May 8, 2011

Chứng vẩn đục dịch kính mắt

Dịch kính vốn trong suốt, giúp ánh sáng có thể đi qua và truyền tín hiệu hình ảnh. Nếu dịch này vẩn đục, hình ảnh sẽ mờ đi. Tình trạng này thường xảy ra ở những người bị viêm màng bồ đào, chấn thương mắt hoặc cận thị nặng.

Nhãn cầu mắt người nom như quả táo ta hoặc quả cà pháo đặt nằm ngang. Đường trục trước sau của nó chừng 22 mm. Nó có hệ quang học gồm 4 thứ kính: Trước hết là giác mạc, kế đó là nước thủy dịch của tiền phòng, rồi đến thủy tinh thể và cuối cùng là dịch kính, chiếm 2/3 dung tích nội nhãn phía sau. Dịch kính mắt bình thường giống như lòng trắng trứng sống, bao giờ cũng trong suốt. Nó không có mạch máu, được nuôi dưỡng bằng chất thẩm thấu qua các mạch của hắc mạc.

Thế nhưng dịch kính có thể vẩn đục do bệnh tật, hoặc do chấn thương, tuổi tác; chẳng hạn như viêm màng bồ đào sau, xuất huyết dịch kính (vì chấn thương hoặc bệnh mạch võng mạc), bong võng mạc. Ở người cao tuổi, dịch kính lỏng ra, hay có các bóng khí và vẩn đục. Dịch kính cũng rất dễ đục ở những người tiếp xúc với tia lửa lò cao nhiều năm, không chịu đeo kính bảo hộ. Họ bị chấn thương mắt liên tục với tia hồng ngoại có ở lửa lò nhiệt độ cao.

Ở người cận thị nặng, dịch kính mắt hơi loãng ra cho phù hợp với kích thước lớn của vỏ nhãn cầu, vì thế dễ bị đục hơn. Nó gây cảm giác vẩn mờ trước mắt, hơi khó chịu và cũng khó điều trị. Bệnh nhân nên dùng canxi, dầu cá (có cả vitamin A và D) và cố đừng để ý đến cảm giác “ruồi bay” trong khi bệnh chưa lui. Triệu chứng ruồi bay với mắt cận không có gì đáng lo ngại. Điều đáng lo là biến chứng bong võng mạc khi có va đập mạnh vào mắt.

Để phòng vẩn đục dịch kính, cần chữa tích cực chứng viêm màng bồ đào và chứng xuất huyết dịch kính; đeo kính bảo hộ khi tiếp xúc với tia lửa lò. Nếu đã bị đục, cần điều trị bằng canxi, vitamin C, AD, i ốt. Không nên quá lo lắng về chứng vẩn đục dịch kính vì nó thường không gây mù. Hãn hữu lắm mới có trường hợp vẩn đục dịch kính tạo dải xơ, gây co kéo làm bong võng mạc.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống, 2/4/2005)

No comments: