1. Sấu ngâm nước mắm. Sấu non (hạt chưa cứng) gọt vỏ, ngâm với nước khoảng 2h cho bớt chua. Trút sấu ra rổ phơi vài giờ cho ráo nước và không còn ướt vỏ (hoặc lău khô). Cho sấu vào lọ, đổ nước mắm ngon vào ngập 1/2 lượng sấu, lắc đều. Để 1 ngày sấu sẽ ra nước thêm để ngập toàn bộ sấu. Sau 2 ngày có thể bắt đầu ăn được.
Chú ý: nếu không ngâm nước trước sấu sẽ rất chua. Sau khi gọt vỏ và ngâm nếu phơi sấu lâu sẽ có váng và mốc. Cho thêm nước lã vào lọ cũng sẽ hay mốc. Ngay từ đầu cho ngập nước mắm sẽ phí vì sấu còn ra nhiều nước. Cách trên không cần cho lọ sấu vào tủ lạnh.
2. Sấu ngâm đường. Sấu chọn quả tròn đều, không dập nát. Sấu cạo vỏ, ngâm nước lã 2h để ra bớt chua, nhựa chát. Đường hoa mai đun với nước đến khi nước đường sánh lại, để nguội, rót lên sấu, cho vài lát gừng đập dập vào, sau 2 tuần là dùng ngon. Kết quả sấu giòn ngọt chứ không mềm, thơm, không váng.
3. Món ngan hay vịt sấu. Đầu tiên làm sạch vịt hoặc ngan, chặt ra và ướp gia vị. Cạo vỏ sấu và rửa sạch, khía từng quả sấu và cho vào nồi vịt (chừng hoảng 15 quả/1con vịt 1,5 kg, tùy theo mức độ ăn chua khác nhau). Bóc 2 củ tỏi và đập dập rồi cho vào nồi vịt. Cho lên bếp đun qua rồi chế thêm một chút nước nóng để sấu chín tan ra. Cứ đun như vậy và nếm vị vừa ăn cho đến khi thịt vịt hay ngan chín mềm, vị chua vừa, nước sánh. Món này có thể ăn với bún.
4. Sấu để tủ lạnh. Sấu rửa sạch, ngâm qua nước muối loãng, để ráo nước, cho vào túi nilong cất vào ngăn đá để ăn quanh năm.
Hương Quê
No comments:
Post a Comment