Jan 15, 2011

Ăn dừa lợi hay hại?

Có hai luồng ý kiến về công dụng của trái dừa. Người cho rằng ăn cơm dừa, uống nước dừa giúp tăng cường miễn dịch, loại bỏ độc tố, dầu dừa giúp hấp thụ calci; nhưng cũng có ý kiến cho rằng, trong dừa chứa nhiều chất béo không có lợi cho cơ thể, ăn nhiều sẽ đầy bụng, béo phì. Vậy dùng dừa như thế nào là đúng?
Trong nước dừa có các chất điện giải như clorua, kali, magiê, ngoài ra, còn có đường glucose. Giải khát bằng nước dừa khi trời nắng nóng hoặc khi bị tiêu chảy gây mất nước rất tốt. Nước dừa sẽ giúp bổ sung năng lượng và chất điện giải. Uống nước dừa, “nhâm nhi” một ít cùi dừa cũng không làm tăng cân.

Tuy nhiên, rất nhiều món ăn miền Nam chứa lượng lớn nước cốt dừa (cơm dừa già, nạo nhỏ vắt lấy nước cốt làm nguyên liệu nấu ăn). Từ các món ăn chơi như bánh tằm bì, bánh xèo, bánh khọt, chè, xôi, bánh ít, bánh nếp… và cả một số bánh tráng cho tới các món hầm, kho trong bữa cơm hằng ngày.

Mặc dù dầu thực vật nói chung không chứa cholesterol, nhưng chất béo từ dừa (dầu dừa, nước cốt dừa) được xếp vào loại thực phẩm giàu chất béo (1g chất béo cho 9 Kcalo). Đây là loại chất béo thực vật có hàm lượng axít béo no cao, khi vào cơ thể, sự chuyển hóa của chất béo này có hại cho tim mạch. Vì thế, không nên ăn nhiều nước cốt dừa. Người ta nhận thấy, bớt dùng nước cốt dừa có thể góp phần giảm nguy cơ béo phì, rối loạn lipid máu, hội chứng chuyển hóa, tiểu đường type 2...

Dầu dừa và dầu cọ thường được dùng để cho vào một số thực phẩm, nhưng dầu dừa tốt hơn bởi cùng chứa chất béo bão hòa, nhưng dầu cọ lại làm giảm khả năng hấp thu calci. Trong khi đó, dầu dừa không gây tác động này.

Như vậy, để không bị “tác dụng phụ” từ dừa, bạn không nên thường xuyên dùng những món ăn có nước cốt dừa, ngoại trừ trường hợp muốn tăng cân.

Theo TS Nguyễn Thị Minh Kiều
Phụ nữ

No comments: