Jan 21, 2011

Những nguy hiểm từ rối loạn mỡ máu

Cholesterol và triglycerid máu là các thành phần chất béo ở trong máu. Chúng thường được gọi là các thành phần của mỡ máu hay chính xác hơn là lipid máu. Khi hàm lượng lipid trong máu tăng cao có thể gây ra bệnh vữa xơ động mạch và các bệnh chuyển hóa khác. Trước đây, y văn thường gọi là tăng lipid máu, nhưng gần đây một số nghiên cứu cho thấy, nếu các thành phần lipid có lợi bị giảm đi thì cũng có thể gây bệnh, do vậy các nhà khoa học đã thống nhất gọi là rối loạn lipid máu hay rối loạn mỡ máu theo cách gọi thông thường.


Vì sao dẫn đến rối loạn mỡ máu?

Sau khi ăn chất béo (mỡ), triglycerid và cholesterol được hấp thu vào tế bào ruột dưới dạng acid béo và cholesterol tự do. Trong cơ thể, các cholesterol cũng được tổng hợp tại các tế bào gan (chuyển hóa lipid nội sinh). Vì không tan trong nước, để tuần hoàn được trong huyết tương, các lipid phải được kết hợp với các protein dưới dạng phức hợp phân tử lớn gọi là lipoprotein. Có 6 loại lipoprotein khác nhau về tỷ trọng, nhưng có 2 loại được quan tâm nhất là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C) là một loại cholesterol có hại và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C) là một loại cholesterol có ích.

Ăn quá nhiều chất béo bão hòa là nguyên nhân chủ yếu gây tăng cholesterol máu. Thừa cân, uống nhiều rượu, ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo sẽ làm tăng lượng triglycerid trong máu. Khoảng dưới 10% các trường hợp bị rối loạn lipid máu thứ phát do các nguyên nhân như: Tiểu đường, hội chứng thận hư, tăng urê máu, suy tuyến giáp, bệnh gan, nghiện rượu, uống thuốc tránh thai, một số thuốc tim mạch như thuốc ức chế bêta giao cảm, nhóm thuốc lợi tiểu thiazid.

Những nguy hiểm do rối loạn mỡ máu

Nồng độ cholesterol trong máu cao là nguyên nhân chủ yếu của quá trình vữa xơ động mạch và dần dần làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác của cơ thể. Khi động mạch vành bị hẹp sẽ làm giảm dòng máu tới nuôi cơ tim gây ra cơn đau thắt ngực, thậm chí nhồi máu cơ tim. Hầu hết lượng cholesterol toàn phần trong máu tạo ra LDL-C là loại cholesterol có hại. Chỉ có một lượng nhỏ cholesterol tạo ra HDL-C là loại cholesterol có ích, có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh vữa xơ động mạch. Nguy cơ bị bệnh động mạch vành và các bệnh lý tim mạch khác càng tăng cao hơn nếu bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ khác đi kèm như hút thuốc lá, tăng huyết áp, tiểu đường, thói quen ít vận động và thừa cân.

Cần thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống phối hợp với việc sử dụng thuốc một cách tích cực có thể phòng ngừa sự tiến triển, thậm chí có thể làm thoái triển bệnh động mạch vành. Bỏ hút thuốc là biện pháp mạnh mẽ nhất để đề phòng các bệnh tim mạch và ngoài tim mạch. Uống rượu với lượng vừa phải (đặc biệt là rượu vang đỏ) có tác dụng bảo vệ tim do làm tăng lượng HDL-C và tác dụng chống ôxy hóa. Ăn ít chất béo bão hòa chủ yếu có nguồn gốc từ động vật, ăn nhiều các chất béo có nguồn gốc từ thực vật. Ngoại trừ dầu dừa, dầu cọ và thịt các loại giáp xác như tôm, cua có chứa nhiều chất béo bão hòa. Hãy thực hiện chế độ ăn nhiều chất xơ, nhiều rau tươi, nhiều cá, ít thịt và muối, “không ngày nào là không ăn hoa quả”. Đây là chế độ ăn có tác dụng bảo vệ tim mạch tối ưu, đặc biệt ở những người bị nhồi máu cơ tim. Không ăn bơ và kem, ăn dầu ôliu. Dầu cá có chứa acid béo omega-3 làm giảm tỷ lệ bị đột tử, làm tăng tuổi thọ và có tác dụng bảo vệ đặc biệt giai đoạn sau nhồi máu cơ tim. Với các bệnh nhân chỉ tăng cholesterol máu nên ăn kiêng mỡ lợn, mỡ gà, dầu dừa, dầu cọ; các phủ tạng động vật như gan, lòng, óc, bầu dục...; các thịt tạp vụn như cổ, cánh, da... Với các bệnh nhân có tăng triglycerid kèm theo thì phải kiêng thêm đường, mứt, mật, bánh kẹo, rượu và các đồ uống có chất cồn. Hạn chế các chất bột như bánh mì, cơm gạo... Các thức ăn nên dùng là dầu đậu nành, các loại rau quả tươi, cá, thịt nạc, ăn giảm muối.

Giảm cân sẽ làm giảm được sự rối loạn lipid máu ở bệnh nhân thừa cân và có lợi đối với các bệnh đi kèm như tiểu đường, tăng huyết áp... Mức độ tập luyện phải tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người.

Các biện pháp điều trị

Sau khi thực hiện biện pháp ăn kiêng, luyện tập và các biện pháp điều trị không cần thuốc mà lượng cholesterol máu vẫn không giảm đến mức độ cần thiết, lúc đó cần phải dùng thuốc. Các thuốc giảm cholesterol máu rất có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ tái phát bệnh động mạch vành, bao gồm 5 nhóm chủ yếu: Nhóm thuốc ngăn chặn tổng hợp cholesterol tại gan bằng cách ức chế cạnh tranh hoạt động của men HMG-CoA reductase, làm giảm tổng hợp cholesterol ở toàn bộ cơ thể. Thuốc gắn acid mật làm tăng gắn cholesterol với acid mật, do vậy thuốc làm tăng thải cholesterol qua đường mật. Thuốc ức chế ly giải lipid. Thuốc làm giảm sự di chuyển acid béo tự do từ các tổ chức mỡ, do vậy gan sẽ có ít nguyên liệu để tổng hợp ra cholesterol. Thuốc làm tăng ly giải lipid ở ngoại biên và giảm sản xuất triglycerid ở gan. Thuốc ức chế hấp thu cholesterol...

Điều trị rối loạn lipid máu sẽ giúp chúng ta tránh được các biến chứng tim mạch nguy hiểm như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim...; tránh được các biến chứng khác do bệnh vữa xơ động mạch gây ra như tai biến mạch máu não, hẹp động mạch ngoại biên...; tăng tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của mỗi người; giảm chi phí điều trị.

TS.BS Nguyễn Quang Tuấn, Bênh viên Nội tiết.

No comments: