắt khoảng 30 - 60 mg/ngày. Chất sắt nhằm cung cấp cho việc tạo máu ở mẹ và thai nhi, ngoài ra còn tạo máu dự trữ để bồi hoàn lượng máu mất sau sinh (khoảng 300 gram máu/lần đẻ). Chất sắt gốc động vật dễ hấp thụ hơn chất sắt gốc thực vật (như đậu hạt, trái cây khô). Ngoài ra, ăn thức ăn giàu chất sắt kết hợp với thức ăn giàu vitamin C cũng giúp hấp thụ chất sắt tối đa.

Axit folic là chất rất quan trọng trong việc tạo ống thần kinh cho thai nhi, cần thiết cho sự phát triển hệ thần kinh trung ương của bé. Tuy axit folic quan trọng như vậy nhưng lượng cần rất ít. Một số hãng sữa đã bổ sung axit folic trong sữa. Ngoài ra, axit folic có nhiều trong các loại rau tươi lá to, màu xanh thẫm.

Vitamin C giúp tạo bánh nhau bền chắc, giúp người mẹ tăng sức đề kháng và hấp thụ chất sắt tốt hơn. Vitamin C có nhiều trong trái cây (những loại có vị chua nhiều), rau tươi. Vitamin C dễ tan trong nước, dễ đưa vào cơ thể nhưng không tích trữ trong cơ thể, vì vậy thai phụ cần bổ sung vitamin C hằng ngày.

Chất xơ cần được thai phụ chú ý bổ sung vì nó giúp tránh táo bón. Trong thời kỳ mang thai, người mẹ dễ bị táo bón do thai chèn ép ruột nên ruột không co bóp được thoải mái. Trái cây và rau xanh là những nguồn cung cấp chất xơ quan trọng. Ngoài ra, kết hợp với việc uống nước nhiều, chăm đi bộ cũng làm giảm chứng táo bón.

Phụ nữ mang thai cũng cần uống nhiều nước. Điều cần thiết trong giai đoạn này là giữ cho thận được khỏe mạnh và tránh bị táo bón, vì vậy uống nhiều nước là biện pháp tốt nhất. Một người trung bình cần 2 - 3 lít nước/ngày (bao gồm lượng nước có trong nước uống, sữa, canh, trái cây...).

Người phụ nữ cần chú ý đảm bảo đủ i-ốt từ trước khi thụ thai cũng như trong quá trình mang thai để tránh tổn thương não ở thai nhi. Trong xương cá, đồ biển có nhiều i-ốt hơn các thực phẩm khác. Lượng i-ốt rất cần thiết, nhưng chỉ cần rất ít, vì vậy chỉ cần dùng muối i-ốt để nêm nếm thức ăn là đủ nhu cầu.

Phụ nữ mang thai không nên dùng quá nhiều muối trong bữa ăn vì có thể gây chứng sưng phù hay chứng tiền sản giật. Ngoài ra, thai phụ cần hạn chế ăn thực phẩm đã chế biến sẵn và đóng hộp, đóng gói, thực phẩm đông lạnh (vì chúng có nhiều gia vị và hóa chất bảo quản) và các thức uống: rượu, bia, cà phê, trà, thuốc lá, sô-cô-la. Chất cafein có trong các thức uống này có thể gây tác hại đối với hệ tiêu hóa của thai nhi.

Bài 2. Bà bầu ăn gì

Bạn hãy sử dụng nhiều loại trái cây và rau củ tươi hoặc hấp trong chế độ ăn của bạn. Ngoài ra, hãy chọn những loại thực phẩm làm hoàn toàn từ hạt và không được chế biến quá nhiều. Khi đến siêu thị, bạn hãy tìm kiếm những loại thực phẩm mà trên bao bì của chúng ghi là “ít chất béo”, “ít calori” và đừng quên đọc những chất dinh dưỡng ghi trên đó.

Tốt nhất, bạn hãy ăn nhiều bữa nhỏ (kể cả ăn qua loa) trong một ngày thay vì chỉ ăn 3 bữa lớn/ngày. Xin nhớ, bạn ăn gì quan trọng hơn nhiều so với việc bạn ăn bao nhiêu (tuy nhiên bạn cần nhận tiêu thụ đủ số lượng calori cần thiết). Ngoài ra, hãy cố ăn những thực phẩm giàu chất đạm, chất sắt và canxi, tất cả phải đáp ứng đủ nhu cầu của bạn và con bạn, giúp cho bào thai phát triển tốt.

Những vitamin và chất khoáng sẽ giúp cơ thể bạn sử dụng năng lượng do thực phẩm cung cấp. Chúng còn giúp bạn sửa chữa và duy trì mô và tế bào. Việc bổ sung vitamin và chất khoáng hàng ngày sẽ bảo đảm rằng bạn nhận đủ lượng các dưỡng chất trong quá trình mang thai.

Nhìn chung, bạn sẽ muốn tìm một loại thực phẩm chứa những chất dinh dưỡng nào đó nhiều hơn (thí dụ như folic acid và sắt), nhưng có thể bạn sẽ không nhận đủ số lượng những chất dinh dưỡng khác (đặc biệt là vitamin A) và như thế có thể sẽ gây hại cho con bạn nếu bạn nhận quá nhiều.

Đây là một trong những lý do mà những thuốc bổ sung cho phụ nữ mang thai lại chứa một phần vitamin A dưới hình thức beta-carotene, một dưỡng chất mà bạn có được từ trái cây và rau củ biến thành vitamin A trong cơ thể bạn.

Không giống loại vitamin A từ những sản phẩm động vật, loại được biết là gây ra khuyết điểm khi trẻ chào đời nếu bạn dùng liều lượng cao trước khi thụ thai hoặc trong giai đoạn mang thai, beta-carotene không có độc khi ở liều lượng cao.

Ngoài ra, có thể bạn cần dùng thuốc bổ sung omega-3. Loại này giúp cải thiện sức khỏe cho tim bạn , ngừa bệnh ung thư, làm giảm chứng tăng huyết áp và làm bớt đau do triệu chứng của bệnh luphus cũng như những bệnh về sự miễn dịch khác. Nó còn giúp ích cho con bạn. Một số công trình nghiên cứu khẳng định rằng axit béo omega-3 giúp cải thiện sự phát triển của mắt và não của bào thai và em bé. Nếu dùng thêm phần bổ sung omega-3 có thể giúp bạn thoát khỏi sự phiền muộn.

Nếu đang có chế độ ăn cân bằng tốt trước khi mang thai, có khả năng bạn sẽ không cần phải thay đổi nhiều. Nhưng một vài thay đổi nhỏ có thể tạo ra sự khác biệt lớn để bảo đảm rằng con bạn nhận đủ tất cả các vitamin, chất khoáng và calori cần thiết.

Cần chắc rằng bạn đang ăn thức ăn trong 5 nhóm thực phẩm có lợi cho sức khỏe: những sản phẩm làm từ hạt, rau củ, trái cây, những thức ăn chứa chất đạm, sữa và những sản phẩm làm từ sữa.

Nhờ việc ăn uống có lợi cho sức khỏe, bạn có thể giúp con bạn chào đời một cách mạnh khỏe. Tuy nhiên, khi đã mang thai, không phải là lúc bạn ăn uống bình thường như hàng ngày nữa. Bạn cần có chế độ ăn dinh dưỡng hơn để cải thiện sự phát triển não của bào thai, làm giảm biến chứng của thai (nếu có) và khi chào đời trẻ sẽ có đủ trọng lượng cần thiết.

Ngoài ra, việc ăn uống có lợi cho sức khỏe sẽ giúp ích cho bạn cũng như con bạn. Nó sẽ làm giảm biến chứng trong giai đoạn mang thai của người mẹ, thí dụ như bệnh thiếu máu, chứng kinh giật, ốm nghén (nôn oẹ vào buổi sáng), mệt mỏi và táo bón.

Chế độ ăn có lợi cho sức khỏe còn giúp làm dịu đi sự cáu gắt và bảo đảm sự phục hồi nhanh sau khi bạn sinh con. Dưới đây là đôi nét về những chất và số lượng mà bạn cần dung nạp:

3. Những phần ăn hàng ngày

Khi mang thai, bạn cần 4 đến 6 phần nhỏ thức ăn làm từ bơ sữa/ngày (1 phần nhỏ tương đương 250ml sữa hoặc 2 lát vuông phó mát). Ngoài ra, bạn cần tiêu thụ thêm 6 đến 11 phần nhỏ thức ăn làm từ ngũ cốc (1 phần nhỏ tương đương 1 lát bánh mì hoặc 227g mì ống) với 3 đến 4 phần nhỏ thức ăn chứa chất đạm (1 phần nhỏ bằng 2 muỗng canh bơ đậu phộng, 1 đến 2 quả trứng hoặc 85g thịt). Mỗi ngày, bạn cần tiêu thụ 4 phần nhỏ trái cây và 5 phần nhỏ rau củ

(1 phần nhỏ là 1 quả trái cây hoặc rau củ có kích cỡ trung bình, 125ml nước ép 100% hoặc 227g xà lách).

Khi bận việc gấp, bạn có thể dùng vài loại thức ăn nhanh như sau:

- Một chén xúp ít Natri (hoặc 250ml) với một ổ bánh mì nhỏ làm hoàn toàn từ hạt.

- Bánh mì dẹp (làm từ lúa mì) kẹp thịt gà tây với nhiều rau.

- Granola ít chất béo với một vài quả trái cây và sữa chua không chất béo đặt ở trên.

- Một chén trái cây trộn xà lách.

- Khoai tây nướng lò (hoặc lò viba) với một lớp phó mát ít chất béo, bông cải xanh hoặc kem chua ít chất béo (sour cream) đặt ở trên.

- Bánh nướng xốp (muffin) ít chất béo và một vài quả trái cây.

Bài 3. Bà bầu ăn gì vào mỗi giai đoạn?

Khi mang thai ở tháng thứ nhất nên cẩn thận ăn những thức ăn được ninh nhừ, có thể dùng nhiều bột lúa mạch, thức ăn phụ lấy chất chua làm chính, không ăn những thức ăn hôi, tanh, cay.

- Khi mang thai ở tháng thứ hai, để tránh buồn nôn nên ăn ít nhưng ăn làm nhiều bữa, uống những đồ uống mát, nên ăn ít dầu mỡ, uống một lượng canh thích hợp.

- Ở tháng thứ ba thích hợp với việc ăn canh gà trống và ăn nhiều các loại thịt, cá, trứng và các loại đậu.

- Sang tháng thứ tư, có thể ăn nhiều bột hoặc dùng đồ uống canh hoa cúc có tác dụng điều hòa thai khí: Lấy một quả trứng chim, thêm 10g hoa cúc, bột mạch 5g, thường sâm 3g, cỏ mật 6g, dương quy 6g, 15g gừng tươi, bán hạ 12g, táo 12 miếng bỏ vào nấu và dùng.

- Khi mang thai ở tháng thứ năm, nên tăng cường chất dinh dưỡng như thịt dê, thịt bò, các loại thức ăn có nguồn gốc từ động vật: gan, các loại xương, và những loại hoa quả tươi, rong biển, tía tô, vỏ tôm, lạc, hạnh đào. Mỗi ngày nên ăn ít nhất từ 1 - 2 quả trứng gà, từ 50 - 100g thịt nạc, 100 - 150g thức ăn chế từ đậu, 500g chế từ các loại rau.

- Đến tháng thứ sáu, nên hạn chế ăn thức ăn lạnh, nên ăn nhiều các loại cháo và gà trống...

- Mang thai từ tháng thứ 7 đến tháng thứ 9, giai đoạn cuối thai nhi ngày càng phát triển, ngoài việc chú ý đến dinh dưỡng còn phải chú ý đến lượng thức ăn được giữ cân bằng. Nếu thai nhi phát triển tốt, người mẹ tương đối bé thì nên hạn chế số lần ăn để phòng tránh thai nhi quá to, gây khó khăn khi sinh nở.

Thể chất của người mẹ hơi yếu thì nên tăng cường chất dinh dưỡng, ăn nhiều.

(Theo Eva / Mamacn)

Bài 4. Bà bầu ăn gì ba tháng giữa?

Vượt qua giai đoạn ốm nghén, bạn sẽ có cảm giác ăn ngon hơn và đồng nghĩa với việc thai nhi cũng tăng trưởng nhanh hơn, bạn sẽ cảm nhận được con lớn lên từng ngày. Nên bổ sung những thức ăn bổ dưỡng để bé tăng trưởng tốt nhất trong giai đoạn này.

Vì nhu cầu dinh dưỡng tăng rất cao nên bà bầu cần chú ý ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng, có lợi cho cơ thể như thịt, cá, trứng, rau xanh, sữa....

1. Ăn phong phú và giàu dinh dưỡng

Các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa... luôn được khuyến cáo dùng cho bà bầu, nhất là giai đoạn ba tháng giữa. Chúng có chứa lượng protein phong phú, giúp ích cho quá trình cấu thành cơ thể thai nhi, giúp não em bé phát triển toàn diện.

Hơn nữa, thời kỳ này cơ thể bà bầu cũng cần nhiều năng lượng hơn để nuôi dưỡng cơ thể, chính vì vậy, lượng protein bổ sung vào cơ thể phải thỏa mãn những nhu cầu cần thiết.

Lượng thức ăn bạn lựa chọn ăn cũng cần đa dạng, phong phú để tránh hiện tượng thiếu chất cho bà bầu và thai nhi.

2. Ăn thực phẩm giàu vitamin

Bình thường, chúng ta luôn cần nhiều loại vitamin khác nhau để phát triển toàn diện, nhưng với bà bầu thì việc bổ sung vitamin lại càng trở nên quan trọng.

Mỗi loại vitamin lại có chức năng khác nhau, giúp tăng sức đề kháng cơ thể bà bầu và thai nhi.

Vitamin A, B, C, D... cần thiết cho cả bà bầu và thai nhi, và có sẵn trong nhiều loại thức ăn tự nhiên như trứng gà, thịt, cà rốt, các loại rau quả, tôm, sữa....

Cần chú ý bổ sung nhiều chất xơ cho cơ thể để tránh hiện tượng táo bón do giai đoạn này bà bầu thường bị chèn ép đường ruột. Các loại thức ăn giàu chất xơ như rau cần, cà rốt, đậu, cải...

3. Bổ sung canxi và chất sắt

Canxi rất cần thiết cho quá trình hình thành xương của thai nhi, nếu bà mẹ thiếu canxi thì thai nhi dễ bị còi xương, còn thai phụ bị loãng xương. Bổ sung canxi qua sữa uống hàng ngày và uống viên canxi để có đủ lượng canxi cần thiết.

Thiếu máu do thiếu sắt là hiện tượng thường gặp ở bà bầu, nghiêm trọng hơn, nếu mẹ bị bệnh này sẽ làm giảm khả năng phát triển của thai nhi. Bạn cần ăn uống những thực phẩm có chứa nhiều sắt như thịt đỏ, rau có màu xanh thẫm...

Bài 5.  Bà bầu ăn gì trong ba tháng cuối?

Theo như các bác sĩ nhận định, giai đoạn ba tháng cuối được xem là giai đoạn tăng tốc của thai nhi, bé sẽ phát triển nhanh chóng nhất trong giai đoạn này.

Điều này cũng có nghĩa là bà mẹ cần phải bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để giúp thai nhi được phát triển toàn diện cho đến khi chào đời.

Không giống như 6 tháng đầu, bà bầu ăn uống nhằm giúp bé có đủ dưỡng chất phát triển các cơ quan, bộ phận trong cơ thể. 3 tháng cuối này cơ thể bé đã phát triển toàn diện và sẽ chỉ cần dinh dưỡng để phát triển về lượng. Ngoài ra, chất dinh dưỡng bà mẹ bổ sung trong giai đoạn này được chia làm hai phần, một phần giúp thai nhi phát triển nhanh chóng, phần còn lại giúp cơ thể người mẹ hấp thụ để sẵn sàng cho quá trình sinh nở, và chăm sóc con sau này. Do đó, những loại thực phẩm có giàu chất dinh dưỡng được đặc biệt khuyến khích để giúp bà bầu được khỏe mạnh.

Cũng như các giai đoạn trước, những loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa... vẫn được đặc biệt khuyến khích bà bầu nên dùng, ngoài ra, nhằm tăng lượng khoáng chất cho cơ thể, bà bầu nên ăn thêm hải sản, các loại rau xanh, củ, quả... Điều quan trọng nhất là duy trì bữa ăn đa dạng, bổ sung được đầy đủ các dưỡng chất cần thiết hàng ngày.

Thời kỳ này thai nhi cũng lớn hơn trước rất nhiều, bạn cần tiếp tục duy trì uống nhiều nước như giai đoạn trước bởi nếu không cung cấp đủ nước, dễ dẫn đến nguy cơ cạn ối, viêm nhiễm đường tiết niệu, táo bón... Uống nước đầy đủ giúp ích cho bà bầu rất nhiều trong quá trình sinh đẻ bởi nó giúp giảm thiểu chứng co thắt tử cung sớm lúc sinh nở.

Nên tăng cường ăn nhiều rau quả trong 3 tháng cuối.

1. Ăn uống trong 3 tháng cuối

3 tháng này, bà bầu tăng khoảng 6-7kg nên bạn cần bổ sung đủ các nhóm thực phẩm sau:

- Nhóm chất bột: gạo, mì, ngô...

- Nhóm chất đạm: thịt, trứng, cá,...

- Nhóm chất béo: dầu, mỡ, vừng, lạc...

- Nhóm chất khoáng: rau xanh và hoa quả.

Ăn uống đầy đủ các loại đạm, chất bột... và cần nhớ nên ăn uống rau xanh đầy đủ để tránh hiện tượng táo bón. Duy trì các bữa ăn đều đặn, mỗi bữa cách nhau khoảng 4 tiếng và tuyệt đối không nên bỏ bữa. Cách chia bữa ăn làm nhiều bữa nhỏ giúp hạn chế áp lực lên thành bụng và dạ dày và giúp cơ thể bà bầu hấp thụ tốt hơn.

Ngoài ra, lưu ý vấn đề ăn uống an toàn để tránh những biến chứng cho bà mẹ và thai nhi. Hạn chế ăn uống ngoài quán mà nên tự chế biến các bữa ăn tại nhà để đảm bảo an toàn vệ sinh.

2. Những điều cần tránh

- Các bà bầu được khuyến cáo không nên sử dụng các loại nước có cồn, có ga.

- Tránh ăn quá mặn hoặc các loại gia vị quá cay, quá nóng.

- Nên ăn chín, uống sôi và đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Không uống nước quá lạnh.

Bài 6. Bà bầu ăn gì, tránh gì?

Một trong những tiến bộ của cuộc sống hiện đại là bạn có thể dễ dàng mua bất cứ thức ăn nào bạn muốn. Nhưng không phải thức ăn nào cũng tốt cho bà bầu. Bạn cần lựa chọn cái gì nên ăn và cái gì nên tránh.

Những thức ăn nhanh có lợi cho sức khỏe

1. Hoa quả. Mỗi ngày bạn nên ăn hoa quả hoặc uống nước ép của chúng. Nên lựa chọn loại hoa quả ít ngọt, tươi ngon. Tăng sự hấp dẫn của món ăn bằng cách chế biến khác nhau.

2. Sữa đậu nành. Thêm một chút sô cô la, bột vani thơm, bạn đã có một thức uống tuyệt vời. 1 cốc sữa đậu nành trong ngày, bạn đã cung cấp cho cơ thể 1/3 lượng canxi của ngày đó và vitamin D cần thiết cho thai kỳ.

3. Nho khô. Nho khô cung cấp chất xơ, sắt và protein cho thai nhi và cho cơ thể bạn. Món nho khô thích hợp cho các bữa giữa trưa hoặc chiều. Nho khô cũng có thể dành để trang trí bánh ngọt, bánh kem…

4. Sữa chua. Đây là loại thực phẩm bổ dưỡng và thuận tiện nhất cung cấp cho bạn canxi, protein, chất xơ và một vài vitamin, khoáng chất cần thiết khác.

5. Ngũ cốc thập cẩm. Rất dễ làm! Bạn có thể trộn ngũ cốc với dâu tây khô hoặc quả hạnh. Giữ bên mình khi đi dạo hoặc để trên ô tô một ít, đi đường bạn cùng chồng thưởng thức.

6. Sa lát. Rau bina, cà rốt, cà chua, dưa chuột, cần tây, nho khô, lạc có thể chế biến thành món sa lát cho cả ngày. Thêm chút đậu non và hạt đỗ vào. Món ăn này chứa rất nhiều protein.

7. Cà rốt bao tử. Cà rốt chứa nhiều vitamin A và chất xơ. Bạn có thể trộn lẫn sữa chua không béo với cà rốt để ăn hoặc có thể trộn lẫn rau cải xanh, hoa lơ, rau bina rồi đem xào qua cho bữa tối.

8. Phó mát miếng. Phó mát chứa nhiều canxi và một vài loại protein rất cần thiết cho thai phụ đặc biệt là bé khi lẫm chẫm biết đi. Nó trở thành sản phẩm chủ yếu cho các bữa ăn nhanh của các thành viên trong gia đình bạn.

9. Nước cam. Chứa vitamin C và canxi, có thể cung cấp khoảng 15% canxi cần thiết cho cơ thể bà bầu.

10. Bột yến mạch. Bạn có thể sử dụng bột yến mạch vào bữa sáng, yến mạch cung cấp các vitamin và khoáng chất chủ yếu cho cơ thể.

11. Phó mát làm từ sữa đã gạn kem. Đây là nguồn dinh dưỡng lớn chứa protein và canxi. Bà bầu có thể sử dụng chúng trong các bữa ăn trong bất kỳ thời gian nào.

Thực phẩm ăn nhanh nên tránh

1. Mỳ sợi. Chứa nhiều chất béo, mặn và một số các thành phần khác.

2. Sô đa. Thà bạn uống các thức uống dinh dưỡng như sữa ít béo, nước carbonate và nước ép hoa quả còn hơn.

3. Thực phẩm đóng gói sẵn

4. Thực phẩm đông lạnh.

5. Rau diếp. Khi bạn làm sa lát nên chọn các loại rau củ quả chứa nhiều vitamin A, B, C, axit folic, canxi và kali. Rau diếp chỉ chứa rất ít các loại này.

Bài 7. một số món ăn thông dụng theo Đông y của lương y Trần Khiết(giảng viên khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y-Dược TP.HCM):

- Thịt gà mái đen nấu với gạo tẻ, ăn sẽ có tác dụng an thai.

- Lòng đỏ trứng gà luộc với rượu ăn có tác dụng an thai và ngừa được một số bệnh khác.

- Gạo nếp làm men rượu: Thức ăn chữa được tình trạng động thai.

- Cá chép nấu cháo: Món ăn chữa được chứng phù và an thai.

- Cháo gạo tẻ: Đem lại dinh dưỡng tốt và an thai.

- Giá đậu đỏ: Bột giá đậu đỏ uống với ít rượu ấm trị được lậu thai (thai mấy tháng vẫn có lúc ra máu, do huyết quá nóng hoặc gần chồng làm tổn hại thai).

Bài 8. Phụ nữ mang thai không nên ăn:

1. Táo mèo (tên khác là sơn tra)

Sơn tra giá trị dinh dưỡng cao, lại có công hiệu tiêu hóa thức ăn và khai vị. Nó vừa chua vừa ngọt, rất “vừa miệng” đối với bà bầu. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều loại quả này. Có tài liệu đã chứng tỏ, sơn tra làm hưng phấn tử cung, có thể thúc đẩy tử cung co bóp, gây sẩy thai và sinh non.

2. Lạc. Ăn lạc trong quá trình mang thai làm sẽ làm nguy cơ mắc bệnh dị ứng của đứa trẻ sau này cao gấp 4 lần. Ngoài ra, việc sử dụng loại thực phẩm này khi cho con bú cũng làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh cho đứa trẻ. Mặc dù, lạc là nguồn cung cấp axit folic, chất không thể thiếu cho việc phát triển nơ ron thần kinh ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ta vẫn có thể thay thế loại thực phẩm này bằng đậu Hà Lan, loại thực phẩm này có chứa axit folic nhiều hơn và ít chất béo hơn.

3. Long nhãn

Sở dĩ như vậy là do phụ nữ khi có thai, phần lớn xuất hiện âm hỏa hư, có triệu chứng nóng trong và thường có các hiện tượng như táo bón, tiểu tiện đỏ xẻn, rêu lưỡi khô và vàng, miệng đắng, họng rát, cho nên để từ âm thanh nhiệt, lương huyết an thai, nếu lúc này ăn long nhãn, chẳng những không có tác dụng bồi bổ, ngược lại còn làm tăng nóng trong, động huyết động thai, ra huyết đau bụng, đau tức bụng dưới, thậm chí tổn thương thai khí, dẫn tới sảy thai, đặc biệt là phụ nữ có thai thời kỳ đầu đến 7, 8 tháng, càng phải kiêng ăn long nhãn.

Trong dân gian, có những phụ nữ có thai, trước khi sinh nở uống nước long nhãn, đó chủ yếu là những phụ nữ mang thai có thể chất yếu. Vì khi sinh nở phải tiêu hao thể lực khá lớn. Phụ nữ mang thai có thể lực yếu, khi sắp "ở cữ" thường dễ xuất hiện tay chân mềm nhũn bất lực, chóng mặt hoa mắt, vã mồ hôi. Cho họ uống một bát nước long nhãn có khí nóng bốc lên, vừa thơm vừa ngon, sẽ rất có lợi cho việc tăng cường thể lực, ổn định tinh thần, giúp cho việc sinh nở tốt hơn. Đương nhiên, những phụ nữ mang thai có thể lực tốt thì không nhất thiết phải uống một bát nước long nhãn.

Thế nhưng, sản phụ sau khi sinh con mà ăn long nhãn hoặc uống nước long nhãn thì lại rất tốt. Sản phụ sau khi sinh, nếu có xuất hiện các triệu chứng váng đầu, chóng mặt hoa mắt, vã mồ hôi, mạch nhỏ lưỡi nhạt, đó là hiện tượng huyết hư khí thoát, có thể ăn cháo nóng nấu với long nhãn, nhân sen, hồng táo và gạo nếp, sẽ có tác dụng ích khí bổ huyết rất tốt.

Nếu sản phụ có hiện tượng phù nhẹ, uống nước long nhãn còn có tác dụng điều trị tích cực - cách ăn phải kết hợp với sâm style rồi hấp lên ăn. Cũng có thể hầm gà với một chút long nhãn... Tất cả đều có lợi cho việc điều dưỡng đối với người sức yếu.

4. Đậu tương, đậu nành

Một nghiên cứu mới trên động vật của Viện Hopkins đã làm dấy lên câu hỏi liệu ăn đậu tương khi mang thai có gây ra sự bất bình thường ở cơ quan sinh sản cũng như thiểu năng tình dục ở các bé trai hay không? Tốt nhất là chúng ta tự nên tránh vì đậu tương có thể là an toàn, nhưng đối với thai nhi hoặc trẻ em, chúng ta vẫn chưa đủ thông tin về độ an toàn của nó.

5. Các loại cá họ kiếm như cá ngừ, cá thu đại dương, cá kiếm, cá mập, cá cờ...

Vì chúng chứa hàm lượng thủy ngân cao. Một lượng lớn kim loại này có thể huỷ hoại hệ thần kinh của con người, đặc biệt ở những bào thai đang phát triển. Nhưng không phải loại cá nào cũng chứa thủy ngân. Có những loại hải sản bạn có thể ăn thường xuyên như: tôm, cá hồi,…Bạn có thể ăn kết hợp với các loại tôm cá nước ngọt.

6. Quẩy

Khi làm quẩy, người ta phải đưa vào một lượng nhất định phèn chua, mà phèn chua chứa nhôm - một chất vô cơ. Khi rán quẩy, cứ 500 g bột mì phải dùng 15 g phèn chua. Phụ nữ mang thai cứ mỗi ngày ăn 2 chiếc quẩy sẽ đưa vào cơ thể 3 g phèn chua. Nếu ăn nhiều, lượng nhôm tích lũy sẽ lớn, làm cho não thai kém phát triển, tăng nguy cơ bệnh đần độn.

7. Gan động vật

Những phụ nữ có thai, nói chung chỉ được ăn lương vitamin A có trong thực phẩm trong khoảng 8.000 đến 10.000 đơn vị. Hàm lượng vitamin A có trong gan của con lợn có thể gấp 3-4 lần lượng cần thiết này. Ngoài ra, qua thí nghiệm trên con bò, người ta thấy thức ăn được đổi chất và chuyển hoá qua gan của nó, vì thế mà trong gan có lắng đọng lượng chất độc hại rất nhiều, các chất độc hại đó có hại vô cùng lớn đối với những phụ nữ có thai.

Nhiều công trình nghiên cứu đã cho rằng Vitamin A có tác dụng gây dị dạng thai nhi rất mạn, cho nên người mẹ mang thai nếu dùng quá lượng vitamin A cần thiết sẽ làm cho thai nhi bị dị dạng. Ở Anh, ở Mỹ và một số nước khác cũng đã công bố các công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của vitamin A đối với người mang thai, có những công trình nghiên cứu có giá trị học thuật cao đề xuất những ý kiến là phụ nữ có thai không nên ăn gan động vật.

8.Tuyệt đối không được ăn các loại thức ăn chưa nấu chín kỹ hoặc các đồ nem, chạo, gỏi cá…Thậm chí, kiêng ăn các loại rau, củ, quả nấu chưa chín nhừ.

9. Các đồ uống có chất caffeine như nước trà đặc, nước cà phê và nước cocacola.

Bài 9. Để an thai bà bầu ăn gì?

Phụ nữ mang thai cần một chế độ dinh dưỡng phong phú nhưng phải hợp lý, để cân bằng các dưỡng chất cần thiết cho cả mẹ và con, nhất là không thể thiếu các món ăn giúp an thai.

Hạt hướng dương: hạthướng dương rất giàu vitamin E giúp an thai, giảm nguy cơ gây ra sảy thai.

Mía: mía cũng là món ăn tốt cho bà bầu. Để giúp an thai có thể dùng bài thuốc sau: Mầm mía 30g, củgai 30g, ích mẫu 20g, củ gấu 80g, sa nhân 2g. Tất cả các vị thái nhỏ, phơi khôsắc với 400ml nước, còn 100 ml uống trong ngày, chia làm 2 lần.

Cháo cá chép: là mónăn chữa được chứng phù và an thai. Cá chép có thể hầm với gạo nếp , hạt đậu đỏhoặc nấu chung với hành, nghệ đều có tác dụng an thai, bổ khí huyết, ôn tỳ vị,trừ mỏi mệt, thiếu máu, lợi sữa.

Cách nấu cháo cá chép, gạo nếp như sau: Cá chép một con 250g, gừng một lát, gạo nếp 200 g. Cá luộc chín tẩm rượu rồi cho táo gừng vào cháo nhừ.

Cháo gà gạo tẻ: Dinh dưỡng tốt, an thai, bổ cho cả người già và người suy nhược cơ thể.

Người ta thường dùng nhiều nhất là thịt gà mái đen nấu với gạotẻ để giúp thai phụ an thai.

Trứng gà: Luộc trứnggà với rượu ăn hàng ngày sẽ giúp an thai, bồi bổ cơ thể. Trứng gà kết hợp với ngải cứu làmột bài thuốc dân gian quen dùng để an thai, tốt trong việc điều trị truỵ thai.

Bài thuốc trứng gà an thai được áp dụng như sau: Bà bầu mangthai tháng thứ 2 ăn mỗi tuần 2 lần canh trứng gà nấu ngải cứu, theo tỷ lệ 2 quảtrứng gà với 15g ngải cứu.

Mang thai ở tháng thứ ba, 2 tuần ăn món canh trứng gà ngải cứu một lần.

Mang thai ở tháng thứ tư, ăn một lần/tháng. Bài thuốc này sử dụng điều độ, đúng liều lượng sẽ giúp bà bầu tránh được sự suy nhược của sức khoẻ.

Gan gà: Chưng với rượu ăn hàng ngày cũng giúp an thai, bồi bổ khí huyết.

Ngoài tầm bổ các thực phẩm bố dưỡng, thai phụ cần tránh ăn các thực phẩm cay nóng, không ăn quá mặn, không ăn thực phẩm đã biến chất, không ăn thức ăn nhiều mỡ… Đặc biệt cần giữ tinh thần tươi vui, tránh stress để an thai và sinh con được khoẻ mạnh.


Bài 10. Cẩm nang dinh dưỡng không thể bỏ qua trong thai kì



Khi có thai, bạn không cần ăn nhiều hơn trước, nhưng bạn cần biết món bạn ăn có chứa chất dinh dưỡng nào? Dưới đây là 9 loại chất dinh dưỡng thiết yếu hữu ích cho thai kỳ.
Khi có thai, bạn không cần ăn nhiều hơn trước, nhưng bạn cần biết món bạn ăn có chứa chất dinh dưỡng nào?
Dưới đây là 9 loại chất dinh dưỡng thiết yếu cho thai kỳ, rất hữu ích cho cả bạn và thai nhi!

1. Prôtêin: Khi có thai nhu cầu prôtêin sẽ tăng khoảng 50%. Trong một ngày bạn cần ăn trứng, nửa lít sữa, cá hoặc thịt nạc sẽ đủ lượng prôtêin. Các món này đều chứa các axit amin cần thiết (là chất cấu tạo nên prôtêin). Prôtêin thực vật chỉ chứa một số ít loại axit amin do đó cần dùng chung với prôtêin từ động vật hoặc thực phẩm chế biến từ lúa mì. Prôtêin thực vật có trong các loại đậu, men bia, các loại hạt và quả hạch.

2. Calorie: Bình thường nhu cầu calorie hàng ngày là 2000 đến 2500, khi có thai bạn sẽ phải cần thêm 500 calorie. Nhu cầu calorie sẽ còn cao hơn nếu bạn sinh hai lần quá gần nhau, hoặc bạn không nghỉ dưỡng sức khi mang thai, hoặc thể trạng bạn gầy yếu , hoặc đang bị stress. Bạn chỉ cần thay đổi khẩu phần ăn thường xuyên, ăn đầy đủ các chất thì bạn sẽ có đầy đủ calorie!


3. Chất xơ và chất lỏng: Khi thai lớn bạn thường hay bị táo bón. Để cải thiện tình trạng này bạn hãy ăn nhiều chất xơ để giúp ruột hoạt động tốt. Khẩu phần ăn hàng ngày của bạn nên có các loại thực phẩm cung cấp chất xơ như rau quả tươi sống, cơm và các loại đậu.
Trong thời gian mang thai bạn không cần điều chỉnh lượng nước uống, trừ khi để theo dõi hàm lượng calorie mà thức uống đó cung cấp. Nước trắng là thức uống tốt nhất, nó giúp hai thận của bạn làm việc hiệu quả và ngăn ngừa táo bón. Nếu cơ thể bạn đang có tình trạng giữ nước nhẹ (phù nề) bạn có thể uống ít hơn cũng không sao.

4. Các Vitamin: Chế độ ăn uống cân đối và đa dạng sẽ giúp bạn sẽ có đủ Vitamin cần cho cơ thể mà không phải bổ sung thêm. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy các sản phụ đã được bổ sung Vitamin trước khi có thai hoặc trong 3 tháng đầu thì sẽ ngăn ngừa được tật khiếm khuyết ống thần kinh như: thai vô sọ hay tật nứt đốt sống.


5. Chất khoáng: Nếu bạn ăn uống hợp lý thì bạn không sợ thiếu khoáng chất và các yếu tố vi lượng. Tuy nhiên, calcium và sắt cần được cung cấp đều đặn nên một số bệnh viện cho sản phụ dùng bổ sung sắt và axit folic. Nếu bạn không được cho dùng các chất này bạn hãy thử hỏi bác sỹ xem; có thể bác sỹ sẽ đánh giá chế độ ăn uống của bạn để xem đã đầy đủ chưa. Đừng bao giờ tự mua khi chưa có ý kiến của bác sỹ.

6. Calcium: Ngay khi có thai nhu cầu Calcium của bạn đã tăng lên gấp đôi bởi vì răng và xương thai đã bắt đầu hình thành từ tuần thứ 4-6. Thai càng lớn bạn càng cần nhiều calcium hơn, đến tuần thứ 25 bạn phải cần nhiều hơn gấp đôi. Các loại thực phẩm có chứa calcium là sản phẩm chế biến từ sữa, rau cải, các loại đậu và quả hạch.
Calcium sẽ không được hấp thụ hiệu quả nếu thiếu Vitamin D, nhưng loại vitamin này không có nhiều trong thức ăn mà chủ yếu lấy từ ánh nắng mặt trời. Chỉ cần có ánh nắng là cơ thể có khả năng tự tổng hợp Vitamin D cho nên bạn không cần phải ăn bổ sung các thực phẩm chứa loại Vitamin này trừ khi bạn không bao giờ ra nắng.
Mỗi ngày bạn sẽ cần bổ sung thêm 1200mg calcium dạng phối hợp, trong khi nếu ăn uống bình thường thì chỉ cần 600mg là đủ. Đồng thời bạn cũng cần bổ sung Vitamin D dưới hình thức viên dầu cá chung với Vitamin A.

7. Sắt: Thể tích máu tăng tức cần thêm hồng cầu, cũng có nghĩa là cần thêm chất sắt để tạo haemoglobin cho hồng cầu. Máu càng chứa nhiều haemoglobin thì càng mang được nhiều oxygen đến nuôi các tổ chức trong cơ thể, trong đó có bánh nhau. Bạn cần dự trữ sắt cho đứa bé sau này vì sữa mẹ cung cấp rất ít sắt.
Sắt rất khó hấp thu; sắt trong động vật (tôm tép, lòng đỏ trứng) dễ hấp thu hơn sắt trong thực vật nhiều, ăn thức ăn nhiều vitamin C cùng lúc với thức ăn nhiều sắt sẽ giúp tăng cường hấp thu sắt.
Nếu sản phụ bị thiếu sắt bất kể bị từ trước hay mới bị đều cần uống viên sắt phòng ngừa tình trạng thiếu máu.

8. Axit folic: là một chất rất cần thiết trong hoạt động cung cấp axit nucleic cho quá trình phân chia tế bào của phôi. Do cơ thể không có khả năng dự trữ axit folic trong khi lượng bài tiết lại tăng lên 4-5 lần bình thường trong thai kỳ, do đó bạn cần ăn chất này mỗi ngày mới đủ nhu cầu.
Axit folic có sẵn trong rau cải và các loại quả hạch, nhưng tốt hơn là bạn nên bổ sung chất này từ 3 tháng trước khi có thai và kéo dài suốt thai kỳ. Đối với các sản phụ đã từng sinh con có khiếm khuyết dây sống và não như tật nứt đốt sống thì cần được bổ sung liều cao 4 mg

9. Muối: Bình thường, đa số chúng ta dùng quá liều muối, nhưng đến khi có thai nên duy trì lượng muối ăn vào vừa phải. Bất cứ lượng muối thừa nào trong máu cũng đều bị pha loang ngay bởi lượng dịch thừa xuất hiện trong thai kỳ

Theo http://afamily.vn

Bài 11. 11 nguyên tắc vàng về dinh dưỡng trong thai kì



Những nguyên tắc cơ bản dưới đây sẽ giúp các bà bầu không chỉ an tâm về chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho thai nhi mà còn giúp cho họ luôn cảm thấy khỏe mạnh, yêu đời.

Hiểu biết về chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh cho mẹ và bé trong thai kỳ là một kiến thức không hề đơn giản. Điều đó lý giải vì sao phần lớn thai phụ thường cảm thấy mệt mỏi trong phần lớn quá trình mang thai của mình. Những nguyên tắc cơ bản dưới đây sẽ giúp các bà bầu không chỉ an tâm về chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho thai nhi mà còn giúp cho họ luôn cảm thấy khỏe mạnh, yêu đời để chuẩn bị cho sự chào đời của đứa con yêu của mình.

1. Bổ sung choline: Một nghiên cứu gần đây tại Anh cho thấy rằng bữa ăn sáng truyền thống của người Anh bao gồm lòng đỏ trứng, thịt xông khói, sữa, rau bina chứa nhiều Choline vô cùng cần thiết cho sự phát triển trí não của trẻ. Trong khi đó một nghiên cứu được tiến hành đồng thời tại Mỹ cho ra kết quả chỉ có 14% thai phụ ăn đủ choline trong chế độ dinh dưỡng của họ.

2. Ăn nhiều tinh bột: Đảm bảo rằng các bữa ăn đều chứa tinh bột như: bánh mì, gạo, khoai tây và ngũ cốc…Tinh bột là một trong những thành phần không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng của bạn vì nó là nguồn cung cấp năng lượng chính cho sự hoạt động của cơ thể và não bộ của cả mẹ và em bé. Trong thời gian mang thai, lượng hormon thay đổi tác động lớn nhu cầu đường trong máu. Việc ăn uống đủ chất tinh bột sẽ giúp cung cấp lượng carbohydrate thường xuyên, đảm bảo lượng đủ lượng đường trong máu, giúp chống lại mệt mỏi.

3. Ăn nhiều trái cây và rau: Các nhà tư vấn khuyên rằng thai phụ nên bổ sung rau và hoa quả ít nhất 5 lần một ngày. Nước hoa quả có thể được dùng thay cho trái cây nhưng chỉ nên dùng 1 lần trong ngày. Lí do là bên cạnh cung cấp các chất dinh dưỡng, trái cây còn cung cấp một lượng chất xơ đáng kể, rất cần thiết cho bà bầu.

4. Tăng cường bổ sung protein: Chú trọng chọn những loại thực phẩm giàu protein như thịt nạc, thịt gà, cá (cần ăn cá ít nhất 2 lần trong tuần), trứng và đậu. Ngoài việc cung cấp protein đây cũng là những thực phẩm chứa lượng sắt dồi dào, cần thiết cho nhu cầu phát triển của bé.

5. Tăng cường chất xơ: Táo bón và nóng trong là hai vấn đề rất thường gặp của các bà bầu. Cách ngăn ngừa tốt nhất là ăn những thực phẩm có chứa nhiều chất xơ như ngũ cốc, đậu, rau và trái cây.

6. Ăn nhiều những thực phẩm từ sữa: Ăn nhiều những thực phẩm từ sữa như sữa, phó mát, sữa chua… Sữa là nguồn cung cấp canxi phong phú, cần thiết cho sự phát triển hệ răng và xương của cả mẹ và bé. Có thể chọn những loại ít chất béo để tránh hiện tượng tăng cân quá nhanh và quá nhiều cho mẹ.

7. Bổ sung các bữa ăn nhẹ: Phụ nữ thường cảm thấy cần phải ăn thường xuyên hơn trong những ngày đầu của thai kỳ để giúp chống lại “căn bệnh buổi sáng” dể kiểm soát sự thay đổi lượng đường trong máu và đảm bảo đủ năng lượng cho em bé phát triển.

Tuy nhiên ăn quá nhiều đồ ăn nhẹ như bánh ngọt, bánh bích quy, socola có thể dẫn đến việc tăng cân “phi mã”. Hãy chọn những đồ ăn nhẹ tốt cho sức khỏe hơn như bánh mì, sữa chua, sữa, hoa quả (bao gồm cả hoa quả tươi, hoa quả khô, và nước hoa quả).

8. Xem xét lại lượng muối trong khẩu phần ăn: Hầu hết người Anh đều ăn khá mặn, đó là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh huyết áp cao. Huyết áp là một biến chứng khá nguy hiểm và được theo dõi trong toàn bộ thai kỳ. Bên cạnh đó lượng muối quá nhiều trong cơ thể cũng có thể gây ra hiện tượng phù nề ở thai phụ. Chính vì thế các bà mẹ mang thai cần hạn chế lượng muối trong khẩu phần ăn của mình để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

9. Tăng cường luyện tập: Mỗi một thai phụ sẽ có mức tăng cân khác nhau tùy thuộc vào trọng lượng trước khi mang thai và chế độ ăn., mức tăng trung bình trong toàn bộ quá trình mang thai nên từ 10-12 kg. Tăng cân quá nhiều cũng là một nguyên nhân của việc tăng huyết áp. Tuy nhiên giữ cho cơ thế không tăng cân “phi mã” không có nghĩa là hạn chế năng lượng nạp vào, hạn chế nguồn thức ăn cung cấp cho bé.

Lên kế hoạch cho một khẩu phần ăn phù hợp, đủ chất kết hợp với vận động. Vận động và các biện pháp thế dục thể thao không chỉ giúp kiểm soát việc tăng cân mà còn giúp cho việc sinh nở diễn ra dễ dàng hơn.

10. Uống nhiều nước và các loại chất lỏng: Phụ nữ mang thai dễ bị mất nước hơn bình thường, vì vậy việc uống nhiều nước và các loại chất lỏng khác là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là khi tập thể dục và trong thời tiết nắng nóng. Nước và các loại chất lỏng khác kết hợp với chất xơ cũng giúp ngăn ngừa hiệu quả chứng nóng trong và táo bón ở bà bầu. Tuy nhiên cần hạn chế những đồ uống có gas, vì nó sẽ làm cho bạn cảm thấy đầy hơi và khó tiêu hơn.

11. Không bỏ qua bữa ăn sáng: Sau một đêm, toàn bộ thức ăn của bạn nạp trong buổi tối hôm trước gần như tiêu tan. Bữa ăn sáng sẽ cung cấp nguồn năng lượng vô cùng quan trọng cho hoạt động của não bộ, cơ thể và sự phát triển không ngừng của em bé trong một ngày mới. Ăn sáng cũng là cách chống lại các chứng nghén hiệu quả trong những tháng đầu của thai kỳ.

Bằng chứng cho thấy rằng những người bỏ qua bữa ăn sáng có xu hướng căng thẳng hơn và phải đấu tranh với mệt mỏi, sự không tập trung nhiều hơn những người ăn sáng. Ăn sáng với ngũ cốc, kèm theo sữa/sữa chua, hoa quả là một sự lựa chọn tuyệt vời cho bà bầu vì nó bổ sung axit folic, sắt và vitamin quan trọng khác.

Theo afamily.vn

No comments: